Điều nghịch lý đang diễn ra, một loại hình kinh doanh thu tiền tỷ dù ế nhưng giá vẫn cao chót vót

Dy Khoa | 15:22 28/06/2023

Loại hình kinh doanh này đang chịu nhiều áp lực từ thị trường và được kỳ vọng khởi sắc vào năm sau.

Điều nghịch lý đang diễn ra, một loại hình kinh doanh thu tiền tỷ dù ế nhưng giá vẫn cao chót vót
Ảnh: Dy Khoa.

Trong nhiều tháng trở lại đây, nhiều mặt bằng cho thuê trên các tuyến đường trung tâm của TP HCM rơi vào tình trạng “cửa chốt then cài”. Người thuê cũ rời đi, người mới chưa lại đã khiến những mặt bằng tiền tỷ yên ắng.

Cụ thể, các con đường sầm uất hàng đầu của thành phố như Lê Lai, Lê Lợi, Đồng Khởi, Cách Mạng Tháng Tám, Pasteur, Nguyễn Huệ…  chịu cảnh treo bảng “Cho thuê mặt bằng”. Tuy vậy, giá cho thuê mặt bằng tại các tuyến đường trên không hề xuống giá như quy luật giá sẽ giảm khi nhu cầu giảm.

c636abc7-d0a3-4a50-9af0-065c3167729d.jpeg
Mặt bằng tại khu vực trung tâm thành phố Hồ Chí Minh chịu cảnh "cửa chốt then cài" do không có khách thuê. Ảnh: Dy Khoa.

Giá thuê các mặt bằng này vẫn rất cao, dao động từ 3.500 USD đến 20.000 USD/tháng (khoảng 80 – 500 triệu đồng). Trên đường Lê Lợi, một mặt bằng ngang 4m, dài 28m, 1 trệt 2 lầu được rao thuê lên đến 200 triệu đồng/tháng, đặt cọc 3 tháng. Một mặt bằng 240m2 khác cũng tọa lạc đường này có giá thuê 520 triệu đồng/tháng, cọc 3 tháng. 

Theo số liệu của Batdongsan.com.vn, trong quý 1/2023, nhu cầu tìm thuê nhà mặt phố TP.HCM có xu hướng giảm, nhất là ở các khu vực trung tâm. Lượt khách tìm thuê nhà phố quận 1 đã giảm 40%, quận 3 giảm 45%, quận 7 giảm 52%, quận 10 giảm 48% và quận Phú Nhuận giảm 50% so với quý 4/2022.

Nhu vậy, nhu cầu tìm thuê nhà phố nội thành TP HCM đã liên tục giảm mạnh, kéo dài từ quý 2/2022 đến nay vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi.

Dù nhu cầu tìm thuê thấp, giá chào thuê mặt bằng kinh doanh tại TP HCM vẫn tăng mạnh, nhất là ở khu vực trung tâm. Giá thuê nhà mặt phố tại quận 1 đã ghi nhận mức tăng 17%; quận 3 tăng 13%; quận 7 tăng 11%; quận 10 tăng 2%; và quận Phú Nhuận tăng 9% so với quý trước.

74474b9f-9c70-4245-9ee9-1d2b6a2cbc6b.jpeg
Một mặt bằng đẹp trên đường Nguyễn Huệ (quận 1) cũng chịu chung cảnh. Nơi này, trước khi đóng cửa, là một nhà hàng nổi tiếng. Ảnh: Dy Khoa.

So với thời điểm năm 2019, dữ liệu của Batdongsan.com.vn cũng chỉ ra giá thuê mặt bằng tại các tuyến đường như Lê Lợi, Hai Bà Trưng, Bùi Viện (quận 1); Nguyễn Gia Trí (quận Bình Thạnh); Phan Xích Long (quận Phú Nhuận) và Nguyễn Thị Thập (quận 7) đều tăng cao.

Mặt bằng khu vực trung tâm phổ biến ở mức 120-200 triệu đồng/tháng, trong khi mức giá khu vực bán trung tâm dao động trong khoảng 85-100 triệu đồng/tháng.

Hiện nay, mô hình kinh doanh trực tuyến đang phát triển. Khi đó, nhu cầu chỉ cần một mặt bằng nhỏ đủ để hoạt động đang được khách thuê lựa chọn hơn là phải thuê một mặt bằng lớn, đắt đỏ ở trung tâm TP HCM. Từ giảm chi phí cố định, chủ kinh doanh chiết khấu trực tiếp vào giá thành sản phẩm để tăng tính cạnh tranh.

Tình hình kinh doanh hiện khó khăn hơn trước đây, người dân có xu hướng "thắt lưng buộc bụng", kiểm soát chi tiêu gắt gao hơn là một số nguyên nhân buộc doanh nghiệp, người bán hàng cơ cấu lại chi phí. Điều này đồng nghĩa doanh nghiệp phải tính toán lại mọi khoản chi phí để điều tiết ngân sách duy trì hoạt động.

Ông Nguyễn Duy Thành, Tổng giám đốc Công ty Quản lý nhà Toàn cầu (Global Home), cho biết trên Báo Sài Gòn Giải Phóng, nhiều doanh nghiệp đang có xu hướng dịch chuyển ra xa do có sự chênh lệch khá lớn về giá thuê mặt bằng giữa khu vực trung tâm thành phố và các quận tiệm cận.

a9bf6cfa-8c08-4162-b0f1-76176f1b1119.jpeg
Mặt bằng trên đường Đồng Khởi, quận 1, cũng không khá hơn. Đồng Khởi, chạy song song với đường Nguyễn Huệ, có lượng người qua lại rất lớn. Ảnh: Dy Khoa.

Bà Trần Phạm Phương Quyên, Quản lý Bộ phận cho thuê bán lẻ Savills TPHCM, nhận định, đối với một nhãn hàng, khi mô hình kinh doanh chưa đạt được hiệu quả như mong đợi, việc đóng cửa các mặt bằng đắc địa để tiết giảm chi phí cũng là điều dễ hiểu.

Cũng theo bà Quyên, riêng đối với ngành F&B (dịch vụ ẩm thực), vòng đời của một thương hiệu thường không quá dài. Các nhãn hàng luôn phải chủ động cải tiến, sáng tạo để mang đến trải nghiệm mới cho khách hàng. Sau khi đã đạt được mục đích quảng bá thương hiệu nhờ mặt bằng thuận lợi, họ sẽ chuyển sang giai đoạn tiếp theo là cắt giảm chi phí thuê mặt bằng. Đồng thời, họ sẽ mở rộng cửa hàng ở các khu vực bán trung tâm để tiết giảm chi phí thuê mặt bằng mà vẫn giữ vững hiệu quả kinh doanh.

Ông Đinh Minh Tuấn, Giám đốc khu vực miền Nam của Batdongsan.com.vn nhận định, làn sóng trả mặt bằng vẫn chưa dừng lại và sẽ tiếp tục dâng cao vào giai đoạn cuối năm nay. Sau khi Nhà nước có những điều chỉnh liên quan đến lãi suất và các chính sách tháo gỡ cho thị trường bất động sản, thị trường cho thuê nhà mặt phố sẽ khởi sắc hơn vào năm 2024.


(0) Bình luận
Điều nghịch lý đang diễn ra, một loại hình kinh doanh thu tiền tỷ dù ế nhưng giá vẫn cao chót vót
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO