Điều hành chính sách tiền tệ: Chuyển trạng thái “linh hoạt, nới lỏng” rất phù hợp!

Nguyên Trang | 18:36 20/07/2023

Đây là nhận xét của TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế tại Tọa đàm trực tuyến "Điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ và mục tiêu tăng trưởng trong bối cảnh mới" diễn ra vào chiều 20/7.

Điều hành chính sách tiền tệ: Chuyển trạng thái “linh hoạt, nới lỏng” rất phù hợp!
Các vị khách mời tại Tọa đàm trực tuyến "Điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ và mục tiêu tăng trưởng trong bối cảnh mới" diễn ra vào chiều 20/7.

Đánh giá về những chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đưa ra chủ trương chuyển chính sách tiền tệ từ "chặt chẽ" trước đó sang "chắc chắn" và đến nay, tiếp tục chuyển sang "linh hoạt, nới lỏng hơn".

TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế cho biết: Trước hết, tôi thấy chỉ đạo của Chính phủ, của Thủ tướng Chính phủ thời gian qua sát với tình hình cả quốc tế và trong nước. Chúng ta nhớ rằng, điều kiện quốc tế và trong nước trong 2 năm vừa qua có rất nhiều biến động và nhiều yếu tố gọi là "đa khủng hoảng" xảy ra. Chúng ta đã có những điều chỉnh về mặt chính sách kinh tế vĩ mô nói chung và chính sách tiền tệ nói riêng phù hợp với bối cảnh, với thời điểm và mức độ.

Trong thời kỳ quý I-III năm 2022, lạm phát của thế giới tương đối cao. Lúc đó chính sách tiền tệ của chúng ta là "chặt chẽ". Cuối năm 202, về cơ bản lạm phát của chúng ta kiểm soát tốt và lạm phát toàn cầu có dấu hiệu chững lại, thì chúng ta chuyển sang trạng thái "chắc chắn" và thực hiện được đa mục tiêu. Còn thời điểm hiện nay, Chính phủ cũng như Thủ tướng quyết định chuyển sang trạng thái "linh hoạt, nới lỏng". Tôi thấy rất phù hợp!

Như TS. Nguyễn Sĩ Dũng đã nêu 3 yếu tố quan trọng ban đầu: Một là giá cả, lạm phát trên thế giới về cơ bản đã chững lại và đang giảm giá. Thậm chí, ở một số thị trường còn giảm nhanh hơn chúng tôi dự báo, như ở Mỹ, lạm phát tháng 6 so với cùng kỳ năm trước chỉ khoảng 3% từ mức 9% của đỉnh điểm tháng 7-8/2022. Giá cả các mặt hàng, đặc biệt là giá năng lượng, giá hàng hóa cơ bản cũng đã và đang giảm dần, trừ một vài mặt hàng nông sản thời gian gần đây, như gạo, cà phê…

Lý do thứ hai ta thấy rất rõ là trong bối cảnh như vậy, áp lực đối với lạm phát, với tỉ giá trên thế giới đã giảm nhiệt đi rất nhiều. Một bối cảnh nữa rất quan trọng là thực tiễn ở Việt Nam, về cơ bản lạm phát của chúng ta, cả lạm phát tổng thể cũng như lạm phát lõi, đã và đang giảm dần từ đầu năm tới giờ. Lạm phát tổng thể của chúng ta hồi tháng 1 so với cùng kỳ năm trước ở mức khoảng 4,9%, tháng 6 vừa qua chỉ còn khoảng 2% so với cùng kỳ năm trước. Còn tính bình quân 6 tháng là 3,29% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản của chúng ta đã và đang giảm dần dù chậm hơn, từ mức khoảng 5,21% đầu năm xuống 4,74% của tháng 6. Đấy là cơ sở rất quan trọng.

Thứ hai là kinh tế của chúng ta 2 quý vừa qua mặc dù có tiến triển hơn nhưng vẫn còn khó khăn, chịu tác động rất lớn từ những yếu tố đặc biệt bên ngoài và những yếu tố nội tại bên trong tồn tại lâu nay và vẫn phải tiếp tục xử lý. Vì thế, chúng ta đạt mức tăng trưởng chỉ 3,72% của 6 tháng đầu năm.

ts-can-van-luc.jpg
TS. Cấn Văn Lực: "Thời điểm hiện nay, Chính phủ cũng như Thủ tướng quyết định chuyển sang trạng thái "linh hoạt, nới lỏng". Tôi thấy rất phù hợp!"

Rõ ràng, bây giờ chúng ta cần thay đổi chính sách phù hợp để phục hồi và hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế. Mặc dù vậy, chúng ta nới lỏng nhưng linh hoạt, tức là vẫn bảo đảm mục tiêu ổn định được kinh tế vĩ mô.

Cuối cùng là phối hợp đồng bộ hơn với các chính sách khác, trong đó có chính sách tài khóa, giải ngân vốn đầu tư công và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thì chúng ta mới bảo đảm được thực hiện tốt các mục tiêu đã đề ra.

Đại biểu Quốc hội Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội chia sẻ: Bối cảnh hiện nay khác rất nhiều thời điểm khó khăn trước đây. Tôi cho rằng, đánh giá chung thì việc điều hành chính sách lần này có mấy điểm mới như thế này.

Đầu tiên là sự tự tin và bài bản, ít bị động hơn. Điều này rất là quan trọng. Chúng ta đã có những sự chuẩn bị kỹ càng cả ở Quốc hội cả ở Chính phủ, có sự tham vấn các chuyên gia.

Thứ hai, chúng ta thống nhất và đưa ra được một nguyên tắc, công thức cốt lõi để điều hành, dựa trên ổn định vĩ mô và kết hợp, phối hợp chính sách tài khóa, tiền tệ. Khi chúng ta có một công thức như vậy và các biến số để chúng ta điều hành thay đổi theo từng giai đoạn thì rõ ràng là tạo ra dư địa rất lớn trong việc đưa ra một quyết định nhanh chóng hơn là chúng ta không có một công thức cố định. Trong đó, mỗi bài toán trong một giai đoạn lại phải kết hợp rất nhiều biến số khác nhau. Rõ ràng đây là dư địa thuận lợi và tôi cho rằng rất khác ở thời điểm hiện nay. Chúng ta đưa ra công thức này thì tính đến cả lâu dài, chính sách phối hợp tài khóa và tiền tệ không chỉ giải quyết vấn đề trước mắt mà cả vấn đề lâu dài.

Ổn định kinh tế vĩ mô hiện nay vẫn là nền tảng cấu trúc cốt lõi. Tôi nhấn mạnh là chính sách nới lỏng, linh hoạt tiền tệ lần này cho thấy chúng ta đã chủ động hơn, quyết đoán hơn trong việc đưa ra quyết định của mình.

Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký, Trưởng ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết: Chuyển hướng chính sách tiền tệ từ "chặt chẽ, chắc chắn" đến nay sang hướng "linh hoạt, nới lỏng" hơn trong bối cảnh để hướng tới nhiều mục tiêu phát triển. Từ khía cạnh cộng đồng doanh nghiệp, chúng tôi thấy rằng cái này rất đúng trong yêu cầu hiện nay, rất đúng với nhu cầu.

Tôi hình dung việc đúng này như là các mảnh ruộng đang khô hạn và Chính phủ đang cố gắng tạo nguồn nước để tưới cho các mảnh ruộng này. Bởi vì hoạt động kinh doanh thì cần vốn, vốn với doanh nghiệp như trồng trọt cần nước vậy. Khi bị thiếu nước thì rõ ràng nông nghiệp không thể phát triển, giống như doanh nghiệp thiếu vốn thì chắc chắn gặp khó khăn.

Cho nên chính sách này, dưới góc độ chúng tôi nhìn nhận, là rất quan trọng, cốt lõi và rất cần thiết trong giai đoạn này.


(0) Bình luận
Điều hành chính sách tiền tệ: Chuyển trạng thái “linh hoạt, nới lỏng” rất phù hợp!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO