Điều gì giúp Vietcombank đảo ngược tình thế dù doanh thu sụt giảm?

Mạnh Đại | 08:01 21/11/2023

Vietcombank (VCB) báo lãi 7.274 tỷ đồng, tăng 19,8% so với cùng kỳ năm 2022. Bất chấp việc doanh thu của nhà băng này suy giảm đáng kể trong quý 3/2023.

Điều gì giúp Vietcombank đảo ngược tình thế dù doanh thu sụt giảm?
Điều gì giúp Vietcombank (VCB) đảo ngược tình thế, báo lãi tăng 19,8% so với cùng kỳ, dù doanh thu sụt giảm?

Theo BCTC quý 3/2023, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank; HoSE: VCB) ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 9.051 tỷ đồng, tăng 19,6% so với cùng kỳ năm 2022.

Cụ thể, quý 3/2023, thu nhập thuần – mảng kinh doanh cốt lõi đem về cho Vietcombank 12.596 tỷ đồng, giảm 7,8% so với cùng kỳ năm 2022.

Trong đó, thu nhập từ lãi vay của khách hàng là 26.512 tỷ đồng, tăng 17,4% so với cùng kỳ. Thế nhưng, chi phí lãi tiền gửi khách hàng lại tăng 56,2% so với cùng kỳ, lên 13.916 tỷ đồng, khiến thu nhập lãi thuần giảm sút đáng kể.

Nhiều hoạt động kinh doanh của Vietcombank trong quý 3/2023 cũng suy giảm lợi nhuận so với cùng kỳ như: Hoạt động dịch vụ (-19,2%); Hoạt động kinh doanh ngoại hối (-0,4%); Hoạt động mua bán chứng khoán kinh doanh (-126%); Hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư (-105%).

Ở chiều ngược lại, Hoạt động khác đem về cho Vietcombank khoản lợi nhuận 520 tỷ đồng, tăng 33,7% so với cùng kỳ năm 2022.

Dù hoạt động kinh doanh có phần suy giảm so với cùng kỳ. Tuy nhiên, nhờ việc chỉ phải chi trích lập dự phòng rủi ro tín dụng 1.493 tỷ đồng trong quý 3/2023 (giảm 46,2%), giúp Vietcombank vẫn ghi nhận kết quả lợi nhuận sau thuế đạt 7.274 tỷ đồng, tăng 19,8% so với cùng kỳ năm 2022.

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2023, lợi nhuận thuần của Vietcombank là 40.819 tỷ đồng, tăng 6,2% so với cùng kỳ. Chi phí dự phòng rủi ro tín dụng của nhà băng này giảm 22,3% so với cùng kỳ, xuống 6.051 tỷ đồng.

Kết quả lợi nhuận sau thuế 9 tháng đầu năm 2023 của “ông lớn” Vietcombank là 23.678 tỷ đồng, tăng 18,6% so với cùng kỳ năm 2022. Đồng thời là nhà băng có lợi nhuận sau thuế cao nhất toàn ngành, bỏ xa các vị trí theo sau là MBBank (15.690 tỷ đồng), BIDV (15.477 tỷ đồng), VietinBank (13.990 tỷ đồng).

Tính đến ngày 30/9/2023, tổng tài sản của “ông lớn” Vietcombank giảm 4,8% so với đầu năm, xuống 1.731.305 tỷ đồng. Cho vay khách hàng tăng 3,9% so với đầu năm, lên 1.189.830 tỷ đồng. Trích lập dự phòng rủi ro tín dụng ở mức 38.872 tỷ đồng, tăng 56,9% so với đầu năm.

no-xau-vietcombank.jpg
Thời điểm cuối tháng 9/2023, Vietcombank sở hữu tỷ lệ nợ xấu thấp thứ 2 toàn ngành (những ngân hàng đã niêm yết), chỉ xếp sau BacABank.

Tổng nợ xấu của Vietcombank là 14.392 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so với đầu năm. Trong đó, Nợ dưới tiêu chuẩn (nợ nhóm 3) tăng 615% so với đầu năm, lên 2.952 tỷ đồng; Nợ nghi ngờ (nợ nhóm 4) tăng 641% so với đầu năm, lên 5.724 tỷ đồng; Riêng chỉ có, Nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) lại giảm 13,7% so với đầu năm, xuống 5.715 tỷ đồng.

Ngoài ra, Nợ cần chú ý của “ông lớn” Vietcombank cũng tăng 87,5% so với đầu năm, lên 7.658 tỷ đồng. Tuy chưa được xếp vào nợ xấu nhưng việc Nợ cần chú ý (Nợ nhóm 2) nhảy vọt cho thấy khả năng tiềm ẩn nợ xấu của ngân hàng đang ở mức cao.

Tỷ lệ nợ xấu của Vietcombank cũng tăng từ mức 0,68% hồi đầu năm, lên 1,21% vào cuối tháng 9/2023. Dù tỷ lệ nợ xấu gia tăng đáng kể từ hồi đầu năm tới nay, nhưng Vietcombank vẫn là nhà băng có tỷ lệ nợ xấu thấp thứ 2 toàn ngành (những ngân hàng đã niêm yết), chỉ xếp sau BacABank với tỷ lệ nợ xấu chỉ 0,77%.

Trên thị trường chứng khoán, kết phiên giao dịch ngày 20/11, giá cổ phiếu VCB ở mức 86.100 đồng/cổ phiếu, tăng 0,58% so với phiên giao dịch trước đó, khối lượng cổ phiếu giao dịch khớp lệnh đạt hơn 1 triệu đơn vị.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Điều gì giúp Vietcombank đảo ngược tình thế dù doanh thu sụt giảm?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO