Ngày 28/4/2025, Bộ Công Thương đã tổ chức Hội nghị công bố Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn tới năm 2050 điều chỉnh.
Tại hội nghị, ông Phạm Nguyên Hùng - Cục trưởng Cục Điện lực đã công bố Quyết định số 768/QĐ-TTg ngày 15/4/2025 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII điều chỉnh).
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết giai đoạn trước, nhiều chủ đầu tư dự án điện được chọn nhưng họ chỉ "chờ thời để lướt sóng, ăn chênh lệch". Do đó, tại lần điều chỉnh quy hoạch này, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên yêu cầu các địa phương, đơn vị kiểm soát chặt việc lựa chọn nhà đầu tư gắn với tiến độ dự án.
Cũng theo ông Diên, tiến độ dự án là yếu tố quyết định đến an ninh năng lượng quốc gia nên phải áp “kỷ luật thép” để bảo đảm hiệu quả đầu tư và các địa phương phải lựa chọn khéo léo nhằm tìm được nhà đầu tư đủ năng lực.
Đáng chú ý, ông Diên nhấn mạnh, việc chọn nhà đầu tư phù hợp là rất quan trọng và khó mấy cũng phải làm, để “không thể gắn an ninh năng lượng quốc gia vào một vài chủ đầu tư không đảm bảo yêu cầu”.
Nhằm thực hiện những mục tiêu đặt ra tại Quy hoạch điện VIII điều chỉnh, Bộ trưởng Bộ Công Thương đề nghị các tỉnh thành sớm rà soát, cập nhật nguồn, lưới điện vào quy hoạch tỉnh và các quy hoạch liên quan, đảm bảo phù hợp quy mô công suất tăng thêm, tuân thủ thứ tự danh mục ưu tiên đã đề xuất.
Với những dự án trọng điểm như LNG Nghi Sơn, Cà Ná, lãnh đạo Bộ Công Thương yêu cầu địa phương lựa chọn xong chủ đầu tư vào cuối quý II và đầu quý III. Tương tự, các dự án điện khí LNG Hải Phòng, Công Thanh, Vũng Áng 3, Quảng Trạch 3, Hiệp Phước 2, phải hoàn thành chủ trương đầu tư muộn nhất cuối quý III, đầu quý IV. Theo ông Diên, các dự án trọng điểm nói trên nếu chậm hơn nữa, Bộ buộc điều chỉnh quy hoạch, dẫn tới phải thay đổi một loạt pháp lý thủ tục.
Về nguồn lực thực hiện Điều chỉnh Quy hoạch điện VIII, theo lãnh đạo Bộ Công thương, ngành điện sẽ cần nguồn lực khoảng 16-18 tỷ USD mỗi năm tới 2035, do đó, các chính sách, khung giá điện phải phù hợp thị trường để thu hút nhà đầu tư.
Theo Bộ trưởng, khung giá điện sẽ điều chỉnh hàng năm nhưng mức đưa ra lần đầu phải phản ánh được thị trường, đủ hấp dẫn. "Người ta bỏ tiền tấn để thu tiền lẻ thì phải chia sẻ. Sau đó, khung giá có thể điều chỉnh phù hợp theo yếu tố đầu vào khi dự án hoạt động ổn định, nguồn thu đều", ông Diên nói.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng lưu ý EVN cùng điện lực địa phương xây dựng hệ thống truyền tải đồng bộ, liên miền và vùng miền, đồng thời, EVN cũng phải đóng vai trò chủ lực đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, có cơ chế thông thoáng để thu hút đầu tư trong lĩnh vực truyền tải.
Quy hoạch điện VIII điều chỉnh với nhiều mục tiêu lớn
Trước đó, Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII) điều chỉnh đã được Phó thủ tướng Bùi Thanh Sơn ký duyệt ban hành vào ngày 15/4.
Theo đó, quy hoạch điều chỉnh đặt mục tiêu bảo đảm cung ứng đủ điện cho yêu cầu tăng trưởng GDP bình quân 10% mỗi năm giai đoạn 2026-2030, và khoảng 7,5% thời kỳ 2031-2050. Do đó, sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu vào 2030 dự kiến đạt 560,4- 24,6 tỷ kWh và lên đến 1.360,1-1.511,1 tỷ kWh vào 2050.
Như vậy, mục tiêu là đến 2030 tăng 80-100% so với sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) đạt được năm 2024, ở mức 308,73 tỷ kWh.
Trọng tâm lớn của Quy hoạch điều chỉnh là thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo, với mục tiêu chiếm tỷ lệ 28-36% vào năm 2030, và 74-75% năm 2050 (không bao gồm thủy điện).
Điện mặt trời dự kiến đạt tổng công suất 46.459-73.416 MW cuối thập niên này. Chính phủ cũng đặt mục tiêu đến năm 2030, 50% các tòa nhà công sở và 50% hộ dân sử dụng điện mặt trời mái nhà theo hình thức tự sản, tự tiêu.
Trong khi đó, tổng công suất điện gió trên bờ và gần bờ dự kiến đạt 26.066-38.029 MW vào năm 2030. Việt Nam hướng đến xuất khẩu điện tái tạo sang Singapore, Malaysia và các đối tác khác trong khu vực. Đến 2035, công suất xuất khẩu điện dự kiến đạt 5.000-10.000 MW, tùy theo nhu cầu và hiệu quả kinh tế.
Với thủy điện, đến năm 2030, tổng công suất (bao gồm thủy điện nhỏ) đạt 33.294 - 34.667 MW, hướng tới 40.624 MW năm 2050. Nguồn năng lượng này sẽ tiếp tục được khai thác tối đa trên cơ sở bảo vệ môi trường, rừng và nguồn nước.
Cùng với đó, điện sinh khối, điện rác và các nguồn năng lượng mới khác như địa nhiệt cũng được khuyến khích phát triển để xử lý môi trường và tận dụng phụ phẩm nông nghiệp. Năm 2030, tổng công suất nhóm nguồn này vào khoảng 3.009-4.881 MW và tăng lên hơn 9.000 MW đến năm 2050.
Đặc biệt, giai đoạn 2030-2035, sẽ đưa vào vận hành hai nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2 với quy mô 4.000 - 6.400 MW. Đến năm 2050, hệ thống có thể cần bổ sung 8.000 MW điện hạt nhân để đảm bảo ổn định.
Quy hoạch không bổ sung dự án nhiệt điện than mới, chỉ tiếp tục các dự án đang triển khai và chuyển đổi nhiên liệu sang sinh khối hoặc amoniac với các nhà máy đã vận hành trên 20 năm. Nhà máy quá 40 năm sẽ ngừng hoạt động nếu không thể chuyển đổi.
Với điện khí, Quy hoạch cho biết ưu tiên sử dụng khí trong nước và bổ sung LNG nhập khẩu nếu cần. Về lâu dài, từng bước chuyển đổi sang hydrogen khi công nghệ chín muồi. Hệ thống lưu trữ điện cũng sẽ được đầu tư mạnh, mục tiêu đạt công suất pin 10.000 - 16.300 MW vào năm 2030 và gần 96.120 MW vào năm 2050.
Quy hoạch điện VIII ước tính tổng vốn đầu tư phát triển nguồn và lưới điện truyền tải khoảng 136,3 tỷ USD giai đoạn 2026 - 2030 và cần thêm 130 tỷ USD những năm 2031 - 2035. Từ 2036 đến 2050, Việt Nam tiếp tục cần đầu tư thêm 569,1 tỷ USD cho hoạt động này.