Gia Lâm là huyện nằm ở phía Đông của Thủ đô Hà Nội, là cửa ngõ nối thủ đô với tam giác kinh tế Đông Bắc gồm: Hải Dương - Hải Phòng - Quảng Ninh. Những năm gần đây, Gia Lâm đã trở thành điểm đến của nhiều tập đoàn bất động sản lớn, xây dựng thành công các đô thị hiện đại thu hút một lượng lớn cư dân và giải quyết bài toán quá tải hạ tầng nội đô. Trong ảnh, cầu Đuống kết nối giao thông giữa hai địa bàn quận Long Biên và huyện Gia Lâm.
Sự phát triển của huyện Gia Lâm gắn liền với quá trình đầu tư và xây dựng các dự án bất động sản lớn như: Khu biệt thự Hoa Viên, Vinhomes Ocean Park, Hanhomes Blue Star, Gia Lâm Central Metropolitan, Masteri Waterfront Ocean Park, Phân khu The Pavilion Gia Lâm và Eurowindow Twin Parks Gia Lâm…
Trong đó dự án nổi bật là siêu đô thị Vinhome Ocean Park có diện tích 4,2 km2, bằng 80% diện tích quận Hoàn Kiếm. Nơi đây có hàng chục nghìn căn hộ với các trung tâm thương mại, khu văn phòng, sân thể thao...
Đa phần các dự án tại Gia Lâm đều có những ưu thế về thiết kế, quy hoạch, tiện ích và kết nối với mạng lưới giao thông một cách thuận tiện, thu hút một lượng lớn dân cư từ nội đô về sinh sống tại đây.
Gia Lâm cũng là huyện"tiên phong" của thủ đô trong xây dựng nhà ở xã hội. Khu đô thị Đặng Xá với diện tích 30,6 ha được đưa vào sử dụng từ năm 2013, đến nay đây vẫn là hình mẫu phát triển cho nhiều khu đô thị giá rẻ khác. Ảnh: Hoàng Hà/Vietnamnet
Ngoài các dự án bất động sản, Gia Lâm cũng có những bước phát triển vượt bậc trong phát triển kinh tế - xã hội. Giai đoạn 2015 - 2020, giá trị sản xuất các ngành kinh tế chủ yếu của huyện tăng bình quân 11,52%. Năm 2022, Gia Lâm vẫn duy trì phát triển kinh tế trên 10%, tổng thu ngân sách đạt hơn 5.168 tỷ đồng, gần gấp đôi so với năm 2021. Ảnh: Hoàng Hà/Vietnamnet
Cùng với đó huyện Gia Lâm đang tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng ngành dịch vụ, công nghiệp - xây dựng, giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp - thủy sản. Tính đến năm 2020, tỷ trọng các ngành công nghiệp - xây dựng chiếm 51,5%, dịch vụ 40,5%, nông nghiệp - thủy sản chỉ còn chiếm 8%. Trong ảnh, hàng hóa đang được bốc dỡ tại ga Yên Viên.
Về giao thông, huyện huyện Gia Lâm đã đầu tư nhiều tuyến đường kết nối để thúc đẩy giao thông thuận tiện, vận chuyển hàng hoá dễ dàng. Trong giai đoạn 2015 - 2020, huyện Gia Lâm đầu tư 7.100 tỷ đồng xây dựng 80 km đường giao thông, cây xanh, hệ thống chiếu sáng. Đến cuối năm 2021, huyện đã đạt chỉ tiêu 10km đường giao thông trên mỗi km2. Trong ảnh là nút giao Cổ Linh kết nối đường Vành đai 3 với cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.
Trong năm 2022, huyện đã triển khai 242 dự án, tổng số vốn hơn 1.357 tỷ đồng, trong đó đã bàn giao và đưa vào sử dụng 132 dự án, 110 dự án vẫn đang gấp rút triển khai nhằm đáp ứng hạ tầng cho kế hoạch đưa huyện Gia Lâm trở thành quận trong năm 2023. Ảnh: Hoàng Hà/Vietnamnet
Với yêu cầu đạt 27 tiêu chí để từ huyện lên quận, Gia Lâm còn thiếu 1 tiêu chí là cơ sở y tế đô thị. Hiện tại huyện mới đạt 0,51 giường/1.000 dân (tiêu chuẩn là ≥ 2,4 giường/1.000 dân). Để giải quyết vấn đề này, huyện đã có chủ trương đầu tư dự án nâng cấp, mở rộng Bệnh viện Đa khoa Gia Lâm với tổng vốn trên 1.000 tỷ đồng. Dự án sẽ triển khai trong năm 2023-2025 với quy mô nâng cấp, mở rộng bệnh viện từ 150 giường lên 500 giường bệnh theo tiêu chuẩn.
Bên cạnh phát triển công nghiệp, bất động sản… Gia Lâm cũng rất quan tâm phát triển nông nghiệp và tiểu thủ công nghiệp theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ cao kết hợp làm du lịch để tận dụng ưu thế của địa phương. Trong ảnh, các bạn nhỏ trong một chuyến trải nghiệm tại làng gốm Bát Tràng.
Gia Lâm cũng là nơi tập trung nhiều trường đại học, cao đẳng lớn của cả nước như: Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Học viện Tòa án, Đại học Công nghiệp Dệt may Hà Nội, Đại học VinUni…. Trong ảnh là một phần của Học viện Nông nghiệp Việt Nam.