Sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào tháng 2/2022, hơn 1.000 công ty nước ngoài đã tuyên bố sẽ rời khỏi Nga.
Nhưng hơn 20 tháng kể từ khi xung đột bắt đầu và Chính phủ Nga cho biết nhiều công ty trong số đó đã không thực hiện đúng lời hứa.
Ông Peskov nói với Business Insider vào cuối tháng 10 rằng: “Những công ty nước ngoài vẫn ở lại Nga nhiều hơn số lượng đã rời khỏi đất nước.”
Business Insider đã xem xét hai nguồn dữ liệu chính để kiểm tra tính xác thực trong tuyên bố của chính phủ Nga.
Dữ liệu từ Đại học Yale
Đại học Yale (Mỹ) đang tiến hành một nghiên cứu nhằm tìm hiểu xem những công ty nước ngoài nào đã rời khỏi Nga kể từ khi xung đột bắt đầu.
Một nhóm chuyên gia và sinh viên tình nguyện có kiến thức về 10 ngôn ngữ - bao gồm tiếng Nga, tiếng Ukraine, tiếng Anh và tiếng Ba Lan - cập nhật danh sách mỗi ngày dựa trên các nguồn công khai như hồ sơ pháp lý và thuế, cũng như các thông tin từ người trong cuộc và bên thứ ba.
Nghiên cứu của Đại học Yale tập trung vào các công ty có doanh thu toàn cầu ít nhất 100 triệu USD trong bất kỳ năm nào trong một thập kỷ qua.
Dữ liệu tính đến ngày 22/11 của Yale cho thấy, nhiều công ty đang cắt giảm hoạt động ở Nga, nhưng chỉ 1/3 số công ty mà Yale tìm hiểu đã hoàn toàn cắt đứt quan hệ với Nga.
Theo nghiên cứu của Đại học Yale, 552 công ty nước ngoài vẫn đang hoạt động ở Nga. Con số này bao gồm những công ty đang hoạt động theo cách tiếp cận "kinh doanh như bình thường" và những công ty đã cắt giảm đáng kể các khoản đầu tư và hoạt động của họ.
Trong khi đó, theo danh sách của Yale, 502 công ty khác đã cắt giảm hầu hết - nếu không phải tất cả - hoạt động ở Nga trong khi vẫn để ngỏ lựa chọn quay trở lại. Tổng cộng có 535 công ty đã cắt đứt quan hệ với thị trường Nga.
Điều này cho thấy, đúng như Chính phủ Nga đã nói vào tháng 10, số công ty vẫn hoạt động ở Nga nhiều hơn số công ty đã rời bỏ hoàn toàn.
Dữ liệu từ Trường Kinh tế Kyiv
Trường Kinh tế Kyiv (KSE) cũng nghiên cứu các hoạt động của doanh nghiệp ở Nga.
KSE đã tìm hiểu các công ty nộp thuế hàng đầu ở Nga tạo ra doanh thu hàng năm hơn 5 triệu USD và trong đó người nước ngoài sở hữu cổ phần lớn hơn 51%. Danh sách của KSE bao gồm thông tin từ các cơ sở dữ liệu như nghiên cứu của Đại học Yale và một danh sách khác từ Đại học St. Gallen ở Thụy Sĩ.
KSE lấy dữ liệu từ tin tức và tuyên bố chính thức của các công ty. KSE cũng kiểm tra dữ liệu với Chính phủ Ukraine và cập nhật cơ sở dữ liệu hàng ngày.
Đối tượng nghiên cứu của KSE là các công ty đang ở các giai đoạn hoạt động khác nhau hoặc rút tiền ở Nga.
Dữ liệu tính đến ngày 21/11 của KSE cho thấy, hầu hết các công ty nước ngoài vẫn chưa rời khỏi Nga.
Theo đó, 1.582 công ty tiếp tục hoạt động ở Nga và chỉ dưới 300 công ty đã rút khỏi Nga hoàn toàn kể từ tháng 2/2022.
Tốc độ rời khỏi thị trường Nga đang chậm lại
Theo các chuyên gia, không biết chính xác có bao nhiêu công ty nước ngoài đang hoạt động ở Nga trước khi xung đột bắt đầu.
Ban đầu đã có làn sóng rút lui khỏi Nga trong những tuần sau khi chiến dịch quân sự nổ ra, nhưng các công ty hiện đang rút khỏi đất nước này với “tốc độ chậm hơn nhiều” - Business Insider trích lời Giám đốc nghiên cứu Steven Tian thuộc Viện Lãnh đạo Điều hành Đại học Yale, một trong những nhà nghiên cứu chính trong danh sách của Yale.
Nhiều tên tuổi lớn nhất đã rời khỏi thị trường, "hầu hết – nhưng không phải tất cả – các công ty còn lại ở Nga đều nhỏ hơn nhiều”, Tian nói.
Trong một phân tích dữ liệu ngày 20/11, KSE cho biết, trong khi số lượng các công ty ngừng hoạt động ở Nga tăng mạnh vào giữa tháng 4/2022, thì số lượng những công ty rời bỏ hoặc ở lại thị trường lại chậm lại trong 15 tháng qua.
Các thương hiệu lớn đã có hành động rõ ràng rời khỏi Nga bao gồm McDonald's và nhà cung cấp năng lượng BP - công ty đã thiệt hại 25 tỷ USD kể từ khi rời đi.
Các công ty nước ngoài vẫn hoạt động ở Nga viện dẫn nhiều lý do để không rời khỏi thị trường này, bao gồm những thách thức về hoạt động kinh doanh, đạo đức và chính sách.
Công ty thời trang Benetton của Ý đang hoạt động tại Nga với cách tiếp cận "kinh doanh như bình thường". Công ty này trích dẫn mối quan hệ lâu dài với các đối tác và nghĩa vụ của mình đối với nhân viên ở Nga.
Unilever, Nestlé giảm bớt nhưng không từ bỏ hoạt động kinh doanh của họ ở Nga, lấy lý do nghĩa vụ đối với nhân viên công ty và người dân Nga.
Khó khăn cho các công ty nước ngoài rút lui
Theo Business Insider, nhiều công ty còn hoạt động ở Nga cũng đang gặp khó trong quá trình rút khỏi thị trường.
Nhà chức trách Nga tạo ra một loạt rào cản lớn cho quá trình đó, chẳng hạn như yêu cầu các công ty đóng góp cho nhà nước và bán tài sản của họ với giá chiết khấu cao trước khi họ có thể rời khỏi đất nước.
Gần đây, Điện Kremlin thông báo rằng, các công ty phương Tây muốn rời khỏi Nga phải bán cổ phần nắm giữ bằng đồng rúp. Động thái này có thể trì hoãn hơn nữa việc rút lui của các công ty.
Agedit Demarais - một thành viên chính sách cấp cao tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Châu Âu - nói với Financial Times vào tháng 9 rằng: “Rõ ràng là việc các công ty phương Tây rời khỏi Nga ngay lập tức sẽ hợp lý hơn là áp dụng cách tiếp cận chờ đợi.”
Các công ty vẫn hoạt động ở Nga đang đóng góp vào nền kinh tế thời chiến đang bùng nổ của đất nước này. Các ước tính chính thức cho thấy, GDP của Nga trong quý 3 đã tăng 5,5% so với một năm trước - đảo ngược mức giảm 3,5% trong cùng kỳ năm ngoái.
Nhưng theo Business Insider, chi tiêu quốc phòng và chính phủ đã thúc đẩy phần lớn tăng trưởng kinh tế của Nga, điều đó có nghĩa là nó không mang lại sự sung túc đáng kể cho người Nga khi phải đối phó với giá cả tăng cao.