Nga sẵn sàng tịch thu tài sản phương Tây để trả đũa
Theo hãng thông tấn nhà nước Nga TASS, Điện Kremlin cho biết họ có một danh sách các tài sản nước ngoài có thể tịch thu để trả đũa bất kỳ động thái tương tự nào của phương Tây đối với tài sản bị phong tỏa của Nga.
Dmitry Peskov - người phát ngôn Điện Kremlin - nói với các phóng viên hôm 29/12/2023 rằng: “Tất nhiên, chúng tôi đã phân tích trước phản ứng có thể xảy ra. Và chúng tôi sẽ hành động sao cho việc này phục vụ tốt nhất cho lợi ích của chúng tôi.”
Theo TASS, ông Peskov từ chối bình luận về những tài sản nào nằm trong danh sách có thể tịch thu của Điện Kremlin, nhưng nói thêm rằng Moscow đang chuẩn bị hành động trả đũa vì họ hiểu "toàn bộ sự khó lường của các đối tác của chúng tôi và xu hướng vi phạm luật pháp quốc tế và các luật khác của họ".
Reuters đưa tin hôm 28/12, trích dẫn hai nguồn tin giấu tên quen thuộc với kế hoạch và từ một quan chức Anh cho biết, phương Tây đã phong tỏa 300 tỷ USD tài sản của Ngân hàng Trung ương Nga (CBR) sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Và giờ đây, các nhà lãnh đạo của Nhóm Các nước công nghiệp phát triển (G7) sẽ thảo luận về cách thu giữ những tài sản này một cách hợp pháp khi họ gặp nhau vào tháng 2.
Business Insider nhận định, hiện chưa rõ các nhà lãnh đạo G7 dự định sử dụng những tài sản này vào mục đích gì, nhưng phương Tây đã cân nhắc việc tịch thu tài sản bị đóng băng của Nga để tái thiết Ukraine hoặc để tài trợ cho Kiev trong xung đột.
Tuy nhiên, đã có những lo ngại về tính hợp pháp của việc tịch thu tài sản bị phong tỏa của Nga. Động thái này cũng có thể làm suy yếu hệ thống tài chính quốc tế và làm xói mòn niềm tin vào đồng đô la Mỹ và đồng euro với tư cách là tiền tệ dự trữ.
Điện Kremlin đã gọi ý định tịch thu tài sản của Nga là hành vi “trộm cắp trắng trợn”.
Khả năng Nga tịch thu tài sản phương Tây để trả đũa có thể gây khó khăn hơn nữa cho các công ty nước ngoài đang muốn rời bỏ thị trường Nga. Theo New York Times, hiện tại, Điện Kremlin đang xem xét kỹ lưỡng và quản lý vi mô gần như mọi kế hoạch rút lui của các công ty nước ngoài trước khi phê duyệt.
Mỹ thắt chặt các lệnh trừng phạt chống lại Nga
Theo Reuters, Nhà Trắng trong một tuyên bố cho biết Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 22/12 đã ký sắc lệnh hành pháp đe dọa trừng phạt các tổ chức tài chính giúp Nga lách cấm vận, trong bối cảnh Washington đang tìm cách tăng áp lực lên Moscow.
Nhà Trắng cho biết, sắc lệnh này cũng mang lại cho Washington khả năng mở rộng lệnh cấm nhập khẩu một số hàng hóa của Nga, như hải sản và kim cương.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen nói: “Hôm nay chúng tôi đang thực hiện các bước nhằm nâng cấp các công cụ mới và mạnh mẽ để chống lại cỗ máy chiến tranh của Nga. Và chúng tôi sẽ không ngần ngại sử dụng các công cụ mới để thực hiện hành động quyết đoán và triệt để chống lại các tổ chức tài chính hậu thuẫn cho cỗ máy chiến tranh của Nga.”
Theo Reuters, động thái này diễn ra trong bối cảnh nguồn tài trợ của Mỹ dành cho viện trợ quân sự cho Ukraine sắp cạn kiệt và Mỹ cùng các đồng minh đang tìm kiếm những cách thức mới để làm chậm nỗ lực chiến tranh của Nga.
Chuyên gia về cấm vận tại Đại học Columbia (Mỹ) Edward Fishman cho biết, Washington đã có quyền trừng phạt các tổ chức tài chính không phải của Nga nhưng sắc lệnh hành pháp hôm 22/12 nhấn mạnh “những rủi ro rất thực tế đối với các tổ chức tài chính nước ngoài, nhiều người trong số họ dường như chưa nhận được thông điệp”.
Theo Reuters, các biện pháp này cho thấy, Mỹ có thể nhắm mục tiêu vào các tổ chức tài chính liên quan đến các giao dịch thay mặt cho những người bị ảnh hưởng bởi lệnh trừng phạt của Mỹ hoặc có liên quan đến ngành công nghiệp quân sự của Nga, bao gồm cả việc bán một số mặt hàng quan trọng.
Một quan chức cấp cao trong chính phủ Mỹ (ẩn danh) cho biết, sắc lệnh này được ban hành với sự phối hợp của các đồng minh.