Việc FTX phá sản, số tiền 662 triệu USD biến mất vô lý và lỗ hổng 8 tỷ USD là điều mà cộng đồng tiền số cần sự giải đáp chi tiết chứ không phải những nguyên nhân chung chung “có cũng như không”. Và thông qua hội nghị Dealbook, một số thông tin mới đã được Sam hé lộ.
Nguyên nhân thất thoát
Dù có bao nhiêu giả thuyết, Sam vẫn “chắc như đinh đóng cột” rằng FTX phá sản là do quy trình quản lý còn nhiều sai phạm. Sam thừa nhận do mình không tập trung quản trị rủi ro nên mới khiến FTX thất thoát 8 tỷ USD (hơn 197 nghìn tỷ đồng). Vị tỷ phú này không còn đổ lỗi cho rò rỉ nội bộ nữa mà đã nhận trách nhiệm về mình.
Nhưng một “cú điện thoại” lại khiến mọi người nảy sinh nghi ngờ. Trong buổi nói chuyện, Sam tiết lộ mình từng gọi điện cho cha mẹ khi FTX đang trên đà lao dốc và cảnh báo họ rằng FTX sẽ phá sản một ngày không xa. Anh còn đề cập công ty Alameda Research đang gặp rắc rối về vấn đề thanh khoản. Mọi thứ rất mờ mịt và có lẽ sự sụp đổ đang tới.
Nhưng ngay sau đó, cựu CEO lại “câu trước đá câu sau”, khẳng định Alameda đã trả hết khoản nợ, kể cả nợ của FTX và chỉ còn thiếu BlockFi 670 triệu USD (hơn 16 nghìn tỷ đồng) mà thôi.
Vậy thật sự FTX phá sản có liên quan tới Alameda hay không hay 100% trách nhiệm là do khả năng quản lý nguồn tiền của Sam kém. Còn nếu Alameda cũng có “1 chân” phá hoại thì không lẽ một công ty con chỉ còn nợ 670 triệu USD lại có thể quật ngã sàn giao dịch 32 tỷ USD hay sao? Sự vòng vo của vị tỷ phú càng khiến câu chuyện bế tắc.
“Tôi không ăn chặn - không lừa đảo”
Bằng giọng điệu ăn năn, cựu CEO khẳng định sự thất bại của FTX không liên quan tới việc “dùng tiền trái phép” mà do “sự cố”.
Bankman-Fried cũng đảm bảo mình không nhận tiền hay truy cập được vào tiền khách hàng gửi tại Alameda Research do không quản lý trực tiếp. Không có gì “bất thường” giữa hai bên.
Được biết, 40% khối lượng tài sản của FTX đến từ Alameda, nhưng chỉ còn 2% trong năm nay. “Không có sự cho vay rồi lừa đảo nào ở đây. Năm 2018, FTX không có tài khoản ngân hàng, vì vậy người dùng phải chuyển tiền vào tài khoản đứng tên Alameda. Nhưng hiện tại FTX và Alameda đã giảm thiểu tối đa giao dịch”, ông nói thêm.
Sàn giao dịch lớn nhưng không có tài khoản? Dù đã giải thích và phủ nhận nhưng mọi thứ vẫn rất khó tin.
Sụp đổ không hề liên quan tới “chất kích thích”
Sam khẳng định anh và công ty không hề dính líu tới chất kích thích. Thuốc của anh sử dụng đều được bác sĩ kê đơn. Các loại thuốc giúp tỉnh táo và tập trung có trong văn phòng đều có giấy phép hợp pháp và ghi nhãn từ bệnh viện. Lần cuối Sam uống rượu là nửa năm trước.
Một số nhân viên của FTX cũng sử dụng thuốc dành cho bệnh rối loạn tăng động giảm chú ý. Đây là một loại bệnh phổ biến trong các công ty công nghệ. Loại thuốc này thuộc nhóm chất kích thích, giúp tăng cường hoạt động của não và kiểm soát hành vi. Tuy nhiên, sản phẩm này hợp pháp nếu bác sĩ kê đơn. Vì vậy, sự xuống dốc của FTX không hề liên quan gì tới vấn đề “thuốc nhạy cảm”.
Nhận lỗi chứ không nhận tội
Dù cảm thấy có lỗi về cách quản lý yếu kém nhưng Sam Bankman-Fried không nghĩ mình phải chịu trách nhiệm pháp lý về sự sụp đổ của đế chế này. Bằng một cách vô trách nhiệm, Sam “hồn nhiên” trả lời trong buổi tọa đảm rằng dù có suy nghĩ đến tương lai của bản thân nhưng sẽ không quá tập trung vào vấn đề đó. Anh “hi vọng” trong tương lai mình có thể “giúp đỡ” hàng triệu khách hàng và các bên liên quan tới FTX nhưng “trách nhiệm pháp lý” không nằm trong từ điển của vị tỷ phú này.
Buổi tọa đàm đã phần nào cập nhật thêm thông tin về cú sập thế kỷ. Tuy nhiên, những điều mà Sam cung cấp chưa đủ để “trấn an” các chủ nợ cũng như cộng đồng tiền số toàn cầu. Câu hỏi đặt ra là bao giờ cuộc điều tra mới ngã ngũ và liệu các chủ nợ có được hoàn trả số tiền khổng lồ hay không?
Tổng hợp