Việt Nam - điểm đến của doanh nghiệp toàn cầu
Số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến cuối tháng 11/2023, dòng đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam đạt 28,85 tỷ USD, trong đó lĩnh vực bất động sản vào bất động sản khu công nghiệp tăng. Tổng cộng có 102 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.
Đáng chú ý, nguồn vốn FDI đã có sự mở rộng đầu tư của nhiều tập đoàn quy mô hàng đầu toàn cầu như: Samsung, Intel, Foxconn... với các dự án lên tới hàng tỷ USD đã dần đưa Việt Nam thành mắt xích không thể thiếu trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Tính riêng từ đầu năm tới nay, hàng loạt dự án đầu tư quy mô lớn đã tới Việt Nam, trong đó có các dự án hàng trăm triệu USD của Compal, Quanta Computer… sản xuất linh kiện cho Apple.
Về số lượng dự án đăng ký mới, Trung Quốc là quốc gia dẫn đầu với 21,2%. Đặc biệt, đối với khu vực phía Bắc, Trina Solar, tập đoàn lớn trong lĩnh vực pin năng lượng mặt trời của Trung Quốc, là nhà đầu tư lớn nhất tại khu công nghiệp Yên Bình (tỉnh Thái Nguyên) với 2 nhà máy đang hoạt động ổn định. Dự kiến sẽ đầu tư thêm 3 nhà máy tại đây trong thời gian tới.
Một trong những lĩnh vực được các nhà đầu tư quốc tế, đặc biệt là nhà đầu tư Trung Quốc quan tâm tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Việt Nam là in ấn. Theo ông Nguyễn Văn Dòng, Chủ tịch Hiệp hội in Việt Nam cho biết, vừa qua, Hiệp hội đã tiếp đón nhiều đoàn khách nước ngoài tham quan, tìm hiểu ngành in của Việt Nam, trong đó rất nhiều nhà đầu tư tới từ Trung Quốc khảo sát thị trường in ấn để có bước đổ bộ đầu tư.
Khu vực kinh tế trọng điểm phía Bắc ghi nhận 68 dự án khu công nghiệp với diện tích đất cho thuê đạt 12.000 ha. Giá đất cho thuê tăng ở mức 30% theo năm, đạt trung bình 138 USD/m2/chu kỳ thuê.
Trong khi đó, khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam ghi nhận 122 dự án khu công nghiệp với diện tích đất cho thuê đạt 24.883 ha. Giá cho thuê đất tăng 15% theo năm và đạt mức trung bình 174 USD/m2/chu kỳ thuê.
Nhận định về sức hấp dẫn của môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, ông Bruno Jaspaert, Tổng Giám đốc Tổ hợp Khu công nghiệp DEEP C đánh giá ngày càng sẽ có nhiều nhà đầu tư muốn đến Việt Nam để đầu tư.
“Chính phủ Việt Nam hiện đã đưa ra những tiêu chuẩn mới cho các khu công nghiệp, nhất là cam kết về giảm khí thải cacbon. Theo đó, Việt Nam có thể tiến xa hơn nữa trong thời gian tới vì những cam kết này đang dẫn dắt những nguồn đầu tư mới”, ông Bruno Jaspaert đánh giá.
Duy trì những dự báo khả quan
Theo ông John Campbell, Phó Giám đốc, Bộ phận Dịch vụ Công nghiệp, Savills Việt Nam, bối cảnh thị trường công nghiệp đang thay đổi với sự tham gia của nhiều nhà đầu tư hơn. Khi ngành sản xuất và hậu cần phát triển, các sản phẩm ngày càng đa dạng như nhà máy xây sẵn, nhà kho, cơ sở đa tầng, cơ sở kết hợp, tòa nhà được kiểm soát nhiệt độ và xây dựng phù hợp nhu cầu.
Chỉ trong 5 năm, người thuê đất đã có nhiều lựa chọn hơn và không còn bị ràng buộc với thời hạn thuê đất 50 năm như thông lệ. Điều này dẫn đến sự cạnh tranh gay gắt giữa các nhà đầu tư, với việc nhiều dự án xây sẵn được tung ra thị trường ở các tỉnh trọng điểm. Để thu hút các doanh nghiệp tốt nhất, các khu công nghiệp và nhà phát triển bất động sản xây sẵn nên tập trung vào các dịch vụ gia tăng cao và các ưu đãi khác ngoài thuế.
“Cùng với đó, Chính phủ cần tiếp tục đầu tư vào cơ sở hạ tầng và nâng cao tay nghề cho lực lượng lao động của Việt Nam để nâng cao năng suất và hiệu quả. Đồng thời, thời thúc đẩy các ngành công nghiệp hỗ trợ, tăng cường chuỗi cung ứng, đơn giản hóa thủ tục đầu tư và sử dụng đất, cũng như áp dụng số hóa đều là những lĩnh vực trọng tâm của ngành công nghiệp Việt Nam”, ông John nhận định.
CBRE dự báo trong hai năm tới, giá đất thuê công nghiệp tại Việt Nam dự kiến sẽ tăng ở ngưỡng 6-10%/năm tại cả phía Bắc và phía Nam. Nhu cầu khả quan tới từ nhiều nhóm và nhiều quốc tịch thuê giúp thúc đẩy tăng trưởng tại nhiều địa phương. Cùng với đó, giá thuê kho xưởng dự báo sẽ tăng nhẹ từ 2-4%/năm.
Về mặt thể chế, theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, hiện nay Bộ đã và đang phối hợp với các địa phương, các tổ chức liên quan tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế, trong đó có việc nghiên cứu đề xuất xây dựng Luật Khu công nghiệp, khu kinh tế để trình cấp có thẩm quyền xem xét trong thời gian tới.
Cũng theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, chiến lược hợp tác đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021 - 2030 đã đặt ra một mục tiêu cụ thể như tăng 50% số lượng Tập đoàn đa quốc gia thuộc nhóm 500 Tập đoàn đầu tư thế giới; nâng cao tỷ lệ vốn đầu tư tại các quốc gia và vùng lãnh thổ trong một số khu vực (như Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Hoa Kỳ,...) trong tổng số vốn nước ngoài lên hơn 70% trong giai đoạn 2021-2025 và 75% trong giai đoạn 2026-2030.
Thực tế cho thấy, vừa qua, nhằm tận dụng đà dịch chuyển dòng vốn đầu tư FDI vào Việt Nam, các tỉnh thành phía Bắc như Nghệ An, Thái Bình hay Phú Thọ cũng đã quy hoạch các khu công nghiệp lớn nhằm thu hút dòng vốn tìm về những khu vực mới nhưng nhiều tiềm năng này.
Trong đó, Phú Thọ dự kiến phát triển 7 khu công nghiệp với diện tích 2.256 ha và 28 cụm công nghiệp với 1.470 ha. Các khu, cụm công nghiệp đều được bố trí ở những nơi có giao thông thuận tiện cả về đường bộ, đường thuỷ, đường sắt, dễ thông thương với Hà Nội, cảng Hải Phòng, các tỉnh tây Bắc và tỉnh Vân Nam - Trung Quốc.