Tăng trưởng lợi nhuận của ngành ngân hàng đã chững lại rõ nét trong nửa đầu năm 2023 dưới sự ảnh hưởng tiêu cực của của cuộc đua lãi suất huy động, nhu cầu tín dụng sụt giảm và sự suy yếu của chất lượng tài sản. Dù vậy, vẫn có nhiều ngân hàng tiếp tục ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận tốt trong 6 tháng đầu năm.
Dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng lợi nhuận toàn ngành là Sacombank với mức tăng trưởng lên tới 64%, riêng quý 2, lợi nhuận ngân hàng này tăng 80%.
Trong quý 2, mảng tín dụng mang về cho ngân hàng khoản thu nhập lãi thuần 5.751 tỷ đồng, tăng tới 121% so với cùng kỳ. Lũy kế 6 tháng, mảng này ghi nhận khoản lãi 11.588 tỷ đồng, tăng trưởng 117%.
Mảng kinh doanh cốt lõi tăng trưởng mạnh giúp bù đắp cho các mảng kinh doanh khác có phần đi xuống như mảng dịch vụ (giảm 60%), kinh doanh ngoại hối (giảm 6,7%), hoạt động khác (giảm 95%),..
Cùng với sự bứt tốc của thu nhập lãi thuần, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng giảm khá mạnh, tới 26% xuống còn 2.317 tỷ đồng là nguyên nhân quan trọng tiếp theo giúp lợi nhuận Sacombank tăng tốc.
Quý 2 cũng ghi nhận sự bứt tốc mạnh mẽ của OCB khi lợi nhuận trước thuế của ngân hàng tăng 75% so với cùng kỳ 2022. Lũy kế 6 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế của OCB đạt 2.560 tỷ đồng, tăng trưởng 47% so với cùng kỳ năm trước.
Cùng với thu nhập lãi thuần, thu nhập ngoài lãi của OCB tăng gấp đôi lên 884 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2023, góp phần tạo nên kết quả kinh doanh tích cực của ngân hàng.
Bên cạnh đó, việc giảm được 6,1% chi phí hoạt động và 16% chi phí dự phòng rủi ro tín dụng cũng là những yếu tố giúp lợi nhuận OCB tăng trưởng mạnh mẽ so với cùng kỳ năm 2022.
Trong nửa đầu năm, Nam A Bank ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận hơn 30% so với cùng kỳ năm 2022; riêng quý 2, lãi trước thuế ngân hàng tăng 45%.
Động lực tăng trưởng lợi nhuận của Nam A Bank đến từ thu nhập lãi thuần khi nguồn thu trọng yếu này tăng 32,2% trong nửa đầu năm và tăng 23,9% trong quý 2.
Theo Nam A Bank, tỷ lệ thu nhập lãi cận biên (NIM) của ngân hàng vẫn ổn định ở mức trên 3,2% trong bối cảnh biên lãi suất huy động và cho vay khách hàng thu hẹp, nhờ vào các giải pháp tối ưu cơ cấu tài sản sinh lãi và cơ cấu huy động.
Nguồn thu ngoài lãi cũng là điểm sáng của Nam A Bank khi chỉ số này có bước tăng trưởng mạnh mẽ. Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ đạt 241,6 tỷ đồng, tăng 185% so với cùng kỳ năm ngoái.
Với sự mở rộng của các nguồn thu chủ chốt, Nam A Bank vẫn có được mức tăng trưởng lợi nhuận cao dù phải tăng chi phí dự phòng và chi phí hoạt động thêm lần lượt 82% và 33%.
PGBank cũng chứng kiến lợi nhuận nửa đầu năm tăng 24% so với cùng kỳ; riêng quý 2 tăng gần 27%.
Động lực tăng trưởng lợi nhuận chính của PGBank trong 6 tháng đầu năm đến từ việc cắt giảm chi phí dự phòng rủi ro, khi chi phí này giảm 39% xuống còn chưa đầy 87 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, hầu hết các mảng kinh doanh của PGBank cũng tăng trưởng khả quan. Điều này giúp tổng thu nhập hoạt động của PGBank tăng 8%, đạt 756 tỷ đồng. Trong khi chi phí hoạt động chỉ tăng 16,9%, giúp lợi nhuận thuần tăng nhẹ lên mức trên 390 tỷ đồng.
Khác với các năm trước, trụ cột giúp lợi nhuận ngành ngân hàng không bị giảm sâu đến từ nhóm Vietcombank, VietinBank và BIDV. Đây cũng là các ngân hàng có mức tăng trưởng lợi nhuận cao hàng đầu hệ thống.
Kết thúc quý 2/2023, Vietcombank ghi nhận lợi nhuận hợp nhất trước thuế 9.278 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 6 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng đạt 20.499 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ 2022.
Với con số trên, Vietcombank tiếp tục giữ vững vị trí quán quân lợi nhuận trong ngành ngân hàng và là mức lãi kỷ lục mà một ngân hàng Việt Nam đạt được trong 6 tháng đầu năm.
Động lực tăng trưởng của Vietcombank trong 6 tháng đầu năm đến từ thu nhập lãi thuần khi nguồn thu chủ chốt này tăng 13,9% so với cùng kỳ năn 2022, đạt gần 28.224 tỷ đồng và chiếm 78,4% tổng thu nhập hoạt động.
Hoạt động kinh doanh ngoại hối cũng tiếp tục duy trì phong độ khi tăng 6,4%, đạt 3.186 tỷ đồng; lãi thuần từ chứng kinh doanh tăng gần 153%, mang về cho ngân hàng gần 89 tỷ đồng.
Cùng với sự gia tăng của các khoản thu chủ chốt, chi phí dự phòng rủi ro giảm 9% so với cùng kỳ 2022 cũng là nhân tố quan trọng giúp Vietcombank có được mức tăng trưởng lợi nhuận trước thuế 18% trong nửa đầu năm.
Kết thúc quý II, lợi nhuận hợp nhất trước thuế của BIDV đạt 6.943 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức lãi cao nhất lịch sử mà BIDV đạt được trong một quý. Lũy kế 6 tháng đầu năm, lợi nhuận hợp nhất trước thuế của BIDV đạt 13.862 tỷ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ năm trước.
Kết quả này giúp BIDV vượt qua Techcombank trở thành ngân hàng có lợi nhuận bán niên cao thứ hai hệ thống, chỉ sau Vietcombank. Đây cũng là lần đầu tiên kể từ năm 2017, BIDV có lợi nhuận nửa đầu năm cao hơn Techcombank. Trước đó, BIDV đã liên tiếp để ngân hàng tư nhân này vượt mặt trong 5 năm gần nhất.
Động lực giúp BIDV tăng trưởng lợi nhuận đến từ việc chi phí dự phòng giảm 35% xuống còn 4.192 tỷ đồng.
Tại VietinBank, ngân hàng này lãi trước thuế 6.550 tỷ đồng trong quý 2, tăng 13,2% so với cùng kỳ 2022. Đây là quý tăng trưởng lợi nhuận thứ tư liên tiếp của VietinBank và cũng là mức lợi nhuận theo quý lớn nhất kể từ quý 2/2021. Lũy kế 6 tháng đầu năm, lợi nhuận hợp nhất trước thuế của VietinBank đạt 12.530 tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ.
Trong nửa đầu năm, thu nhập lãi thuần của VietinBank tăng 14,7% so với nửa đầu năm 2022, lên mức kỷ lục 25.424 tỷ đồng và chiếm gần 73% tổng thu nhập hoạt động. Sự gia tăng của thu nhập lãi thuần là yếu tố chính thúc đẩy lợi nhuận của VietinBank.
Bên cạnh thu nhập lãi thuần, nhiều mảng kinh doanh khác của VietinBank cũng ghi nhận sự tăng trưởng tốt. Cụ thể, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ tăng 33,3% lên 3.785 tỷ đồng; lãi thuần từ kinh doanh ngoại hối tăng 47,1%, mang về 2.349 tỷ đồng.
Đáng chú ý, mảng chứng khoán kinh doanh ghi nhận khoản lãi thuần gần 230 tỷ đồng, gấp 4 lần cùng kỳ 2022; chứng khoán đầu tư lãi gần 17 tỷ đồng trong khi 6 tháng đầu năm 2022 lỗ gần 2 tỷ đồng.
Tổng hợp, lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm của Vietcombank, VietinBank và BIDV đạt gần 46.900 tỷ đồng (tương đương 2 tỷ USD), tăng 17% so với cùng kỳ năm 2022. Trong khi đó, tổng lợi nhuận của 27 ngân hàng niêm yết và giao dịch trên thị trường UPCoM giảm 3,2%.