"Điểm danh" những nét mới trong Luật Đất đai 2024

Hải Sơn | 09:55 15/10/2024

Luật Đất đai 2024 đã bổ sung nhiều điểm mới có lợi cho chủ sử dụng đất và phân cấp, phân quyền cụ thể cho các cấp chính quyền thực hiện việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất, thu hồi đất.

"Điểm danh" những nét mới trong Luật Đất đai 2024

Phát biểu tại Hội nghị đối thoại Tuyên truyền, phổ biến, thực thi hiệu quả chính sách, pháp luật về Đất đai, nhà ở, kinh doanh bất động sản do Hiệp hội Bất động sản Việt Nam tổ chức, ông Nguyễn Đắc Nhẫn, Phó Vụ trưởng Vụ Đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chia sẻ những điểm mới đáng chú ý của Luật Đất đai 2024 và các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật

Theo ông Nguyễn Đắc Nhẫn, Luật Đất đai 2024 gồm 16 chương, 260 điều. Trong đó, tăng 02 chương so với Luật Đất đai năm 2013; bổ sung 01 Chương về Phát triển Quỹ đất; tách riêng Chương về Thu hồi đất, trưng dụng đất và Chương về Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất.

Luật Đất đai 2024 có một số điểm mới đáng chú ý:

Điểm mới thứ nhất Luật phân cấp toàn bộ thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng đất rừng, đất trồng lúa cho HĐND cấp tỉnh. Phân cấp cho Chính phủ phê duyệt kế hoạch sử dụng đất cấp quốc gia; Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh.

Phân cấp cho UBND cấp huyện: Thu hồi đất thuộc trường hợp quy định tại Điều 78 và Điều 79 của Luật Đất đai không phân biệt người sử dụng đất, tổ chức, cá nhân đang quản lý, chiếm hữu đất; Thu hồi đất đối với hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thuộc trường hợp quy định tại Điều 81 và Điều 82 của Luật Đất đai.

Phân cấp thẩm quyền quyết định giá đất cụ thể cho Chủ tịch UBND cấp huyện (đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất…) thuộc thẩm quyền của UBND cấp huyện.

Điểm mới thứ hai liên quan đến vấn đề quyền của người sử dụng đất. Cụ thể, cá nhân trong nước và người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam đều là “cá nhân” sử dụng đất. Như vậy, người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam có đầy đủ quyền và nghĩa vụ trong quản lý, sử dụng đất như cá nhân trong nước. Quy định này sẽ nâng cao hiệu quả sử dụng đất.

Người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam ngoài được mua, thuê mua nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở, nhận quyền sử dụng đất ở trong dự án phát triển nhà ở thì Luật mới còn cho phép nhận thừa kế quyền sử dụng đất ở và các loại đất khác trong cùng thửa đất có nhà ở theo quy định của pháp luật về dân sự; nhận tặng cho nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở từ những người thuộc hàng thừa kế theo quy định của pháp luật về dân sự.

Cá nhân được nhận chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp với cá nhân khác trong cùng đơn vị hành chính cấp tỉnh (và không phải nộp thuế thu nhập từ việc chuyển đổi và lệ phí trước bạ).

Điểm mới thứ ba liên quan đến vấn đề quy hoạch sử dụng đất. Cụ thể, Quy hoạch sử dụng đất quốc gia chỉ kiểm soát đối với chỉ tiêu đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên, đất quốc phòng, đất an ninh. Giao cho các địa phương xác định các chỉ tiêu sử dụng đất trong quy hoạch sử dụng đất.

Còn đối với quy hoạch sử dụng đất cấp huyện thì nội dung kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện đơn giản hơn. Không quy định phải đưa vào kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất gắn liền với thửa đất ở của hộ gia đình, cá nhân.

Quy định cụ thể một số trường hợp không phải bổ sung vào kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện (các dự án đã được chấp thuận đầu tư/quyết định đầu tư của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ hay HĐND cấp tỉnh).

Điểm mới thứ tư liên quan đến vấn đề thu hồi đất. Theo đó, Luật quy định cụ thể căn cứ, điều kiện thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng.

Điều kiện thu hồi đất là phải hoàn thành việc phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và việc bố trí tái định cư theo quy định của Luật Đất đai.

Đối với việc thu hồi đất vùng phụ cận, dự án đầu tư xây dựng khu đô thị, khu dân cư nông thôn thì phải đáp ứng điều kiện tạo quỹ đất do Nhà nước đầu tư để quản lý, khai thác hoặc giao đất, cho thuê đất cho nhà đầu tư theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, Luật còn quy định 31 trường hợp thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng.

Bên cạnh đó, đã có Nghị định 102/2024/NĐ-CP quy định các trường hợp bất khả kháng để áp dụng trong việc xử lý các trường hợp quy định tại các khoản 6, 7 và 8 Điều 81 Luật Đất đai là sự kiện bất khả kháng và trở ngại khách quan theo quy định của pháp luật về dân sự mà ảnh hưởng trực tiếp đến việc sử dụng đất: Thiên tai, thảm họa môi trường; Hỏa hoạn, dịch bệnh; Chiến tranh, tình trạng khẩn cấp về quốc phòng, an ninh; Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật về tình trạng khẩn cấp; Trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời, kê biên, phong tỏa quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất theo quy định của pháp luật mà sau đó người sử dụng đất được tiếp tục sử dụng đất; Quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan nhà nước có thẩm quyền là trở ngại khách quan, không do lỗi của người sử dụng đất, tác động trực tiếp đến việc sử dụng đất; Các trường hợp khác do Thủ tướng Chính phủ quyết định theo đề xuất của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc Bộ trưởng bộ quản lý chuyên ngành.

Nghị định 102/2024/NĐ-CP còn hướng dẫn thực hiện thu hồi đất quốc phòng, an ninh đã có trong quy hoạch sử dụng đất quốc phòng, quy hoạch sử dụng đất an ninh là đất để chuyển giao cho địa phương thực hiện dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Hướng dẫn thực hiện trường hợp phải thu hồi đất để thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh nhưng chưa có trong quy hoạch sử dụng đất quốc phòng, quy hoạch sử dụng đất an ninh.

Trường hợp phải thu hồi đất quốc phòng, an ninh, tài sản gắn liền với đất để chuyển giao cho địa phương thực hiện dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng nhưng diện tích đất dự kiến thu hồi chưa được xác định trong quy hoạch sử dụng đất quốc phòng, quy hoạch sử dụng đất an ninh là đất chuyển giao cho địa phương.

Ngày 15/10, tại Trung tâm Hội nghị quốc tế (Lê Hồng Phong, Hà Nội), Hiệp hội Bất động sản Việt Nam phối hợp với Bộ Tài Nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng tổ chức Hội nghị Đối thoại giữa cơ quan soạn thảo luật, các chuyên gia, doanh nghiệp và báo chí về cách hiểu và vận dụng Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và các văn bản hướng dẫn thi hành vào thực tiễn hoạt động của doanh nghiệp bất động sản.

Đây là Hội thảo nhằm thực hiện Công điện số 79/CĐ-TTg ngày 13/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức triển khai có hiệu quả việc thi hành Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản.

Bài liên quan

(0) Bình luận
"Điểm danh" những nét mới trong Luật Đất đai 2024
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO