Nhằm phục vụ điều tra vụ án “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Bộ Công Thương và các tỉnh, thành phố, Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an đã yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cung cấp thông tin, tài liệu về 32 dự án nhà máy điện gió, điện mặt trời tại nhiều địa phương...
Đây là vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo.
Trong số 32 dự án điện sạch mà Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an yêu cầu EVN cung cấp, có 10 dự án điện mặt trời và 22 dự án điện gió.
Hồ sơ của từng nhà máy điện EVN phải cung cấp cho Cơ quan An ninh điều tra gồm toàn bộ hồ sơ đàm phán, ký kết hợp đồng mua bán điện; hồ sơ kiểm tra, nghiệm thu, công nhận ngày vận hành thương mại; hồ sơ kiểm định, kiểm tra định kỳ, kiểm tra đột xuất hệ thống đo đếm điện năng và kiểm tra công suất lắp đặt thực tế của các nhà máy điện.
Các dự án điện gió, điện mặt trời trong diện phải cung cấp hồ sơ cho Cơ quan An ninh điều tra thuộc nhiều địa phương, nhưng tập trung nhiều ở khu vực miền Trung, Tây nguyên và miền Tây Nam bộ.
Trong danh sách gửi lên Bộ Công an có 32 dự án gồm 8 dự án mặt trời và 24 dự án điện gió.
Cụ thể, các nhà máy điện mặt trời như: Nhà máy điện mặt trời Trung Nam - Thuận Nam; Nhà máy điện mặt trời Trung Nam - Thuận Bắc; Nhà máy điện mặt trời Thuận Nam 19; Nhà máy điện mặt trời Long Thành 1; Nhà máy điện mặt trời Thiên Tân Solar; Nhà máy điện mặt trời Xuân Thiện - Thuận Bắc; Nhà máy điện mặt trời CMX Renewable Enery Việt Nam; Nhà máy điện mặt trời BMT; Nhà máy điện mặt trời Dầu Tiếng 1; Nhà máy điện mặt trời Sông Giang.
Và các dự án điện gió, bao gồm: Nhà máy điện gió số 5 Thạnh Hải; Nhà máy điện gió Hướng Hiệp 1; Nhà máy điện gió Ea Nam Đắk Lắk; Nhà máy điện gió Viên An; Nhà máy điện gió Tân Phú Đông 1; Nhà máy điện gió Tân Phú Đông 2; Nhà máy điện gió Tài Tâm; Nhà máy điện gió Hưng Hải Gia Lai; Nhà máy điện gió Quốc Vinh Sóc Trăng; Nhà máy điện gió BIM; Nhà máy điện gió Cửu An; Nhà máy điện gió Hàm Cường 2; Nhà máy điện gió Ia Le 1; Nhà máy điện gió Hiệp Thạnh; Nhà máy điện gió Lợi Hải 2; Nhà máy điện gió Đông Hải 1; Nhà máy điện gió Ia Bang 1; Nhà máy điện gió VPL Bến Tre; Nhà máy điện gió Nhơn Hội giai đoạn 2; Nhà máy điện gió Hướng Linh 1; Nhà máy điện gió Hướng Linh 2; Nhà máy điện gió Hòa Bình 1.
Đáng chú ý, trong số các dự án này, có nhiều nhà máy thuộc sở hữu hoặc được triển khai xây dựng bởi Tập đoàn Trung Nam (Trung Nam Group) gồm: Nhà máy điện mặt trời Trung Nam - Thuận Nam; Nhà máy điện gió Ea Nam Đắk Lắk và Nhà máy điện gió Đông Hải 1.
Nhà máy điện mặt trời Trung Nam - Thuận Nam là dự án lớn của Trung Nam Group, có công suất 450MW được khánh thành cuối năm 2020; Nhà máy điện mặt trời Trung Nam - Thuận Bắc (tại Ninh Thuận), với công suất hơn 204MW được Trung Nam Group xây dựng, sau đó bán lại 49% cổ phần cho Công ty cổ phần Kỹ thuật công nghiệp Á Châu (ACIT).
Nhà máy điện mặt trời Dầu Tiếng gồm 3 nhà máy với tổng công suất lắp máy 500 MW, khởi công tháng 6/2018. Tháng 9 năm 2019, Điện Mặt Trời Dầu Tiếng 1 và 2 đã chính thức vận hành thương mại với công suất lắp đặt 420 MW.
Đây là dự án hợp tác đầu tư giữa Công ty TNHH Xuân Cầu (Việt Nam) và Công ty TNHH B. Grimm Power Public (Thái Lan) với số vốn đầu tư hơn 9.100 tỉ đồng và được vận hành bởi Công ty cổ phần Năng lượng Dầu Tiếng Tây Ninh.
Nhà máy điện mặt trời Xuân Thiện - Thuận Bắc (Ninh Thuận) cũng nằm trong danh sách được gửi lên Bộ Công an, đây là dự án do Tập đoàn Xuân Thiện làm chủ đầu tư, thiết kế, thi công, được xây dựng trên diện tích hơn 259ha, tổng mức đầu tư khoảng 7.000 tỷ đồng, công suất lắp đặt 256MWp, sản lượng phát điện dự kiến mỗi năm khoảng 500 triệu kWh.
Trong danh sách dự án điện mặt trời được EVN gửi lên Bộ Công an còn có Nhà máy điện mặt trời Long Thành 1, dự án được xây dựng tại vị trí không đúng quy hoạch thuỷ lợi. Trước đó, Thanh tra Chính phủ cũng chuyển hồ sơ vụ việc của doanh nghiệp này sang Bộ Công an để điều tra.
Với dự án nhà máy điện mặt trời CMX Renewable Enery Việt Nam tại Ninh Thuận, được khởi công năm 2018, công suất 168 MW xây dựng trên diện tích 186 ha, tổng mức đầu tư nhà máy xấp xỉ 4.400 tỷ đồng. Dự án này được điều hành bởi Tập đoàn Sunseap - Singapore).
Dự án nhà máy điện mặt trời BMT của của Công ty Cổ phần Năng lượng tái tạo BMT; Nhà máy điện mặt trời Sông Giang của Công ty CP Điện mặt trời Sông Giang và Nhà máy điện mặt trời Thiên Tân Solar của Thiên Tân Group làm chủ đầu tư.