Theo báo cáo “Thực tiễn và xu hướng triển khai phương tiện điện tử và tự động hóa quy trình cho vay của Tổ chức tín dụng (TCTD) đối với khách hàng” mới đây của Ngân hàng Nhà nước, trên cơ sở nắm bắt sơ bộ tình hình TCTD áp dụng phương thức điện tử trong hoạt động cho vay đối với khách hàng và các thông tin qua trao đổi với TCTD trong quá trình triển khai xây dựng Thông tư 06/2023/TT-NHNN, về cơ bản, TCTD đã triển khai ứng dụng phương tiện điện tử vào quy trình cho vay, chú trọng phát triển và hoàn thiện các giải pháp công nghệ nhằm hỗ trợ/thay thế các khâu tác nghiệp thủ công.
Theo đó, có ít nhất 28 tổ chức tín dụng đã ứng dụng công nghệ vào việc cho vay. Như Agribank đang tích cực đẩy mạnh các giải pháp công nghệ nhằm cải tiến hồ sơ, thủ tục cho vay, không dùng tiền mặt trong hoạt động tín dụng.
Hay BIDV đã ứng dụng công nghệ từ khâu tiếp nhận nhu cầu vay, đến khởi tạo, thực hiện và quản lý khoản vay đối với khách hàng tổ chức và bán lẻ. Ngân hàng cũng đang hướng tới tăng cường tính tự động và ứng dụng thêm các công nghệ trong quy trình cấp tín dụng.
Vietcombank cũng đã triển khai hệ thống hỗ trợ phê duyệt khởi tạo khoản vay cho khách hàng bán buôn và bán lẻ. Ngoài ra, ngân hàng đang nghiên cứu áp dụng chữ ký số trong công tác thẩm định tín dụng.
Ở khối ngân hàng tư nhân, VPBank đã triển khai các dịch vụ cho vay thấu chi và giải ngân trực tuyến đối với khách hàng doanh nghiệp; khách hàng cá nhân có thể vay mua xe ngay tại đại lý ô tô và biết kết quả phê duyệt sau 5 phút.
Việc áp dụng công nghệ trong cho vay cũng được TPBank triển khai, đặc biệt là các khách hàng sử dụng thẻ tín dụng và tiêu dùng tín chấp, giúp giảm bớt giấy tờ thủ tục rườm rà, vẫn đảm bảo an toàn và chi phí thấp.
Sacombank đã hoàn thành và đưa vào sử dụng hệ thống khởi tạo, phê duyệt và quản lý khoản cấp tín dụng đối với khoản cho vay cá nhân nhỏ lẻ dưới 500 triệu.
Đối với mảng cho vay mua BĐS nhà dự án, hiện có Techcombank đã số hóa một số khâu trong quy trình cấp tín dụng, bao gồm cả công tác thẩm định và phê duyệt tín dụng.
VIB cho biết đã kết nối trực tiếp với CIC để tối ưu thời gian, chi phí tra cứu. Ngoài ra, ngân hàng còn áp dụng quy trình thẩm định, phê duyệt và giải ngân qua nền tảng điện tử cũng như sử dụng chữ ký điện tử giảm bớt thủ tục văn bản giấy.
Một số ngân hàng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam, như HSBC, Hong Leong, ANZ, SMCB, Taipei Fubon,... cũng đã triển khai phương tiện điện tử và tự động hóa quy trình cho vay tại Việt Nam.
Nhìn chung, việc ứng dụng phương tiện điện tử vào quy trình cho vay của các tổ chức tín dụng đang khá phổ biến. Các ngân hàng đã ứng dụng phương tiện điện tử vào một hoặc nhiều khâu của quy trình cho vay.
Theo Ngân hàng Nhà nước, các nhà băng nhìn chung đều nhận thấy sự cần thiết và cơ hội trong việc chuyển đổi số (trong đó có hoạt động cho vay) để góp phần loại bỏ các yếu tố cảm tính và chủ quan của cá nhân khi ra quyết định; tối đa hóa lợi nhuận và giảm thiểu hao phí; nâng cao năng lực cạnh tranh. Qua đó, tiện ích và trải nghiệm người dùng cũng được nâng lên, thời gian phục vụ được rút gọn, khách hàng dễ tiếp cận hơn với nguồn vốn của các tổ chức tín dụng.
“Thông tư 06/2023/TT-NHNN, đã góp phần hoàn thiện hành lang pháp lý, tạo cơ sở để các ngân hàng triển khai rộng rãi phương tiện điện tử vào quy trình cho vay. Giúp khách hàng dễ dàng hơn trong việc tiếp cận vốn của các tổ chức tín dụng”, Ngân hàng Nhà nước cho biết.