"Dịch vụ thẩm định giá không phải là đối vốn mà đối nhân"

Lê Khang | 12:09 01/08/2022

“Mô hình công ty cổ phần với doanh nghiệp thẩm định giá không phù hợp bởi việc chuyển nhượng vốn quá dễ dàng và việc thay đổi nhân sự cấp cao chỉ cần nắm nhiều cổ phần và người nắm cổ phần mà không có chuyên môn dễ tác động làm sai lệch kết quả vì mục đích lợi nhuận…", ông Phùng Quang Hưng - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Định giá và Tư vấn đầu tư Quốc tế VALUINCO góp ý.

"Dịch vụ thẩm định giá không phải là đối vốn mà đối nhân"
Người sáng lập và điều hành hoạt động của công ty thẩm định giá cần người có kiến thức chuyên môn chứ không cần vốn để hoạt động.

Việc thẩm định giá là công khai, minh bạch

Góp ý cho Luật Giá sửa đổi, ông Phùng Quang Hưng cho rằng, quy định về các hành vi bị nghiêm cấm (Điều 7 dự thảo) nên sửa thành “Các hành vi bị cấm”. Ngoài ra, cần bổ sung quy định doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thẩm định giá, định giá tài sản không được cơ quan có thẩm quyền cấp phép.

Theo ông Phùng Quang Hưng, hiện nay nhiều công ty quản lý và khai thác tài sản (AMC) của các tổ chức ngân hàng có dịch vụ định giá cho khách hàng của ngân hàng để vay vốn hoặc xử lý nợ có thực hiện định giá và thu tiền dịch vụ định giá mà chưa được Bộ Tài chính hoặc cơ quan có thẩm quyền quản lý hoạt động thẩm định giá cấp phép, các hoạt động thẩm định giá của các công ty AMC này cũng cần phải có sự quản lý của Nhà nước về hoạt động thẩm định giá.

Tại điểm b Khoản 3 của dự thảo nên sửa thành “thông đồng với khách hàng thẩm định giá, người có liên quan khi thực hiện thẩm định giá làm sai lệch hồ sơ, kết quả thẩm định giá nhằm trục lợi”.

Ông Phùng Quang Hưng cho rằng, hoạt động tư vấn thẩm định giá cần sự tương tác làm việc với các bên liên quan để hiểu rõ về tài sản thẩm định giá nếu hành vi thông đồng mà gây hậu quả thì cần nghiêm cấm.

Liên quan đến hành vi “tiết lộ thông tin về hồ sơ, khách hàng thẩm định giá và tài sản được thẩm định giá, trừ trường hợp khách hàng thẩm định giá đồng ý hoặc pháp luật cho phép”. Ông Phùng Quang Hưng cho rằng điều này là không thực tế, bởi việc thẩm định giá là công khai, minh bạch đối với các tài sản và đối tượng, trừ trường hợp thuộc đối tượng bảo mật thì điều khoản bảo mật đã được thỏa thuận riêng hoặc một điều khoản riêng tại hợp đồng. Hiện nay, những danh mục tài sản, tên khách hàng, hồ sơ không có ký kết bảo mật thì doanh nghiệp thẩm định giá vẫn sử dụng để làm tham khảo hoặc chứng minh năng lực trong đấu thầu…

Không nên để mô hình công ty cổ phần

Về mô hình doanh nghiệp thẩm định giá, ông Phùng Quang Hưng kiến nghị không nên để mô hình công ty cổ phần.

Theo ông Hưng, đối với các dịch vụ như kiểm toán, luật sư, công chứng, đấu giá và thẩm định giá trên thế giới thì các dịch vụ này không phải là đối vốn mà đối nhân, người sáng lập và điều hành hoạt động của công ty cần người có kiến thức chuyên môn chứ không cần vốn để hoạt động.

Mô hình công ty cổ phần không phù hợp bởi việc chuyển nhượng vốn quá dễ dàng và việc thay đổi nhân sự cấp cao chỉ cần nắm nhiều cổ phần và người nắm cổ phần mà không có chuyên môn dễ tác động làm sai lệch kết quả vì mục đích lợi nhuận, bởi khi họ góp nhiều vốn thì họ cần thẩm định giá tạo ra lợi nhuận, vì vậy ít nhiều vì mục tiêu lợi nhuận họ sẽ có tác động và định hướng bằng mọi giá tìm kiếm lợi nhuận.

“Nếu vẫn để tồn tại mô hình công ty cổ phần thì cần phải có hướng quản lý chặt chẽ hơn là quy định sáng lập viên phải là thẩm định viên về giá và sáng lập viên chỉ được chuyển nhượng cổ phần cho người có thẻ thẩm định viên về giá đang hành nghề hoặc và người nắm giữ cổ phần trên 20% bắt buộc phải là thẩm định viên về giá hành nghề…”, ông Phùng Quang Hưng nhấn mạnh.

Còn về vấn đề vốn pháp định, không đưa vốn pháp định vào công ty thẩm định giá, bởi công ty thẩm định giá là công ty đối nhân không đối vốn và ngược lại để vốn pháp định trong công ty không phải đối vốn là lãng phí nguồn lực xã hội, tuy nhiên để kiểm soát rủi ro nghề nghiệp thì cần mua bảo hiểm trách nhiệm và có thể quy định mức bảo hiểm tối thiểu hoặc trích lập quỹ dự Phòng rủi ro và chúng tôi cho rằng doanh nghiệp ký nhiều hợp đồng thì rủi ro nhiều, do đó trích lập dự phòng rủi ro là hợp quy luật bởi tỉ lệ rủi ro sẽ tương ứng với việc thực hiện, tuy nhiên tỉ lệ trích cần nâng lên 5% và quỹ này luôn phải có và báo cáo thường xuyên với Cục Quản lý giá.

“Để đảm bảo thống nhất quản lý doanh nghiệp thẩm định giá là doanh nghiệp đặc thù, để quản lý chặt chẽ Bộ Tài chính nghiên cứu bỏ mô hình công ty cổ phần và việc đăng ký do Bộ Tài chính cấp giảm thủ tục cấp giấy phép con mà chỉ cần chứng nhận thành lập doanh nghiệp thẩm định giá do Bộ Tài chính cấp vừa tiết kiệm chi phí xã hội, vừa đảm bảo quản lý tốt nghề thẩm định giá”, ông Phùng Quang Hưng góp ý.

Ngoài ra, dự thảo cần xem xét người đại diện theo pháp luật hoặc tổng giám đốc hoặc giám đốc chỉ cần điều kiện là có thẻ thẩm định viên về giá không cần phải đồng thời có 2 thẻ thẩm định viên về giá là thẩm định viên về thẩm định giá tài sản hoặc thẩm định viên về giá doanh nghiệp, bởi để chuyên sân nười thẩm định viên hành nghề mới cần thiết và thẩm định viên là người chịu trách nhiệm chính về công việc tư vấn do mình thực hiện, người quản lý đại diện cho doanh nghiệp không nhất thiết phải có cả 2. Nếu quy định như thế này sẽ rất khó khăn cho doanh nghiệp đang hoạt động.

Khoản 3, điều 56 dự thảo cần chỉnh sửa như sau: “Người đại diện theo pháp luật, tổng giám đốc, giám đốc của doanh nghiệp bị thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá trong vòng 12 tháng kể từ ngày thu hồi giấy phép không được đăng ký là người đại diện theo pháp luật, tổng giám đốc, giám đốc của doanh nghiệp khác”.

Kết quả thẩm định giá là căn cứ để tham khảo

Khoản 1 điều 60 dự thảo quy định, “kết quả thẩm định giá thể hiện bằng chứng thư thẩm định giá và báo cáo kết quả thẩm định giá và có hiệu lực tối đa không quá 6 tháng kể từ ngày phát hành”.

Ông Phùng Quang Hưng đề nghị bổ sung: “Kết quả thẩm định giá là một trong những căn cứ để cơ quan, tổ chức, cá nhân tham khảo làm căn cứ xác định giá trị tài sản theo mục đích và thông số, số lượng tài sản tại hợp đồng thẩm định giá”.

Cùng với đó, cần quy định trường hợp Chứng thư thẩm định giá, báo cáo kết quả thẩm định giá đã được phát hành nhưng chưa được sử dụng, doanh nghiệp thẩm định giá hoặc thẩm định viên về giá thực hiện thẩm định phát hiện thông tin có sai sót thì thu hồi và phát hành lại chứng thư thẩm định giá và báo cáo thẩm định giá.

Tại khoản 1 Điều 63 của dự thảo cần bỏ do giá dịch vụ thẩm định giá theo thỏa thuận dựa trên việc bù đắp chi phí và tính hiệu quả: khi xây dựng giá dịch vụ cần có thông tin về tài sản thẩm định giá như mức độ khó dễ của thông tin, địa điểm thực hiện, mục đích thực hiện, thời điểm thực hiện… nên khó có thể xây dựng được biểu giá dịch vụ cho loại hình thẩm định giá, thẩm định giá cũng như một số ngành nghề đặc thù là kiểm toán, luật sư… không thể có bảng giá niêm yết cụ thể.

Tại khoản 2 Điều 63, đề nghị sửa thành “Giá dịch vụ thẩm định giá thực hiện theo thỏa thuận giữa doanh nghiệp thẩm định giá với khách hàng bằng hợp đồng thẩm định giá trên ngueyen tắc bù đắp chi phí thực tế (chi phí trực tiếp, chi phí chuyên gia, chi phí gián tiếp, lợi nhuận hợp lý, chi phí rủi ro). Trường hợp việc lựa chọn nhà thầu tư vấn thẩm định giá thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu”.

Bài liên quan

(0) Bình luận
"Dịch vụ thẩm định giá không phải là đối vốn mà đối nhân"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO