Đi chợ về nhét tiền lẻ vào ống heo, sau 1 năm cô gái bất ngờ với số tiền nhận được

Ngọc Linh | 07:33 01/04/2024

Thu Minh cho biết nhờ áp dụng 3 điều này mà cô gần như chưa bao giờ cảm thấy bất an về mặt tài chính trong khoảng 2 năm trở lại đây.

Đi chợ về nhét tiền lẻ vào ống heo, sau 1 năm cô gái bất ngờ với số tiền nhận được

Nhiều người nghĩ rằng thu nhập giảm, tỷ lệ tiết kiệm giảm theo là lẽ đương nhiên, không có gì khó hiểu; nhưng Thu Minh (25 tuổi), hiện đang là một nhân viên văn phòng tại Hà Nội, lại không đồng tình với quan điểm đó.

Chia sẻ với chúng tôi, Thu Minh cho biết năm 2023, tiền lương của cô bị giảm khoảng 8% so với năm 2022, nhưng tỷ lệ tiết kiệm vẫn tăng, hoàn toàn không giảm, dù chẳng mấy khi có thêm thu nhập khác, ngoài lương.

1706012770-6e52f067-d89b-49d0-91e1-ace77d2cd49e_face_image.jpeg
Ảnh minh họa

Vậy Thu Minh đã làm thế nào? 

1 - Tỷ lệ tiết kiệm bằng số tuổi

“Mình luôn bị ám ảnh bởi suy nghĩ năm nay mình đã già hơn năm trước 1 tuổi, mà không có gì tiến bộ hơn thì thất bại quá. Nhưng nghĩ đi nghĩ lại cũng chẳng biết làm gì để có một bước đột phá chỉ trong vòng 1 năm, nên mình quyết định đi từ những bước nhỏ trước, đầu tiên là để tỷ lệ tiết kiệm bằng với số tuổi của mình. 

Năm ngoái 24 tuổi, mỗi tháng mình tiết kiệm 24% thu nhập. Năm nay 25 tuổi rồi thì mỗi tháng tiết kiệm 25% thu nhập, đơn giản vậy thôi” - Thu Minh chia sẻ.

Cô còn cho biết thêm việc để tỷ lệ tiết kiệm bằng số tuổi giúp bản thân có động lực kiếm tiền hơn.

“Giả sử năm ngoái mỗi tháng mình tiết kiệm được 2.750.000 đồng. Năm nay lương giảm chút xíu nên dù tăng tỷ lệ tiết kiệm, số tiền thực sự tiết kiệm được có thể vẫn sẽ ít hơn năm ngoái. Mình cũng muốn khắc phục việc này, nên cứ có ai giới thiệu việc ngoài là mình nhận ngay không cần suy nghĩ. Cùng lắm thì bớt thời gian tụ tập bạn bè rồi cày phim lại là được”.

Hiện tại, Thu Minh đang làm việc trong ngành xuất bản, công việc mang lại nguồn thu nhập ngoài lương cho cô chủ yếu là biên dịch tài liệu. Tuy nhiên, những công việc này lại không đều, không ổn định. Dẫu vậy, Thu Minh vẫn dùng toàn bộ tiền lương từ công việc tay trái để tiết kiệm chứ không tiêu vào.

2 - Tiết kiệm trước tiền tiêu Tết

Ngoài khoản tiền tiết kiệm chiếm 25% thu nhập mỗi tháng, Thu Minh còn tiết kiệm trước tiền biếu bố mẹ dịp Tết, tiền lì xì ông bà và các cháu, cũng như tiền sắm Tết cho bản thân mình.

1707369894-18154e9d-370f-47a3-9f09-8226f7045d50_face_image.jpeg
Ảnh minh họa

“Thường thì khoản tiền tiêu Tết này của mình sẽ không có gì thay đổi mấy, năm nào cũng tiêu chừng đó thôi nên cũng dễ tính toán để tiết kiệm. Mình cứ lấy số tổng chia cho 12 tháng là biết ngay mỗi tháng mình phải dể dành bao nhiêu để cuối năm có một cái Tết ấm no, đủ đầy” - Thu Minh kể.

Chính nhờ thói quen này mà Tết Nguyên Đán vừa qua, dù công ty cắt giảm tới 60% tiền thưởng, Tết của Thu Minh vẫn không bị ảnh hưởng quá nhiều. 

“Mình tiết kiệm trước tiền tiêu Tết vì thường thì phải tới tầm 28 Tết, công ty mình mới trả lương, thưởng. Lúc đó mới gửi tiền biếu để bố mẹ sắm Tết thì muộn quá, mình cần có 1 khoản tiền sẵn trong túi trước, rồi có lương thưởng thì mình “đập” vào.

Chứ lúc đặt mục tiêu tiết kiệm tiền tiêu Tết, mình cũng không nghĩ tới việc bản thân rơi vào cảnh đi làm cả năm mà đến cuối năm lương thưởng chẳng còn bao nhiêu. Đúng là trong cái rủi cũng có cái may” - Thu Minh bộc bạch.

3 - Đút lợn tiền lẻ

Thường xuyên đi chợ, đi siêu thị và thanh toán bằng tiền mặt, Thu Minh nhận ra bản thân mình chẳng có gì ngoài… tiền lẻ. Nhưng điều đáng nói chính là cô không bao giờ nhớ được số tiền lẻ mình đang có vì… lười đếm.

“Năm 2022, có lần mình chuyển nhà, dọn quần áo xong mới phát hiện ra gần như túi áo, túi quần nào cũng có vài đồng tiền lẻ, ít thì 1-2k, nhiều thì 15-20k. Xong mình mới nảy ra suy nghĩ đút lợn tiền lẻ, cứ có tiền lẻ trong ví mệnh giá từ 10k trở xuống là mình đút lợn, vì nếu không cũng để linh tinh mà quên mất. 

Mình áp dụng việc đút lợn tiền lẻ từ khoảng tháng 9/2022, đến tháng 12/2023 đập con heo ra cũng được gần 5,5 triệu đấy. Vui phết” - Thu Minh kể.

Ngoài 3 cách tiết kiệm này, Thu Minh hoàn toàn không ghi chép hay quản lý chi tiêu quá sát sao.

“Vì lương mình thấp mà, trừ đi tiền tiết kiệm, tiền để dành tiêu Tết rồi tiền thuê nhà, đổ xăng là cũng chỉ còn dư đủ tiền ăn trong tháng, nên mình cũng liệu cơm gắp mắm, hạn chế ăn ngoài, uống trà sữa thôi; chứ bảo quản lý chi tiêu chi tiêu thì mình không làm và thấy việc không làm cũng không ảnh hưởng tiêu cực gì lắm” - Thu Minh kể và không quên khẳng định trong vấn đề quản lý tài chính cá nhân, mọi chia sẻ hay lời khuyên của người khác đều chỉ nên tham khảo, không nên áp dụng máy móc vào bản thân mình.


(0) Bình luận
Đi chợ về nhét tiền lẻ vào ống heo, sau 1 năm cô gái bất ngờ với số tiền nhận được
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO