Ngày 27/4/2023, CTCP Phục vụ mặt đất Sài Gòn (SAGS, mã cổ phiếu SGN) đã tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2023, thông qua kế hoạch doanh thu là 1.280 tỷ đồng – tăng 29% và lợi nhuận sau thuế là 205 tỷ đồng – tăng 18,5% so với năm 2022. Với chỉ tiêu trên, Công ty dự chia trả cổ tức với tỷ lệ 25% bằng tiền mặt.
Được biết, SGN được chuyển đổi từ Trung tâm dịch vụ Hàng không theo quyết định ngày 30/12/2004 của Cục trưởng cục hàng không VN.
Ngày 1/1/2015, Công ty chính thức hoạt động dưới hình thức CTCP. Công ty hiện nằm trong mạng lưới thuộc Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (ACV, tỷ lệ sở hữu hiện 48,1% vốn). SGN chuyên khai thác kết cấu hạ tầng, trang thiết bị của Cảng hàng không, sân bay; cung ứng dịch vụ bảo dưỡng tàu bay, phụ tùng, thiết bị hàng không; cung ứng các dịch vụ phục vụ kỹ thuật thương mại mặt đất...
Năm 2022, với thị trường hàng không nội địa tăng trưởng vượt bậc cộng với các hãng hàng không quốc tế tái khởi động khai thác thương mại đến Việt Nam, SAGS đã đạt kết quả sản xuất kinh doanh vượt kế hoạch với tổng doanh thu hợp nhất là 1.015,87 tỷ đồng, vượt 27,8% kế hoạch năm 2022 (795 tỷ đồng) và tăng hơn gấp đôi so với năm 2021 (498 tỷ đồng).
Ban lãnh đạo SAGS cho biết, năm qua Công ty cũng đã nghiên cứu, phối hợp với sân bay và hãng hàng không bỏ kiểm tra thẻ hành lý chuyến bay đến, thiết lập khu vực đậu tạm trang thiết bị, giúp giảm ùn tắt trong dây chuyền phục vụ cũng như tối ưu hóa sử dụng nguồn lực.
Đáng chú ý, SAGS đã đàm phán và ký hợp đồng phục vụ mặt đất với một số hãng quốc tế mới tại Cảng HKQT Tân Sơn Nhất: Air Premia, Fly Gangwon, Kalitta Air, Bhutan Airlines, góp phần tăng thêm doanh thu cho Công ty.
Mặt khác với thị trường trọng điểm Trung Quốc mở cửa từ ngày 15/3/2023, SAGS đã kết nối và hỗ trợ các hãng hàng không khai thác trở lại. Cụ thể, 2 hãng hàng không Xiamen Airlines và Sichuan Airlines đã chính thức mở lại đường bay thương mại thường lệ đến Cảng HKQT Tân Sơn Nhất.
“Việc mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh đến Cảng HKQT Long Thành được xác định là hạng mục ưu tiên hàng đầu mang tính chiến lược. Sau khi được đánh giá là một trong những nhà đầu tư đáp ứng yêu cầu về năng lực, kinh nghiệm, SAGS đang khẩn trương chuẩn bị các hạng mục liên quan cho giai đoạn tiếp theo của dự án này, dự kiến sẽ triển khai trong năm 2023”, đại diện Công ty nhấn mạnh.
Thảo luận tại Đại hội:
1. Công ty nói đang đấu thầu giai đoạn 2 tại Sân bay Long Thành. Hiện có bao nhiêu đơn vị tham gia?
Xoay quanh việc đấu thầu dịch vụ mặt đất tại Cảng Long Thành, điều này nằm trong thành phần 4 của dự án đầu tư Cảng Long Thành. Dự án này giao cho Bộ GTVT chủ trì tổ chức đấu thầu. Năm 2021-2022, Cục Hàng Không và Bộ GTVT có tổ chức đánh giá năng lực các đơn vị tham gia.
Sau đó, Cục Hàng Không và Bộ GTVT đã công bố chọn được 3 đơn vị đủ điều kiện tham gia đấu thầu cung cấp dịch vụ mặt đất, gồm VIAGS (của Tổng Công ty Hàng không Việt Nam), SAGS và HGS (Công ty phục vụ mặt đất Hà Nội).
Có 2 gói thầu và SAGS có đăng ký tham gia cả 2 gói. Dù vậy, mục tiêu chúng ta là thắng lợi được 1 gói, vì chủ trương ở trên là chọn 2 đơn vị tham gia 2 gói thầu, tránh sự độc quyền tại Cảng Long Thành.
2. Giấy phép đấu thầu có thời hạn mãi mãi hay trong bao lâu?
Dự án Long Thành thực tế bị chậm, vì có những tiêu chí về kỹ thuật tài chính. Do đó, việc đấu thầu diễn ra chậm hơn tiến độ ban đầu.
Chúng tôi tự tin về năng lực SAGS là công ty cung cấp dịch vụ hàng không mặt đất hàng đầu Việt Nam.
Khi đấu thầu thành công, thời gian dự án là 25 năm. Sau đó sẽ có thêm những mốc thời gian tiếp, vì Long Thành cũng có 3 giai đoạn.
Tôi dự đoán 2026 này khi Long Thành hoạt động, đưa khách từ Sân bay Tân Sơn Nhất về sẽ đầy ngay và Nhà nước sẽ phải nhanh chóng có kế hoạch triển khai giai đoạn 2.