‘Detroit thứ hai’ của Mỹ: Tự nhận mình là thủ phủ xe điện, vượt qua hơn 70 đối thủ để được Volkswagen chọn là ‘căn cứ địa’

Vũ Anh | 11:30 27/10/2023

Nơi đây đang chứng kiến sự thay đổi ngoạn mục.

‘Detroit thứ hai’ của Mỹ: Tự nhận mình là thủ phủ xe điện, vượt qua hơn 70 đối thủ để được Volkswagen chọn là ‘căn cứ địa’

Trang trại bông tại thị trấn Florence nhỏ bé phía Nam Carolina đang diễn ra cuộc chiến vì tương lai ô tô Mỹ. Hàng ngày, những chiếc máy xúc vàng không ngừng đào đất, sau đó dùng hàng tấn đá chôn vùi toàn bộ sân bóng lớn của địa phương. 

Tháng 12 năm ngoái, Envision AESC, một nhà sản xuất Nhật Bản, tuyên bố sẽ đầu tư 810 triệu USD lắp ráp pin lithium-ion ở Florence. Pin sẽ được sử dụng trong nhà máy xe điện của BMW, cách Spartanburg 260 dặm.

Gregg Robinson, người đứng đầu Hiệp hội Đối tác Phát triển Kinh tế của Quận Florence cho biết: “Chúng tôi đang biến các cánh đồng trở thành nơi sản xuất. Đó là một sự thay đổi ngoạn mục”. 

Các dự án như ở Florence hiện nằm rải rác phía đông nam nước Mỹ. Đây ngày càng trở thành sự lựa chọn yêu thích của các nhà sản xuất nước ngoài - những người đang cố gắng tạo chỗ đứng trong một thị trường xe điện đang phát triển quá đỗi nhanh chóng. 

Detroit không còn là ‘ngôi nhà truyền thống’ của ngành công nghiệp ô tô Mỹ. Ngoài việc BMW lựa chọn Spartanburg, Mercedes nay đã mở nhà máy lớn nhất Bắc Mỹ ở Tuscaloosa, Alabama trong khi Toyota chọn Georgetown, Kentucky. Các khoản tín dụng thuế khổng lồ cùng trợ cấp xanh từ Đạo luật Giảm lạm phát vô hình chung giúp thúc đẩy xu hướng này.

Kể từ năm 2010, hơn 70 tỷ USD đã được đầu tư vào sản xuất xe điện và pin trong khu vực. Theo EV Jobs Hub, Michigan đang dẫn đầu với gần 24 tỷ USD, theo sau bởi Georgia và Tennessee. 

“Phía đông nam đang cố gắng khẳng định mình là thủ đô xe điện của thế giới”, Christopher Chung, người đứng đầu bộ phận phát triển kinh tế Bắc Carolina, nơi Toyota đang xây dựng nhà máy sản xuất pin lớn nhất bên ngoài Nhật Bản, cho biết. 

Các nhà máy mới phía đông nam thu hút được nhiều vốn đầu tư nhờ quỹ đất rộng lớn. Tại Michigan và phần lớn vùng công nghiệp Trung Tây, các nhà sản xuất ô tô có thể nâng cấp cơ sở hạ tầng với số vốn đầu tư ít hơn. Ford là trường hợp điển hình khi hãng này chuẩn bị công cuộc chế tạo F-150 Lightning cấu hình cao phiên bản điện khí hóa.

Ngoài ra, Stellantis, công ty mẹ của Chrysler, chọn Indiana làm nhà máy sản xuất pin mới trong liên doanh với Samsung SDI. General Motors cũng có kế hoạch sản xuất xe bán tải chạy điện tại một nhà máy ở Michigan, đồng thời chọn khu vực Trung Tây để đặt 3/4 nhà máy sản xuất pin. 

Tuy nhiên, làn sóng đầu tư phía đông nam có thể giúp tình thế xoay ngược, nhất là sau cuộc đình công của Liên đoàn công nhân ngành xe hơi (UAW) nhằm phản đối chính sách của 3 gã khổng lồ Ford, General Motors và Stellantis. 

“Sự việc chắc chắn sẽ mang lại lợi ích cho các bang miền Nam”, Pat Wilson, ủy viên phát triển kinh tế của Georgia, cho biết. 

Theo Cơ quan Lập pháp Tiểu bang, 26 bang - chủ yếu ở miền Nam - đã ban hành quyền làm việc, trong đó quy định người lao động không cần phải đóng phí công đoàn. Theo EV Jobs Hub, các luật này chính là thước đo mức độ thân thiện đối với người sử dụng lao động. 85% khoản đầu tư vào xe điện và pin cho đến nay đã chuyển sang các bang triển khai quyền này. 

Luật lao động mới không phải là lý do duy nhất để các nhà sản xuất ô tô chuyển về khu vực phía Nam. Đây chính là kết quả tích cực từ khoản tín dụng thuế xe điện trị giá 7.500 USD của IRA, quy định rằng để đủ điều kiện nhận trợ cấp, chiếc xe đó phải được lắp ráp tại Mỹ với phần lớn pin có nguồn gốc từ Bắc Mỹ.

Theo Jan Spies, giám đốc sản xuất của Scout, khi Volkswagen cân nhắc tìm địa điểm xây dựng nhà máy xe điện đầu tiên ở Mỹ, hãng đã xem xét 74 địa điểm trên khắp đất nước, bao gồm cả vùng Trung Tây. Tuy nhiên, phía Nam Carolina đã có sẵn địa điểm, lực lượng lao động cùng gói trợ cấp trị giá 1,3 tỷ USD lớn nhất bang. Khoảng 80 giám đốc điều hành theo đó quyết định chuyển đến đây để điều hành cơ sở trên khu đất rộng 1.000 mẫu Anh, ngoại ô Columbia. 

Theo Trung tâm Nghiên cứu Ô tô, một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Ann Arbor, Michigan, các hãng xe hơi đã rót hơn 110 tỷ USD đầu tư liên quan đến xe điện tại Mỹ kể từ năm 2018. Khoảng một nửa trong số đó dành riêng cho các bang miền Nam, từ đó thu hút một lượng lớn công nhân đến sinh sống. John Mohr, giám đốc điều hành của Hiệp hội ô tô tại địa phương cho biết, làn sóng di cư này đã khiến dân số các thị trấn cải thiện đáng kể.

Miền Nam nước Mỹ đã nỗ lực trong nhiều thập kỷ nhằm thu hút các nhà sản xuất ô tô; cải thiện hệ thống giao thông, lưới điện và diện tích đất trống để xây dựng nhiều siêu đô thị nhà máy mới. Chính quyền địa phương và các viện kỹ thuật cũng hợp tác đào tạo thế hệ công nhân sản xuất mới, đa ngành nghề, đa kỹ năng.

Ngoài ra, đây cũng là khu vực cung cấp nhiều loại hình trợ cấp nhất. Chẳng hạn Georgia trao Hyundai gói hỗ trợ trị giá 1,8 tỷ USD nhằm giúp cải thiện đường xá, trung tâm đào tạo chuyên dụng…. Rất ít nơi được hưởng lợi ích nhiều như Georgia - nơi chính quyền tiểu bang ra sức áp dụng các chính sách giảm thuế cùng loạt đặc quyền để thu hút sản xuất. 

Trong khi đó, khu vực Trung Tây cũng sôi động không kém khi Michigan mới đây hỗ trợ Ford 1,7 tỷ USD xây dựng nhà máy sản xuất pin sử dụng công nghệ CATL.

Theo chuyên gia, để tận dụng các ưu đãi về thuế dự kiến kéo dài đến cuối năm 2032, các nhà sản xuất ô tô xây dựng nhà máy tại Mỹ đang cố gắng đẩy nhanh tiến độ. Trip Tollison, giám đốc điều hành Cơ quan Phát triển Kinh tế Savannah nhận định đây đích thị là một cuộc đua và mọi người đang nỗ lực hết sức. 

Theo: FT, WSJ 


(0) Bình luận
‘Detroit thứ hai’ của Mỹ: Tự nhận mình là thủ phủ xe điện, vượt qua hơn 70 đối thủ để được Volkswagen chọn là ‘căn cứ địa’
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO