Ngày 12/7, Bộ Tài chính đã tổ chức Hội thảo lấy ý kiến về “Dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp”.
Theo cơ quan soạn thảo, Luật số 69/2014/QH13 hiện quy định theo hướng Nhà nước quản lý theo pháp nhân doanh nghiệp có vốn Nhà nước, từ đó dẫn đến các quy định về sử dụng vốn, can thiệp hành chính vào quá trình hoạt động của doanh nghiệp.
Tuy vậy, Nghị quyết số 12-NQ/TW đã xác định Nhà nước thực hiện đầy đủ trách nhiệm của chủ sở hữu đối với doanh nghiệp Nhà nước, cổ phần, vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp; thực sự đóng vai trò là nhà đầu tư, chủ sở hữu, bình đẳng về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm với các nhà đầu tư khác trong doanh nghiệp.
Do đó, cơ quan soạn thảo cho rằng cần xây dựng chính sách về chủ sở hữu vốn do Nhà nước đầu tư và được quản lý theo dòng vốn đầu tư, không quản lý pháp nhân của doanh nghiệp. Theo đó, doanh nghiệp có vốn Nhà nước hoạt động bình đẳng theo Luật Doanh nghiệp và vốn Nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp phải được quản lý, giám sát.
Với nguyên tắc này, Nhà nước được xác định là một nhà đầu tư vốn, không can thiệp hành chính trực tiếp vào hoạt động và quản trị của doanh nghiệp mà được thực hiện thông qua cơ quan, người đại diện chủ sở hữu vốn để đảm bảo các quyền lợi.
Theo dự thảo Luật, Bộ Tài chính đang đề xuất 3 phương án về tỷ lệ trích lập Quỹ Đầu tư phát triển để tại doanh nghiệp hoặc cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn. Cụ thể: Tối đa 50%, tối đa 80% và 100% lợi nhuận sau thuế.
So với luật hiện hành, 3 phương án đề xuất này đều cao hơn so với mức 30% như tại Luật số 69/2014/QH13 về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp và tại tờ trình trước đó của Bộ Tài chính.
Trên cơ sở nghiên cứu, Bộ Tài chính đề xuất trình Chính phủ xem xét, quyết định thực hiện theo phương án trích tối đa 80% lợi nhuận sau thuế vào Quỹ Đầu tư phát triển để tại doanh nghiệp.
Đa số các đại biểu tham dự đều đồng tình việc trích lập tối đa 80% lợi nhuận sau thuế, để doanh nghiệp chủ động sử dụng trong việc tái đầu tư.
Qua đó, nâng cao hiệu suất đầu tư từ phần vốn của Nhà nước, song các ý kiến cũng mong muốn quy định rõ nguyên tắc sử dụng quỹ này cho việc sử dụng vốn lưu động và nếu trong thẩm quyền, được phép tiếp chuyển để tăng vốn điều lệ.
Chia sẻ tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Mậu, Thành viên HĐTV Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam), đánh giá dự thảo Luật với các quan điểm, nguyên tắc khá đổi mới. Trong đó xác định Nhà nước không quản lý pháp nhân doanh nghiệp mà chỉ quản lý theo dòng vốn.
Vốn Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp là tài sản pháp nhân của doanh nghiệp, không hạn chế quyền kinh doanh của doanh nghiệp, tách bạch cơ quan quản lý Nhà nước và cơ quan giám sát chủ sở hữu, đánh giá doanh nghiệp được thực hiện theo mục tiêu, nhiệm vụ, kết quả tổng hợp…
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Văn Mậu cũng có nhiều góp ý cụ thể đối với các nội dung tại Dự thảo Luật như: Xác định lại đối tượng thuộc điều chỉnh của Luật, làm rõ khái niệm về vốn nhà nước tại doanh nghiệp còn nhiều cách hiểu, phương án trích lập quỹ Đầu tư phát triển để tại doanh nghiệp từ lợi nhuận sau thuế; quản lý doanh nghiệp F1, F2; thẩm quyền đầu tư vốn…
Ông Nguyễn Sỹ Cường – Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) đưa ra một số góp ý cụ thể liên quan tới công tác quản lý doanh nghiệp F1, F2; công tác phân loại doanh nghiệp có vốn đầu tư của Nhà nước; chính sách tài chính của doanh nghiệp; chính sách quỹ đầu tư phát triển, quỹ khen thưởng – phúc lợi, tiền lương; quy định về cụ thể quyền, trách nhiệm của chủ sở hữu và người đại diện vốn nhà nước, tăng cường tính chủ động, dám nghĩ dám làm của lãnh đạo doanh nghiệp, …
Đóng góp ý kiến tại Hội thảo, ông Nguyễn Hữu Tú - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) cho rằng, việc Bộ Tài chính đề xuất tỷ lệ trích lập Quỹ Đầu tư phát triển để tại doanh nghiệp từ lợi nhuận sau thuế tối đa 80%, tăng so với mức ở Dự thảo trước đây là 30% là hợp lý để tăng quyền chủ động cho doanh nghiệp, tạo sự linh hoạt, kịp thời, tăng tính hiệu quả trong việc sử điều hành, sử dụng quỹ.
Theo số liệu của Bộ Tài chính, đến cuối năm 2022, cả nước có hơn 670 doanh nghiệp có vốn nhà nước từ 50% trở lên. Các doanh nghiệp này có tổng tài sản gần 3,8 triệu tỷ đồng, giá trị vốn Nhà nước đầu tư đạt 1,71 triệu tỷ đồng.