Đế chế của 'ông trùm' ngành kim loại Trung Quốc lung lay: Ngành hàng hoá thế giới lại đối diện cơn bão mới?

Chi Lan | 17:48 18/09/2022

Bloomberg nhận định, sự trỗi dậy của He Jinbi giống như kinh tế Trung Quốc bùng nổ. Do đó, những vấn đề mà ông đang đối mặt sẽ đánh dấu một bước ngoặt với thị trường hàng hoá, đó là thời kỳ nhu cầu của Trung Quốc chỉ tăng lên sẽ kết thúc.

Đế chế của 'ông trùm' ngành kim loại Trung Quốc lung lay: Ngành hàng hoá thế giới lại đối diện cơn bão mới?

Bước chân vào nghề với công việc bảo vệ những đoàn tàu chở đầy kim loại, He Jinbi đã tạo dựng nên một đế chế kinh doanh đồng đầy tiềm lực, xử lý 1 trên 4 tấn đồng được nhập khẩu vào Trung Quốc.

Người đàn ông 57 tuổi đã phát triển Maike Metals International trong thời gian thị trường hàng hoá gặp khó khăn vào đầu những năm 2000. Họ trở thành một doanh nghiệp quan trọng, kết nối các trung tâm công nghiệp của Trung Quốc với các nhà kinh doanh quy mô toàn cầu như Glencore. 

Song, giờ đây, Maike lại rơi vào cuộc khủng hoảng thanh khoản và đế chế của He đối mặt nhiều rủi ro. Tác động của “cơn bão” này đã diễn ra trên toàn thế giới, khi Maike xử lý 1 triệu tấn đồng mỗi năm. Họ đang là doanh nghiệp lớn nhất trong tuyến thương mại toàn cầu quan trọng nhất đối với kim loại này và là cũng là một nhà giao dịch lớn trên sàn London Metal Exchange. 

1400x-1-4.jpg
Ông He Jinbi. 

Với mạng lưới nhà máy và địa điểm xây dựng rộng khắp, He được mệnh danh là “hậu duệ” của sự bùng nổ trong ngành nhiên liệu hàng hoá Trung Quốc trong hơn 2 thập kỷ. Ông đã kiếm được rất nhiều tiền từ nhu cầu với nguyên liệu thô tăng và sau đó gia nhập cả thị trường bất động sản vốn đã tăng trưởng nóng. 

Trong năm nay, các chính sách zero Covid của Bắc Kinh đã tác động mạnh đến cả thị trường bất động sản và giá đồng. Sau nhiều tháng với những lời đồn đại, He đã thông báo vào tháng trước rằng Maike kêu gọi sự hỗ trợ nhằm giải quyết các vấn đề về thanh khoản. 

Bloomberg nhận định, sự trỗi dậy của He giống như kinh tế Trung Quốc bùng nổ. Do đó, những vấn đề mà ông đang đối mặt sẽ đánh dấu một bước ngoặt với thị trường hàng hoá, đó là thời kỳ nhu cầu của Trung Quốc chỉ tăng lên sẽ kết thúc. 

Thị trường đồng thăng hoa

Sinh năm 1964 tại tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc, He lần đầu tiên giao dịch đồng khi ông nhận được công việc thu mua vật liệu công nghiệp cho một công ty địa phương. Khi còn trẻ, ông làm công việc bảo vệ số hàng hoá bằng đồng trên các tuyến tàu chạy xuyên Trung Quốc. 

Năm 1993, ông và một vài người bạn thân thành lập Maike ở thành phố Tây An. Họ đã vay 50.000 NDT (khoảng 7.200 USD) để mua và bán các sản phẩm cơ khí và điện. Tuy nhiên, họ nhanh chóng chuyển trọng tâm kinh doanh sang phế liệu, dây đồng và đồng tinh luyện. Với khiếu hài hước và thân thiện, He đã trở thành một doanh nhân và xây dựng được rất nhiều mối quan hệ. 

Khi nền kinh tế Trung Quốc chuyển sang tự do hoá, He đã tận dụng những mối quan hệ đó để đưa Maike trở thành một bên trung gian giữa các nhà giao dịch quốc tế lớn và số người tiêu dùng đồng đang tăng cao ở Trung Quốc.

Trong 15 năm, Trung Quốc từ tiêu thụ 1/10 nguồn cung đồng của thế giới lên đến 50%, mở ra chu kỳ tăng giá mạnh mẽ với kim loại này - được sử dụng trong dây dẫn điện của mọi thứ, từ dây cáp đến điều hoà không khí. 

“Canh bạc” trên thị trường hàng hoá

Đối với nhiều nguời, đây là thời điểm thị trường hàng hoá Trung Quốc không khác gì một sòng bạc. Các nhóm nhà giao dịch sẽ lập nhóm để cùng nhau đặt cược, tung ra những chiến lược để cạnh tranh với đối thủ.

Dù nhiều nhà giao dịch đến và lại rút khỏi thị trường trong những năm gần đây, nhưng He vẫn trụ vững. 

Ông cũng sở hữu một đặc điểm cần thiết đối với nhà giao dịch hàng hoá thành công, đó là ưa thích rủi ro. Thành tích của He đạt được bước đột phát trong những ngày đầu của siêu chu kỳ. Năm 2005, giá đồng tăng mạnh và hầu hết các nhà sản xuất, chế tạo và giao dịch đồng cho rằng xu hướng này sẽ sớm hạ nhiệt.

Tuy nhiên, họ cực kỳ bất ngờ khi nghe nhà phân tích Ingrid Sternby của Barclays dự đoán giá đồng sẽ lập đỉnh mới khi nhu cầu của Trung Quốc vuợt cung. Trong vòng 12 tháng sau đó, giá đồng tăng hơn gấp đôi. 

Khi đó, He lại đặt cược ngược lại với số đông. Ông chú ý đến nhu cầu từ mạng lưới người tiêu dùng Trung Quốc, giữ vị thế tăng giá và kiếm được lợi nhuận rất lớn từ đà tăng này. Đó cũng là mô hình mang lại thành công trong nhiều năm sau đó.

Sự phát triển của đế chế Maike cũng phản ánh những thay đổi đang diễn ra trong giới kinh doanh Trung Quốc. Dù ban đầu chỉ là một nhà phân phối kim loại đồng, nhưng He đã đi tiên phong trong hoạt động gia tăng mạng lưới kết nối giữa ngành giao dịch hàng hoá và thị trường tài chính Trung Quốc. 

Khi Maike trở thành nhà nhập khẩu đồng đứng đầu Trung Quốc, He bắt đầu sử dụng dòng chảy kim loại để huy động vốn. Ông có thể yêu cầu khách hàng tiêu dùng trực tiếp (end customer) thanh toán trước và cũng có thể đi vay thế chấp khối lượng đồng lớn mà ông đang vận chuyển, lưu trữ trong kho.

1400x-1-3.jpg
Khách sạn Grand Hyatt Xi’an tại toà Maike Center.

He sẽ sử dụng số tiền huy động từ hoạt động kinh doanh đồng để đầu cơ vào các sàn giao dịch hoặc bất động sản Trung Quốc. Từ khoảng năm 2011, He đã xây dựng các khách sạn, trung tâm thương mại và thậm chí cả kho hàng riêng trong khu ngoại quan của Thượng Hải.

Khi các doanh nghiệp nhà nước chiếm vị thế thống trị, ông chuyển trọng tâm sang Tây An, hỗ trợ các dự án trong khuôn khổ Sáng kiến Vành đai và Con đường của Chủ tịch Tập Cận Bình. 

Tương lai bất ổn

Tuy nhiên, năm nay, đế chế của He bắt đầu lung lay. Tây An ở trong tình trạng phong toả vào tháng 12 và tháng 1, đồng thời tiếp tục hạn chế mọi hoạt động vào tháng 4 và tháng 7 khi Covid-19 tái bùng phát. Điều này gây tổn hại đến các khoản đầu tư bất động sản của He. Các khách sạn của ông gần như không có khách trong nhiều tháng và một số người đi thuê ở các bất động sản thương mại cũng ngừng thanh toán tiền. 

Tình trạng bất ổn của nền kinh tế Trung Quốc cũng khiến giá đồng lao dốc, đồng thời Maike phải chịu hậu quả của việc các ngân hàng thận trọng hơn với lĩnh vực hàng hoá. Nguyên nhân là do đợt “ép mua” niken hồi tháng 3 và một số bê bối liên quan đến những lô quặng nhôm và đồng mất tích. 

Trong những tuần gần đây, Make bắt đầu gặp khó khăn trong việc thanh toán các khoản mua kim loại đồng. Một số công ty quốc tế như BHP và Codelco của Chile đã tạm dừng bán hàng cho Maike và chuyển hướng các lô hàng. 

Tương lai của Maike được đánh giá là không chắc chắn. Trong bối cảnh đó, He đã gặp mặt một nhóm các ngân hàng Trung Quốc vào cuối tháng 8 trong một cuộc họp do chính quyền tỉnh Thiểm Tây tổ chức. Maike cho biết các ngân hàng đã đồng ý hỗ trợ họ, bao gồm cả việc nới lỏng điều kiện cho các khoản vay hiện có. 

Song, hoạt động giao dịch của Maike phần lớn gặp gián đoạn khi các nhà giao dịch khác ngày càng lo ngại. Sau những vấn đề mà công ty này gặp phải, một số ngân hàng lớn nhất trong lĩnh vực hàng hoá đã rút lui khỏi những thương vụ tài trợ cho ngành kim loại Trung Quốc. 

Ở Trung Quốc, một số người bày tỏ sự tiếc nuối cho thành công của He. Song, số khác lại thấy nhẹ nhõm khi chứng kiến sự kết thúc của một mô hình kinh doanh đã đẩy giá đồng lên để trở thành một loại tài sản tài chính và đôi lúc khiến tỷ suất lợi nhuận nhập khẩu khác xa so với nguyên tắc cơ bản. 

Tham khảo Bloomberg


(0) Bình luận
Đế chế của 'ông trùm' ngành kim loại Trung Quốc lung lay: Ngành hàng hoá thế giới lại đối diện cơn bão mới?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO