Chiều ngày 14/2, Quốc hội thảo luận tại tổ đề án bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên.
Phát biểu tại tổ, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thiện Nhân (TP.HCM) cho rằng để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng hai con số vào những năm tiếp theo cần xem xét tăng lương tối thiểu cho người lao động.
"Chúng ta cần đảm bảo tăng trưởng kinh tế đi đôi với phát triển bền vững, đặc biệt là vấn đề dân số", đại biểu Nhân nói và dẫn chứng từ bài học Hàn Quốc, Nhật Bản hơn 33 năm tăng trưởng 2 con số rồi 29 năm sau đó gần như đi ngang.
Ông Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, ngay từ đầu, họ không đặt mục tiêu giữ vững tỉ suất sinh thay thế nên khi đạt được kinh tế, mức sinh không đạt. Do đó, ông Nhân đề nghị Việt Nam thực hiện 2 lộ trình gồm: Thúc đẩy kinh tế và giữ vững được tỉ suất sinh thay thế.
"Muốn một người phụ nữ sinh được 2 con thì lương của 1 người đi làm phải nuôi được mình là đứa con. Nói cách khác, lương 2 người đi làm phải nuôi được 4 người. Thế mới gọi là lương đủ sống, chứ không phải lương tối thiểu.
Tuy nhiên, hiện nay hầu hết các nước phát triển đều chỉ công bố lương tối thiểu, thực chất là nuôi được bản thân nhưng không nuôi thêm được người con. Những ai phải có lương cao hơn lương tối thiểu khá nhiều mới nuôi được người con. Nguyên nhân sâu sắc nhất giảm tỉ suất sinh thay thế là 2 người đi làm lương không đủ nuôi 2 con" - đại biểu phân tích.
Đại biểu cũng đề nghị cần có lộ trình chuyển từ lương tối thiểu sang lương đủ sống tối thiểu. Theo ông Nhân, hiện nay, lương tối thiểu vùng 1 chỉ khoảng 5 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, để một gia đình có hai người lao động nuôi được hai con, thu nhập cần đạt khoảng 21 triệu đồng/tháng. Điều này có nghĩa là lương đủ sống phải ở mức 10,5 triệu đồng/người/tháng.
“Như vậy, lương phải tăng gấp đôi để đạt mức lương đủ sống tối thiểu. Nếu không đủ lương để sống thì người ta sẽ không đẻ. Chúng ta cần có lộ trình tăng dần lương lên gấp đôi từ nay đến năm 2030. Chậm nhất trong vòng 10 năm phải chuyển được từ lương tối thiểu sang lương đủ sống tối thiểu”, ông Nhân nói.
Nêu trường hợp có ý kiến nếu tăng lương lên, Việt Nam còn hấp dẫn đầu tư không?, ông Nguyễn Thiện Nhân cho rằng "chúng ta không lo điều đó".
Nếu so sánh với các nước khác, ngay cả khi tăng lương gấp đôi, mức lương của Việt Nam vẫn chỉ bằng 26% mức lương tối thiểu của Nhật Bản và 27% của Hàn Quốc. Do đó, việc tăng lương vẫn đảm bảo lợi thế cạnh tranh của Việt Nam.
“Ngoài tiền lương, cần quan tâm đến các vấn đề nhà ở, giáo dục và y tế. Nếu người lao động không đủ thu nhập để nuôi con, chính sách dân số sẽ khó đạt hiệu quả. Điều này phải được giải quyết trước năm 2040, bởi theo kinh nghiệm từ các nước, nếu tình trạng này kéo dài 25 năm thì sẽ xuất hiện một thế hệ thanh niên “3 không” - không lấy vợ, lấy chồng; không sinh con; không bức xúc. Nếu điều này trở thành ý thức trong thế hệ thanh niên hiện nay sẽ rất khó sửa. Việt Nam đang trong thời cơ vàng để tăng lương để đủ sống để tăng tỷ lệ sinh”, ông Nhân băn khoăn.
Theo đó, đại biểu đề nghị Chính phủ cần có lộ trình rõ ràng trong việc nâng cao thu nhập cho người lao động, đảm bảo mức sống và khuyến khích sinh con. Đây không chỉ là vấn đề kinh tế mà còn là chiến lược phát triển bền vững của đất nước.