Theo số liệu thống kê từ Bloomberg, chỉ tính riêng 10 tháng đầu năm của năm 2022, châu Âu đã nhập khẩu 17,5 tỷ euro, tương đương khoảng 18,75 tỷ USD, các linh kiện và thiết bị năng lượng mặt trời từ Trung Quốc, chiếm 95% tổng lượng nhập khẩu liên quan đến năng lượng mặt trời.
Theo 2 công ty năng lượng mặt trời lớn của Trung Quốc là Trina Solar và Jinko Solar, việc nhập khẩu các tấm pin mặt trời của Mỹ từ Trung Quốc cuối cùng đã tăng lên sau nhiều tháng bị gián đoạn bắt nguồn từ việc thực thi luật mới về việc sử dụng lao động.
Trina Solar nói với Reuters rằng hơn 900 megawatt tấm pin mặt trời của họ đã thông quan Mỹ trong bốn tháng qua, với chưa đến 1% trong số các sản phẩm đó bị tạm giữ để kiểm tra. Đó là khoảng công suất đủ để cung cấp điện cho hơn 150.000 ngôi nhà.
"Hệ thống dữ liệu và quản lý chuỗi cung ứng của Trina cho phép chúng tôi cung cấp tài liệu truy xuất nguồn gốc chi tiết, theo yêu cầu của Hải quan Mỹ," phát ngôn viên của Trina, bà Melissa Cavanagh, cho biết trong một email.
Sự nỗ lực thoát khỏi các loại nhiên liệu hóa thạch - đặc biệt là nguồn cung từ Nga sau khi xung đột giữa Nga và Ukraine khiến giá năng lượng tăng vọt đã thúc đẩy các quốc gia chuyển sang sử dụng năng lượng sạch, tránh gây khủng hoảng về nguồn cung. Năng lượng mặt trời là một lựa chọn hoàn hảo để thay thế, tuy nhiên sự thống trị của Trung Quốc trong loại năng lượng này là vô cùng lớn.
Theo Bloomberg, các công ty Trung Quốc hiện kiểm soát hơn 80% chuỗi cung ứng năng lượng mặt trời trên toàn thế giới, thống trị việc sản xuất các tấm pin và linh kiện của chúng. Tua-bin gió và các tấm pin mặt trời hiện đang tạo ra gần như đủ điện để cung cấp cho mọi gia đình ở Trung Quốc.
Theo Cơ quan Năng lượng quốc gia (NEA), sản lượng điện gió và mặt trời đã tăng 21% trong năm ngoái lên 1.190 terawatt giờ. Con số này dường như không chênh lệch quá lớn so với tổng mức tiêu thụ điện của khu dân cư là 1.340 terawatt giờ, tăng 14% so với năm trước do người dân ở nhà nhiều hơn trước các biện pháp giãn cách phòng chống dịch.
Sự tăng trưởng nhanh chóng này của Trung Quốc là kết quả của sự đầu tư hàng trăm tỷ USD để đáp ứng các mục tiêu về khí hậu và giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch đắt đỏ.
Tuy nhiên, theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, chỉ 17% lượng điện sử dụng ở đó được phân loại là khu dân cư vào năm 2020. Trong cùng năm đó, các hộ gia đình chiếm 29% mức tiêu thụ điện ở Nhật Bản và 39% ở Mỹ. Ở Trung Quốc, các nhà máy vẫn chiếm vị trí ngôi vương, với ngành công nghiệp chiếm 60% tổng nhu cầu điện.
Vì vậy, ngay cả khi năng lượng sạch có thể phủ gần như mọi nhà, các máy phát điện của Trung Quốc vẫn cần đốt nhiều nhiên liệu hóa thạch hơn và thải ra nhiều khí nhà kính hơn để theo kịp những gì đã được chứng minh là một năm tăng trưởng kinh tế tương đối ảm đạm.
Nền kinh tế dự kiến sẽ mở rộng nhanh hơn nhiều trong năm nay sau khi chính sách zero Covid được dỡ bỏ. Điều đó có nghĩa là lượng khí thải sẽ tăng trở lại ngay cả khi có đủ gió và mặt trời để giữ cho bếp và tủ lạnh luôn hoạt động ở mọi nhà.
Tổng hợp: Bloomberg, Reuters