Mỹ phẩm thuần chay tuy không phải là khái niệm quá mới, nhưng gần đây đã trở thành xu hướng và đặc biệt gây sốt khi người tiêu dùng ngày càng nâng cao nhận thức về sức khỏe cũng như vấn đề môi trường…
Kể từ đại dịch Covid-19, phong cách sống của nhiều người có sự thay đổi. Họ chuyển sang phong cách sống tối giản, sống xanh, thân thiện với môi trường. Bằng cách lựa chọn thực phẩm hữu cơ, hạn chế dùng túi ni lông, đồ nhựa… thế hệ người tiêu dùng thời bình thường mới ưu tiên những sản phẩm "thân thiện" với cơ thể. Ngoài ra, sự thay đổi về sở thích và thói quen làm đẹp của người tiêu dùng trong thời kỳ đại dịch cũng đã dẫn đến việc tìm kiếm các lựa chọn mỹ phẩm lành mạnh hơn.
Mỹ phẩm thuần chay (Vegan Cosmetics) trở thành một xu hướng nổi bật. Xét về khái niệm, tương tự với thực phẩm chay, mỹ phẩm thuần chay cũng nói "không" với các thành phần có nguồn gốc từ động vật và không thí nghiệm trên động vật. Hầu hết các mỹ phẩm thuần chay có chứa rất nhiều thành phần từ thiên nhiên.
Mỹ phẩm thuần chay được đánh giá là sẽ tạo nên một diện mạo mới, thậm chí thay đổi một phần ngành công nghiệp làm đẹp. Một báo cáo của Công ty nghiên cứu MarketGlass đã dự đoán thị trường mỹ phẩm thuần chay toàn cầu sẽ vượt 21 tỷ USD vào năm 2027, với Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản và Canada là những quốc gia quan trọng thúc đẩy giá trị của thị trường.
Theo đó, có 4 nguyên nhân thúc đẩy sự phát triển của thị trường mỹ phẩm thuần chay. Thứ nhất, khi người tiêu dùng chứng kiến các hành vi tàn nhẫn, đối xử bất công với động vật, họ muốn chống lại các hành vi phi đạo đức này. Thứ 2, việc sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc tự nhiên đang được ưa chuộng. Thứ 3, việc sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc từ động vật bị cấm tại một số quốc gia phát triển. Cuối cùng là sự phổ biến trên diện rộng của các dòng mỹ phẩm an toàn cho người sử dụng.
Đồng thời, thế hệ người tiêu dùng trẻ hiện nay có xu hướng lựa chọn những thương hiệu cộng hưởng với giá trị của chính bản thân. Theo nghiên cứu thị trường do Fung Retail & Technology Group thực hiện, hơn cả câu chuyện làm đẹp, 67% người tiêu dùng sinh sau năm 1996 sẽ ngừng sử dụng một thương hiệu nếu họ cảm thấy các hành vi của thương hiệu là phi đạo đức. Điều này mang ý nghĩa vô cùng quan trọng khi giới trẻ đang nhanh chóng trở thành đối tượng tiêu dùng quan trọng nhất trong ngành công nghiệp làm đẹp.
Nắm bắt xu thế đó, các thương hiệu đã tập trung nghiên cứu, sản xuất ra mỹ phẩm thuần chay, đáp ứng nhu cầu ngày một lớn của thị trường. Một cái tên nổi bật trong đó là Aveda - thương hiệu chăm sóc tóc cao cấp từ Mỹ, do nhà tạo mẫu tóc Horst Rechelbacher. Horst, người gốc Áo, đã tới Mỹ sau những biến cố cuộc đời và nhận ra tầm quan trọng của sức khỏe. Sự đam mê của ông đối với làm đẹp và môi trường tiếp tục đưa ông tới Ấn Độ để nghiên cứu. Kết quả là dòng sản phẩm Aveda ra đời vào năm 1978, chứa đựng tinh túy từ thảo dược, thực vật và hoa lá mà vẫn đảm bảo tiêu chuẩn nghiêm ngặt về chất lượng.
Lựa chọn phát triển theo hướng bền vững, Aveda trở thành một thương hiệu thuần chay với cam kết sử dụng thành phần tự nhiên, không kiểm nghiệm trên động vật và sử dụng nguồn năng lượng tái tạo. Bao bì của Aveda là tái chế và thân thiện với môi trường. Nhờ kết hợp khoa học và nghệ thuật thực vật, thương hiệu tạo ra trải nghiệm thư giãn và vẻ đẹp cho người tiêu dùng.
"Trong xu thế hiện nay, dịch vụ xanh hướng đến mục đích nâng cao giá trị trải nghiệm của khách hàng, đảm bảo phong cách sống lành mạnh và chất lượng với các sản phẩm thuần chay đang được đông đảo mọi người quan tâm", chia sẻ của nhà tạo mẫu tóc Đỗ Anh Tú - đồng thời là người sáng lập Tú Hair Salon với hơn 9 năm kinh doanh. Salon của anh cũng là salon đầu tiên kết hợp với Aveda để mang phong cách sống xanh tới thủ đô Hà Nội.
Anh cho biết thêm, "Làm việc lâu năm trong lĩnh vực này, việc sử dụng sản phẩm làm đẹp thuần chay và góp phần mang tới phong cách sống xanh, làm đẹp bền vững là cách mà tôi chia sẻ những giá trị nhân văn, đóng góp cho cộng đồng."