Đất nước Nam Á này thực chất đã vượt Trung Quốc để trở thành quốc gia đông dân nhất hành tinh

Linh Anh | 10:27 18/01/2023

Theo Tạp chí Dân số Thế giới, Ấn Độ đã nhiều hơn Trung Quốc 5 triệu người.

Đất nước Nam Á này thực chất đã vượt Trung Quốc để trở thành quốc gia đông dân nhất hành tinh

Ấn Độ có thể đã vượt qua Trung Quốc trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới, một cột mốc quan trọng khiến Chính quyền của Thủ tướng Narendra Modi phải khẩn trương tạo thêm việc làm và đảm bảo duy trì tốc độ tăng trưởng cao bậc nhất thế giới.

Tạp chí Dân số Thế giới, một tổ chức độc lập chuyên trách điều tra dân số và nhân khẩu học, tin rằng dân số của quốc gia Nam Á này vào khoảng 1,417 tỷ người vào cuối năm 2022. Con số này cao hơn một chút so với 1,412 tỷ người mà Trung Quốc công bố hôm 17/1, ghi nhận lần đầu tiên sụt giảm kể từ những năm 1960.

Trong khi đó, Ấn Độ, nơi một nửa dân số dưới 30 tuổi, sẽ trở thành nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới trong những năm tới. Để tận dụng tối đa lợi tức nhân khẩu học, Chính quyền của Thủ tướng Modi cần tạo việc làm cho hàng triệu người gia nhập lực lượng lao động mỗi năm khi quốc gia này trở nên công nghiệp hóa hơn.

Trước đó, Liên Hợp Quốc cho rằng dân số Ấn Độ sẽ vượt Trung Quốc vào cuối năm nay. Tuy nhiên, tính đến ngày 18/1, dân số Ấn Độ đã đạt 1,423 tỷ người.

Một ước tính khác từ nền tảng nghiên cứu Macrotrends cho rằng dân số Ấn Độ hiện đã đạt 1,428 tỷ người. Quốc gia này đã không công bố dữ liệu điều tra dân số mỗi thập kỷ 1 lần vào năm 2021 sau khi việc thu thập thông tin bị gián đoạn do đại dịch.

Các nhà phân tích cùng chia sẻ nhận định rằng tạo việc làm và trả lương cho lực lượng lao động khổng lồ đang là áp lực rất lớn với Chính quyền Thủ tướng Modi. Và đó cũng chính là chìa khóa để giúp ông có thể chiến thắng trong cuộc đua tái tranh cử chức Thủ tướng vào tháng 5/2024. Ông đang nỗ lực cải thiện tỷ trọng sản xuất trong nền kinh tế lên 25% từ mức 14% hiện nay.

Tuy nhiên, nhiệm vụ đó có vẻ không dễ dàng. Bất chấp tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng của Ấn Độ trước Covid-19 và khả năng phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch, khoảng 800 triệu dân Ấn Độ vẫn dựa vào chương trình lương thực miễn phí của Chính phủ. Điều này biến Ấn Độ trở thành quốc gia có chương trình trợ cấp lương thực lớn nhất thế giới.

Hiện tại, nền kinh tế lớn thứ 3 châu Á đang tự túc trong sản xuất lương thực. Thậm chí, họ còn nhà xuất khẩu gạo, lúa mì và đường lớn thứ 2 thế giới. Tuy nhiên, Ấn Độ cũng là nước tiêu thụ đường lớn nhất và nhập khẩu dầu ăn nhiều hàng đầu. Ngoài ra, vàng, thép và nguyên liệu cũng là những mặt hàng được Ấn Độ nhập khẩu nhiều nhất. Với gần 1,5 tỷ dân, Ấn Độ có thị trường hàng không nội địa lớn thứ 3 toàn cầu.

Mặc dù tốc độ tăng dân số của Ấn Độ đã chậm lại nhưng WPR dự kiến con số này sẽ tiếp tục tăng cho ít nhất là năm 2050.

Mặt khác, Trung Quốc đang chứng kiến sự suy giảm nhẹ, điều mà Nhà kinh tế Eric Zhu của Bloomberg đã mô tả là “cơn gió ngược tăng trưởng trong một thời gian dài”. Dân số Trung Quốc cũng đã giảm 850.000 người vào năm 2022 so với một năm trước.

Liên Hợp Quốc ước tính rằng hơn một nửa mức tăng dân số toàn cầu dự kiến từ năm 2022 đến 2050 chỉ tập trung ở 8 quốc gia là Congo, Ai Cập, Ethiopia, Ấn Độ, Nigeria, Pakistan, Philippines và Tanzania.

Tham khảo: Bloomberg

Bài liên quan

(0) Bình luận
Đất nước Nam Á này thực chất đã vượt Trung Quốc để trở thành quốc gia đông dân nhất hành tinh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO