Đánh thuế bất động sản: Dự định 20 năm chưa hồi kết

Lê Sáng | 09:10 01/10/2024

Theo GS.TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT, ý tưởng đánh thuế với người sở hữu nhiều nhà, đất không mới, từng đưa ra cách đây gần 20 năm nhưng tới nay vẫn chưa triển khai vì còn nhiều vướng mắc.

Đánh thuế bất động sản: Dự định 20 năm chưa hồi kết
Theo giới chuyên gia, việc chưa có sắc thuế bất động sản là một trong những nguyên nhân chính hình thành các KĐT "ma" với hàng ngàn biệt thự bỏ hoang suốt hàng thập kỷ dù vẫn được định giá "triệu đô". Ảnh minh họa.

Trong báo cáo gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ Xây dựng từng đề xuất chính sách đánh thuế với trường hợp sở hữu, sử dụng nhiều nhà, đất nhằm hạn chế đầu cơ, mua đi bán lại trong thời gian ngắn để kiếm lời.

Trong cuộc họp báo thường kỳ quý III/2024 của Bộ Tài chính vừa diễn ra, thông tin về việc nghiên cứu sắc thuế bất động sản, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi đã cho biết, Bộ Tài chính hoàn toàn đồng tình với đề xuất đánh thuế với người sở hữu nhiều nhà, đất của Bộ Xây dựng.

Tuy nhiên, theo ông Chi, chính sách thuế bất động sản cần được tiếp cận một cách một cách tổng thế và toàn diện, đồng bộ với các chính sách khác như đất đai, quy hoạch, tài chính… để đảm bảo hiệu quả nhằm phát triển một thị trường minh bạch, bền vững.

Bình luận về câu chuyện đánh thuế đối với bất động sản thứ hai, thứ ba,… nhằm hạn chế tình trạng đầu cơ trục lợi và giúp lành mạnh hóa thị trường, GS.TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT cho rằng trong 20 năm qua đã có 3 nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương hướng tới đổi mới về sửa luật đất đai nhưng đến nay mọi ý tưởng vẫn đang còn “trên giấy”.

gs.-dang-hung-vo.jpg
GS.TSKH Đặng Hùng Võ

Cụ thể, các Nghị quyết 26 năm 2003, Nghị quyết 19 năm 2012 và Nghị quyết 18 năm 2022 đều nói điểm rất quan trọng phải làm ngay là hình thành luật thuế về bất động sản, để đánh mức thuế cao hơn với người sở hữu nhiều nhà, đất không đưa vào sử dụng và các hành vi có tính đầu cơ, tích trữ về đất đai.

"Những điều này không mới và đã được đưa ra trong nghị quyết của Trung ương, tuy nhiên, tôi không hiểu sau 20 năm qua không thực hiện được. Khi chuẩn bị luật Đất đai 2003, tôi từng đề nghị việc sửa luật đất đai phải đồng thời xây dựng luật thuế bất động sản, nhưng 20 năm qua cũng chưa thấy triển khai", GS. Đặng Hùng Võ chia sẻ.

Theo vị nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT, vấn đề mấu chốt trong bài toán đánh thuế bất động sản là thu thuế như thế nào và cơ sở nào để việc thu thuế thực sự khả thi.

Về cách thức thu thuế, theo GS. Võ, lâu nay nhiều người muốn học cách đánh thuế của Singapore là người mua nhà ở thứ 2, thứ ba hoặc hơn nữa thì bị đánh thuế cao hơn. Nhưng đặc thù của Việt Nam khác với Singapore, trong trường hợp ngôi nhà thứ nhất giá trị rất lớn, còn nhà thứ 2 giá trị rất bé chả lẽ chỉ thu thuế ngôi nhà thứ 2 mà bỏ qua nhà thứ nhất.

Bên cạnh đó, theo GS. Võ, một số nước khác hiện thu thuế từ 1 - 1,5% giá trị với tất cả trường hợp sở hữu nhà, đất. Nhưng với Việt Nam, thu nhập người dân đang còn thấp, nếu thu mức này thì người dân không chịu nổi. Phải nghiên cứu sắc thuế phù hợp với Việt Nam có thể thu thuế dựa trên giá trị nhà, đất hoặc diện tích sở hữu, đảm bảo mục tiêu vừa chống đầu cơ bất động sản vừa đảm bảo an sinh xã hội.

Thứ nhất, về cơ sở hạ tầng để thu thuế, GS. Đặng Hùng Võ Võ cho rằng, hạ tầng quản lý còn yếu, cơ sở dữ liệu đất đai chưa hình thành một cách đầy đủ. Hiện chỉ mới Đồng Nai có cơ sở dữ liệu đất đai tương đối đầy đủ, còn các địa phương khác chỉ mới làm được một số diện tích nhất định.

"Một người có hàng trăm bất động sản tại rất nhiều tỉnh khác nhau thì tính thuế ra sao vì chưa có cơ sở dữ liệu bất động sản cả nước. Chỉ một ví dụ nhỏ như việc chuyển từ thuế chuyển quyền sở hữu nhà đất thành thuế thu nhập từ chuyển quyền đến nay vẫn chưa làm được do không tính được thu nhập nên không áp dụng được thuế, vẫn phải áp dụng mức 2% như thuế chuyển quyền”, GS. Võ đặt vấn đề.

Thứ hai, theo GS. Đặng Hùng Võ, có những tư duy quản lý phải được thống nhất mới có thể áp dụng được sắc thuế này như việc liệu có công khai danh tính các chủ sở hữu bất động sản trên phạm vi cả nước hay chỉ công khai với cơ quan thuế? Nếu chỉ công khai với cơ quan thuế thì người dân sẽ giám sát đảm bảo minh bạch ra sao?

Trong trường hợp việc công khai vi phạm quyền riêng tư trong Hiến pháp thì phải sửa đổi, bổ sung trong hiến pháp, trong luật định. Việc chứng minh được nguồn gốc tài sản công khai mới tránh được việc lách chuyển tên, đứng tên hộ bất động sản.

"Nói cách khác, ta phải thông với nhau về mặt tư tưởng, có thành chủ trương người có bất động sản phải giải trình nguồn gốc tài sản và thu nhập. Ngoài chuyện sắc thuế hợp lý với hoàn cảnh kinh tế - xã hội và thu nhập người dân, còn là câu chuyện lấy nguồn tiền nào, tài sản nào để sở hữu, xây được bất động sản đó. Điều này phải làm được mới tạo được điều kiện cần để đánh thuế bất động sản", GS. Đặng Hùng Võ nêu quan điểm.

Đánh giá chung về việc xây dựng chính sách thuế bất động sản sau 20 năm lên ý tưởng vẫn chưa thành hình, GS. Đặng Hùng Võ nhận định còn rất nhiều việc phải làm, từ các chính sách lớn về chống tham nhũng, hạ tầng quản lý phải đủ sức để đánh thuế bất động sản đầy đủ, cương quyết.


(0) Bình luận
Đánh thuế bất động sản: Dự định 20 năm chưa hồi kết
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO