Làm giàu nhờ nghề rèn đồng
Lương Hưng Khánh là 1 cụ ông đến từ Hà Nam, Trung Quốc, năm nay đã 80 tuổi. Người đàn ông này xuất thân trong 1 gia đình nông dân bình thường, cả đời sống bình yên, an nhàn. Vào năm 1963, cụ ông nhặt được 1 chiếc gương đồng cổ khi đang đi làm nông. Sau khi nhặt đồ vật này về, ông Lương Hưng Khánh đã rửa sạch sẽ, để lộ ra những chi tiết chạm trổ tinh xảo, bắt mắt.
Lần đầu nhặt được đồ cổ, ông Lương Hưng Khánh rất tò mò về các đường nét văn hoa được chạm khắc trên đó. Ông còn phát hiện có 1 khoảng trống trên mép chiếc gương đồng và quyết định sẽ khắc lên đó những hoa văn mới. Thực chất, từ trước đến nay người đàn ông này không hề tìm hiểu về nghệ thuật chạm khắc trên đồ đồng. Thế nhưng ông lại rất hứng thú với lĩnh vực này nên không nỡ vứt món đồ cổ ấy đi.
Sau 1 thời gian tìm hiểu, Lương Hưng Khánh đã chủ động tìm đọc những cuốn sách liên quan tới lĩnh vực này. Tuy nhiên, cụ ông 80 tuổi hiểu rằng sửa chiếc gương đồng không phải công việc đơn giản. Vì vậy, ông nhanh chóng mang món đồ cổ này tới 1 tiệm rèn ở địa phương và nhờ chủ tiệm giúp đỡ.
Đồ cổ mà ông Lương vô tình nhặt được. Ảnh: Toutiao
Cuối cùng, cụ ông cũng tìm ra cách làm mới chiếc gương đồng và chạm khắc lên đó những văn hoa mà ông sáng tạo nên. Khi sản phẩm được hoàn thiện, ông Lương bán với giá 100 NDT (300 nghìn đồng). Thời điểm đó, 100 NDT là số tiền khá lớn mà vẫn có người chịu “rút hầu bao” để mua chiếc gương cổ.
Sau khi bán được chiếc gương đồng, ông Lương được vợ ủng hộ và khuyến khích. Ông bắt đầu rèn nhiều đồ đồng, khéo léo chạm khắc thêm các mẫu hoa văn mới mẻ để hút khách. Không lâu sau đó, cụ ông này trở nên nổi tiếng trong vùng vì sản xuất nhiều đồ đồng có mẫu mã đẹp, ấn tượng lại bền đẹp. Các sản phẩm như mâm đồng, gương đồng, lư đồng… đều được người dân trong vùng ưa chuộng.
Ông Lương truyền nghề cho nhiều người trong làng để họ có cuộc sống tốt đẹp hơn. Ảnh: Toutiao
Khi nhiều người tìm tới, ông Lương nảy ra ý định sẽ dạy miễn phí cho dân làng về việc rèn đồ đồng và chạm khắc hoa văn. Nhờ cụ ông này mà nhiều người trong làng có công ăn việc làm ổn định, có thu nhập hàng tháng nuôi sống gia đình.
Bị cảnh sát triệu tập vì nghi ngờ phạm pháp
Tuy nhiên, 1 biến cố đến với ông Lương Hưng Khánh và dân làng sau khi họ sản xuất ồ ạt các sản phẩm làm bằng đồng thau. Năm 1981, Hải quan Thượng Hải đã thu giữ một số lượng lớn di vật văn hóa lậu. Khi cảnh sát chuẩn bị bắt giữ kẻ buôn lậu, hắn nói rằng những món đồ này đều do ông Lương tạo ra. Vì vậy, cụ ông 80 tuổi bị cảnh sát triệu tập để lấy lời khai.
Lúc này, ông Lương giải thích các mẫu đồ đồng mà ông và dân làng làm không liên quan gì đến di vật văn hóa. Đây là đồ thủ công mà dân làng sáng tạo nên và bán ra ngoài thị trường với mức giá phải chăng. Vì vậy, ông không liên quan gì tới vụ việc buôn lậu di vật văn hóa mà cảnh sát đang quan tâm.
Sau lời giải thích chân thành, ông Lương cùng dân làng được ra về. Họ tiếp tục phát triển làng nghề rèn đồ đồng và tạo ra những món đồ có văn hoa tinh tế, mang đậm nét đặc trưng của vùng. Tới năm 2020, số tiền mà cả làng thu được nhờ bán đồ đồng là 160 triệu NDT (tương đương 500 tỷ đồng).
Cả làng đã dựa vào sức lao động của chính mình để thoát nghèo và có cuộc sống khá giả. Từ đó, ông Lương cũng được coi là 1 người có công trong làng vì đã “khai sáng” con đường kinh doanh, giúp họ ổn định cuộc sống.
Theo Toutiao