Đại hội cổ đông ngân hàng, rộn ràng chuyện M&A

Văn Tuệ | 10:04 17/04/2023

Một số ngân hàng đã công bố những thương vụ bán vốn, bán công ty con cho các đối tác ngoại với giá trị lên đến hàng tỷ đô. Số khác lại chuẩn bị sáp nhập các định chế tài chính khác để mở rộng hệ sinh thái.

Đại hội cổ đông ngân hàng, rộn ràng chuyện M&A

Mới đây, Ngân hàng TMCP Phát triển TPHCM (HDBank - HDB) vừa bổ sung một tờ trình đại hội cổ đông thường niên năm 2023. Theo đó, ban lãnh đạo ngân hàng đề nghị đại hội cổ đông thông qua chủ trương góp vốn, mua cổ phần một công ty trong lĩnh vực chứng khoán và để doanh nghiệp này trở thành công ty con của HDBank.

HDBank cho rằng, lĩnh vực chứng khoán, ngân hàng đầu tư là một trong những trọng tâm phát triển trong tương lai. Việc đầu tư vào công ty chứng khoán có thể giúp HDBank mở rộng và khai thác hiệu quả hơn nữa tệp khách hàng hiện hữu, thông qua việc cung cấp các dịch vụ như: tư vấn phát hành, tư vấn tài chính, tái cấu trúc doanh nghiệp… Ngoài ra, HDBank còn có cơ hội bán chéo sản phẩm, cung cấp dịch vụ thu chi hộ..., từ đó gia tăng doanh thu và lợi nhuận cho ngân hàng.

Công ty chứng khoán mà HDBank dự định đầu tư sẽ cần đáp ứng một số điều kiện như vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng, có lợi nhuận trong 3 năm liên tiếp gần nhất và đáp ứng các quy định của pháp luật.

Hôm 13/04 vừa qua, tại đại hội cổ đông Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), nhà đầu tư cũng đã nêu thắc mắc với ban lãnh đạo về lộ trình sáp nhập các đơn vị khác trong cùng ngành, mở thêm chi nhánh mới và lộ trình bán vốn tại ACBS. Chủ tịch Hội đồng Quản trị ACB Trần Hùng Huy cho biết, trong nhiều năm trở lại đây chưa có một ngân hàng phù hợp để M&A (mua bán sáp nhập). ACB vẫn tập trung thị trường nội địa, chưa có ý định mở thêm chi nhánh nước ngoài.

“Trước đó, ngân hàng có chủ trương tìm kiếm đối tác để phát triển ACBS. Tuy nhiên, đại dịch Covid đã khiến kế hoạch này bị hoãn lại. Ngân hàng vẫn có nhu cầu tìm kiếm các đối tác có năng lực bổ trợ cho tập đoàn trên tình thần hợp tác win win. Nếu có đối tác ban lãnh đạo sẽ trình cổ đông xem xét ngay”, ông Huy chia sẻ.

Tại ĐHĐCĐ thường niên của Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) hôm 11/04, ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch HĐQT ngân hàng đã lần đầu thông tin về giá trị của thương vụ bán SHB Finance cho đối tác nước ngoài.

Theo ông Hiển, SHB và đối tác Krungsri đang hoàn tất các thủ tục hành chính cuối cùng trong thương vụ bán SHB Finance hồi 2021. Dự kiến trong tháng 4 này, 2 bên sẽ hoàn thành các thủ tục và sang tháng 5, đối tác sẽ trả 50% giá trị thương vụ, phần còn lại sẽ thanh toán vào 3 năm sau.

Đại diện ngân hàng cho biết thêm, về nguyên tắc, thỏa thuận trong thương vụ không cho phép SHB công bố con số chi tiết, song các trang báo đã công bố con số chính xác về thương vụ. 

Trước đó, Krungsri từng tiết lộ ngân hàng này sẽ chi 5,1 tỷ baht Thái, tương đương 156 triệu USD (~3.500 tỷ VND) để mua lại SHB Finance. Theo con số này, đây sẽ là thương vụ có quy mô lớn thứ hai trong ngành tài chính Việt Nam.

Hôm 08/04 vừa qua, Petrolimex đã hoàn thành việc thoái 40% vốn tại  PGBank. Đồng thời, ngân hàng cũng đón 4 nhà đầu tư mới, trong đó, có 3 cổ đông tổ chức và 1 cá nhân.

Hồi cuối tháng 3, MSB đã công bố tài liệu đại hội cổ đông thường niên năm 2023. Theo đó, MSB kiến nghị cổ đông cho phép sáp nhập một tổ chức tín dụng tại Việt Nam.

Ngân hàng cho biết mục đích của việc nhận sáp nhập nhằm tận dụng được hệ thống mạng lưới, nhân sự cũng như các hoạt động nghiệp vụ của ngân hàng nhận sáp nhập nhằm hướng tới việc tăng quy mô hoạt động của MSB, triển khai thành công chiến lược số hóa ngân hàng. Điều này cũng phù hợp với chủ trương của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước về việc cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng, gắn liền với xử lý nợ xấu. Bên cạnh đó, MSB đã có kinh nghiệm từ năm 2015 nhận sáp nhập thành công Ngân hàng TMCP Phát triển Mekong (MDB), mua lại Công ty Tài chính Dệt may cũng như việc hỗ trợ các quỹ tín dụng nhân dân theo chỉ đạo của NHNN.

Ban lãnh đạo ngân hàng dự kiến, TCTD sáp nhập vào MSB là một ngân hàng thương mại đang hoạt động bình thường ở Việt Nam, với các tiêu chí về tổng giá trị tài sản, vốn chủ sở hữu ở mức trung bình trên thị trường, có chất lượng tín dụng tốt.

Cách đó không lâu, VPBank công bố thương vụ bán thành công 15% vốn điều lệ cho tập đoàn tài chính SMBC Nhật Bản với giá gần 36 nghìn tỷ đồng. SMBC không phải là một đối tác xa lạ của VPBank. Trước đó, 49% vốn của FE Credit (công ty con của VPBank) cũng đã được bán cho công ty tài chính tiêu dùng SMBC (một thành viên của tập đoàn SMBC). Tính đến thời điểm hiện tại, đây là thương vụ M&A có quy mô lớn nhất ngành tài chính Việt Nam với giá trị giao dịch lên đến 1,4 tỷ USD.


(0) Bình luận
Đại hội cổ đông ngân hàng, rộn ràng chuyện M&A
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO