Doanh nhân Trần Văn Kỳ Hateco Group
Ngày 5/4, UBND TP.Hải Phòng phối hợp cùng Tập đoàn Hateco tổ chức lễ khánh thành Cảng container quốc tế Hateco Hải Phòng (HHIT) tại khu bến cảng Lạch Huyện. Đây là một trong những dự án hạ tầng cảng biển nước sâu tại Việt Nam được đầu tư hoàn toàn bằng nguồn vốn tư nhân.
Nhà đầu tư của dự án này là CTCP tập đoàn Hateco của doanh nhân người Thái Bình - Trần Văn Kỳ (sinh năm 1964).

Năm 2004, ông Trần Văn Kỳ thành lập Công ty CP Đầu tư hạ tầng và công trình kiến trúc Hà Nội, tiền thân của Hateco Group sau này. Dưới sự dẫn dắt của ông, công ty triển khai dự án bất động sản đầu tiên với diện tích 12ha và tổng mức đầu tư gần 3.000 tỷ đồng tại Thái Bình vào năm 2005.
Mặc dù gặp phải thời kỳ khó khăn của thị trường bất động sản, nhưng nhờ chiến lược định giá đất hợp lý và sự nhạy bén, ông Kỳ đã dẫn dắt công ty vượt qua giai đoạn băng giá và tiếp tục thành công với nhiều dự án lớn.
Năm 2014, Khu đô thị Trần Lãm (Thái Bình) chính thức được bàn giao và đi vào hoạt động. Dự án có tổng vốn đầu tư lên tới 3.000 tỷ đồng, cung cấp gần 700 căn biệt thự, liền kề.
Thành công này tiếp nối cho nhiều dự án khác mà ông Kỳ đã dẫn dắt doanh nghiệp triển khai tại Hà Nội như Hateco Hoàng Mai, Hateco Apollo, Hateco Green City, Hateco Green Park và Hateco Laroma và sau đó là các tỉnh thành khác như Quảng Ninh, Hải Phòng, Bắc Ninh, Lào Cai.
Năm 2019, Công ty CP Đầu tư hạ tầng và công trình kiến trúc Hà Nội chính thức chuyển sang tên gọi Hateco Group, không chỉ mạnh về bất động sản mà còn mở rộng sang lĩnh vực logistics với Hateco Logistics, bắt đầu đầu tư mạnh mẽ một số dự án cho thuê kho bãi, hải quan và cung cấp dịch vụ kiểm định hàng hóa, chợ thương mại, cửa hàng cho một số thương hiệu nước ngoài và phát triển cảng biển, minh chứng là việc đầu tư vào Khu công nghiệp Bắc Tiền Phong và cảng Lạch Huyện.
Năm 2021, Hateco tiến vào Hải Phòng và trở thành doanh nghiệp tư nhân đầu tiên được giao triển khai cảng nước sâu khi Chính phủ phê duyệt đầu tư xây dựng dự án bến số 5, số 6 bến cảng Lạch Huyện.
Về kết quả kinh doanh, năm 2021, doanh nghiệp báo lãi sau thuế hơn 71 tỷ đồng, năm 2022 mức lợi nhuận tăng vọt lên 421 tỷ đồng. Kết thúc năm 2022, vốn chủ sở hữu của Hateco Group giảm nhẹ so với năm 2021 xuống mức hơn 7.444 tỷ đồng. Nợ phải trả ở mức hơn 2.760 tỷ đồng, trong đó, dư nợ trái phiếu là hơn 300 tỷ đồng.
Năm 2023, Hateco ghi nhận khoản lợi nhuận sụt giảm gần 80% so với cùng kỳ xuống còn hơn 86 tỷ đồng (năm 2022 ghi nhận 421 tỷ đồng).
Thời điểm kết thúc năm 2023, vốn chủ sở hữu của Hateco đang ở mức hơn 7.497 tỷ đồng tăng nhẹ so với thời một năm trước. Cùng chiều, nợ phải trả của doanh nghiệp tính đến cuối năm tăng vọt lên mức hơn 5.200 tỷ đồng. Hết năm 2023, Hateco Group đã đưa dư nợ trái phiếu về 0.
Quy mô Cảng container quốc tế Hateco Hải Phòng (HHIT)
Được khởi công từ tháng 8/2022, sau hơn 30 tháng thi công, với hơn 1.500 nhân công và sự phối hợp của 100 nhà thầu, tư vấn, dự án được triển khai liên tục, dự án đã hoàn thành vượt tiến độ 2 tháng.
Với quy mô gần 73ha, trong đó, bến chính dài 900m và bến sà lan 300m, Cảng Container Quốc tế Hateco Hải Phòng có khả năng tiếp nhận đồng thời 2 tàu container lớn nhất thế giới, công suất khai thác đạt 2,2 triệu TEU/năm, khẳng định vị thế là cảng nước sâu lớn nhất và hiện đại nhất miền Bắc.

Cảng Hateco sở hữu 10 cẩu bờ STS (ship-to-shore) tầm với 24 hàng container, cùng 36 cẩu e-RTG chạy điện, giúp nâng hạ hàng hóa nhanh chóng, chính xác và tiết kiệm năng lượng. Hệ thống 1.350 ổ cắm container lạnh sẵn sàng đáp ứng nhu cầu lưu trữ và bảo quản hàng hóa đặc biệt, đảm bảo chuỗi cung ứng không gián đoạn.
Theo Hateco, Cảng Container Quốc tế Hateco Hải Phòng là đơn vị đầu tiên tại Việt Nam triển khai ứng dụng TAS (Truck Appointment System), nền tảng đặt lịch hẹn xe container, giúp tài xế chủ động thời gian ra vào cảng, tiết kiệm thời gian và nâng cao trải nghiệm vận hành.
Tiếp nối sau dự án cảng biển ở miền Bắc, Hateco tiếp tục nghiên cứu triển khai đầu tư các dự án cảng biển quốc tế tại miền Trung và miền Nam của Việt Nam, tạo thành chuỗi logistics liên hoàn 3 miền, vận chuyển hàng hoá, phục vụ cho nền kinh tế quốc gia và tạo dựng tương lai cho nhiều thế hệ.