Mặc dù chỉ là một bộ phận nhỏ trong các thiết bị và phương tiện, chip bán dẫn được coi là “xương sống” của kỷ nguyên công nghệ. Từ các thiết bị điện tử đến ô tô hay máy tính đều cần bộ phận này. Năm 2021, doanh thu ngành bán dẫn toàn cầu đã đạt 551 tỷ USD và được dự báo sẽ vượt 1.000 tỷ USD vào năm 2031. Tại Việt Nam, doanh thu ngành công nghiệp điện tử, bán dẫn năm 2021 đạt 130 tỷ USD.
Những bước phát triển tốt đẹp trong quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ thời gian qua đã mở ra rất nhiều cơ hội, bao gồm phát triển khoa học công nghệ và các ngành công nghiệp mới, cụ thể là công nghiệp bán dẫn. Đây cũng là lĩnh vực được nhiều bên đề cập tại Hội nghị gặp mặt cộng đồng doanh nghiệp đầu tư nước ngoài diễn ra hôm 16/10, do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì.
Ông Gaur Dattatreya - Giám đốc Điều hành Công ty TNHH Bosch Global Software Technologies cho biết Bosch đã có mặt tại Việt Nam gần 30 năm với mức độ cam kết và hiện diện ngày càng sâu rộng. 4 lĩnh vực kinh doanh chính bao gồm công nghệ di động; công nghệ công nghiệp; điện gia dụng, công nghệ năng lượng và tòa nhà.
Theo ông Dattatreya, có 2 điểm chính mà ông tin là tối quan trọng cho sự phát triển bền vững của Việt Nam, cũng như sự thành công của cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài. Trước hết là tầm quan trọng của công cuộc phát triển nguồn nhân lực.
“Tại Bosch, chúng tôi có một phương châm lâu đời: Lấy con người làm trung tâm – và phương châm đó ngày càng có giá trị theo thời gian. Tháng 4/2023, Bosch tổ chức kỷ niệm hai cột mốc quan trọng: 15 năm thành lập nhà máy công nghệ cao tại Đồng Nai và 10 năm thành lập Trung tâm đào tạo nghề kỹ thuật công nghiệp TGA.
Chúng tôi cũng có kế hoạch cụ thể tiếp tục đầu tư vào nguồn nhân lực chất lượng cao tại Việt Nam cho các lĩnh vực mới như chất bán dẫn hay thiết kế chip”, Giám đốc Bosch Global Software Technologies cho biết.
Ông phân tích rằng con người là tác nhân quan trọng của sự thay đổi, là yếu tố quyết định để tạo nên khác biệt về triển vọng kinh tế của các quốc gia. Ngoài ra, chất lượng nguồn nhân lực là một trong những yếu tố chính ảnh hướng đến quyết định đặt hay dịch chuyển căn cứ của các tập đoàn đa quốc gia.
“Chính vì vậy, chúng tôi chân thành khuyến nghị Chính phủ cân nhắc và có kế hoạch cụ thể để phát triển nguồn nhân lực của các ngành công nghệ cao trọng điểm”, đại diện của Bosch nhấn mạnh.
Tương tự quan điểm từ phía Bosch, ông Phùng Việt Thắng – đại diện Intel Việt Nam cũng trình bày rằng nguồn nhân lực cho ngành bán dẫn là vấn đề lớn đầu tiên mà doanh nghiệp rất cần sự hỗ trợ của Chính phủ, bộ, ngành.
“Vấn đề nhân lực này không chỉ nằm ở năng lực của người kỹ sư, người lao động mà còn cần cả một chính sách liên quan đến đào tạo nguồn cung sớm cho ngành bán dẫn. Để làm được điều này, tôi cho rằng cần nhiều sự quyết tâm của các bộ, ngành”, ông Thắng nêu quan điểm.
Về phía doanh nghiệp trong nước, ông Trương Gia Bình – Chủ tịch Tập đoàn FPT đề cập hiện nay Việt Nam là điểm đến hấp dẫn nhờ môi trường ổn định, hoà bình và nhất quán về những mục tiêu phát triển bền vững, cũng là nền kinh tế mang lại rất nhiều cơ hội.
Ông nhấn mạnh tương tự một số nước khác như Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc,… Việt Nam là quốc gia ham học hỏi.
“Tôi đã nói chuyện với rất nhiều nhà đầu tư và họ đánh giá cao khả năng học hỏi của nguồn nhân lực Việt Nam. Đó là yếu tố cần thiết cho mối quan hệ lâu dài và đầu tư công nghệ cao. Việt Nam ngày càng tập trung phát triển nguồn nhân lực tốt nhất. Chính phủ, Thủ tướng và cộng đồng đều rất quan tâm đến giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho những yêu cầu mới của nền kinh tế. Tôi hy vọng với tinh thần như vậy, mọi trở ngại sẽ được sớm xử lý và mang đến nhiều điều tích cực trong thời gian tới.
Liên quan nhu cầu phát triển chất bán dẫn, các doanh nghiệp cần bao nhiêu nguồn nhân lực thì các viện nghiên cứu, các trường đại học, cơ sở giáo dục của Việt Nam sẵn sàng đào tạo và cung cấp nguồn "tài nguyên nhân lực" vô giá cho các doanh nghiệp”, Chủ tịch FPT khẳng định.