Đại biểu Quốc hội “trăn trở” về công tác thanh tra khi hàng nhái, hàng giả tràn lan

An Nam | 18:26 22/05/2025

Đánh giá công tác thanh kiểm tra, kiểm soát thị trường còn nhiều hạn chế dẫn đến tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng tràn lan, các Đại biểu Quốc hội kiến nghị cần sớm có giải pháp kịp thời.

Đại biểu Quốc hội “trăn trở” về công tác thanh tra khi hàng nhái, hàng giả tràn lan
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan. Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội

Theo chương trình làm của Kỳ họp thứ 9 - Quốc hộ khóa XV, ngày 22/5, thảo luận tại Quốc hội về dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi), đại biểu Phạm Khánh Phong Lan đánh giá dự luật tập trung kiểm soát nguy cơ lạm quyền, tiêu cực của lực lượng thanh tra, nhưng lại chưa có giải pháp tăng cường thực quyền để lực lượng này hoạt động hiệu quả hơn.

"Cơ chế hiện hành đang trói tay trói chân thanh tra, nhất là trong những vụ việc cần hành động bất ngờ như kiểm tra sữa giả, thuốc giả, thực phẩm chức năng giả", bà Phong Lan nêu quan điểm.

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan dẫn chứng việc thanh tra thường phải thực hiện theo kế hoạch định sẵn, công khai từ đầu năm, phải thông báo trước cho đối tượng được thanh tra. Chính điều này đã làm mất đi yếu tố bất ngờ - yếu tố sống còn trong các vụ thanh tra hàng giả.

Theo bà Lan, thực tế thời gian qua, "thanh tra đi đến đâu, hàng hóa bị giấu sạch đến đó", "rất khó bắt quả tang khi thanh tra mà rầm rộ thông tin".

Bên cạnh đó, bà Lan cũng chỉ ra tình trạng vi phạm hành chính không bị xử lý triệt để. Nhiều cá nhân, tổ chức sau khi bị xử phạt hành chính thì không nộp phạt, thậm chí lập cơ sở mới để hoạt động trở lại mà chưa có chế tài ngăn chặn hiệu quả.

Từ thực tế này, bà Lan kiến nghị sửa luật theo hướng trao thêm quyền chủ động cho lực lượng thanh tra, nhất là trong các trường hợp cần kiểm tra đột xuất.

Cũng liên quan đến công tác thanh kiểm tra, đại biểu Đoàn Thị Lê An - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Cao Bằng cho biết không đồng tình với quy định "kế hoạch thanh tra phải lấy ý kiến Thanh tra Chính phủ và báo cáo Chủ tịch UBND cấp tỉnh trước khi ban hành" do quy trình này không phù hợp tinh thần phân cấp, phân quyền trong cải cách hành chính.

Theo bà An, Chính phủ hiện đã ban hành định hướng công tác thanh tra hàng năm; các tỉnh căn cứ tình hình thực tế để phê duyệt kế hoạch thanh tra là đủ. Việc lấy ý kiến thêm một lần nữa sẽ kéo dài thủ tục không cần thiết. Do đó bà An đề nghị Ban soạn thảo chỉnh sửa để đảm bảo tính chủ động cho địa phương.

Theo dự thảo, cuộc thanh tra do Thanh tra Chính phủ tiến hành có thời hạn không quá 60 ngày làm việc; trường hợp phức tạp có thể gia hạn một lần không quá 30 ngày; nếu đặc biệt phức tạp thì có thể gia hạn lần thứ hai, cũng không quá 30 ngày. Như vậy, tổng thời gian có thể lên tới 120 ngày làm việc. Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng thời hạn thanh tra kéo dài quá mức cần thiết, ảnh hưởng tới hoạt động bình thường của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.

chong-hang-gia-copy-1747305454580719503963.jpg

Hiện nay, Chính phủ đang đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng, chống hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng trên thị trường.

Phát biểu chỉ đạo tại tại cuộc họp Thường trực Chính phủ chiều 19/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đặt vấn đề thẳng thắn về tình trạng buôn lậu, làm hàng trăm tấn hàng giả mà cơ quan chức năng không biết, trong khi việc này cần kho bãi, vận chuyển, mua bán.

"Chỉ có hai khả năng: hoặc không còn ý chí chiến đấu, hoặc bị mua chuộc, có tiêu cực. Cả hai điều này đều phải xử lý nghiêm", Thủ tướng nêu rõ.

Cũng trong ngày 19/5, chủ trì Phiên họp thứ nhất Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về cao điểm đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải tiến hành kiểm tra ngay khi người dân phản ánh có tình trạng buôn bán, sản xuất, tiêu thụ hàng giả, hàng kém chất lượng; xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm.

Thời gian qua, các cơ quan chức năng đã liên tục có những động thái vào cuộc mạnh mẽ “tuyên chiến” với tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.

Ngày 19/5, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C01) đã khởi tố, bắt tạm giam Nguyễn Thúc Thùy Tiên (26 tuổi) về hành vi "Lừa dối khách hàng" liên quan đến vụ sản xuất kẹo Kera của Công ty Chị Em Rọt. Trước đó, Nguyễn Thị Thái Hằng (Hằng Du Mục), Phạm Quang Linh (Quang Linh Vlogs) và hai người khác cũng đã bị bắt giữ.

Theo điều tra, Thùy Tiên góp 30% vốn vào công ty này. Công ty đã bán hơn 135.000 hộp kẹo Kera cho hơn 30.000 khách hàng, gian dối về thành phần bột rau (dùng loại hàm lượng thấp nhưng công bố cao) và không công bố chất tạo ngọt sorbitol, quảng cáo sai sự thật về công dụng sản phẩm.

Giữa tháng 4, Bộ Y tế thông tin trong đường dây sản xuất sữa giả vừa bị triệt phá, có 573 nhãn hiệu sữa kém chất lượng được công bố chất lượng tại nhiều địa phương. Khoảng 10% được công bố tại Chi cục An toàn thực phẩm Hà Nội, phần còn lại chủ yếu ở Hòa Bình, Vĩnh Phúc và một số tỉnh thành khác. Cơ quan điều tra cho biết đường dây này hoạt động với quy mô lớn, liên quan đến nhiều doanh nghiệp và cá nhân.

Trước đó, vào chiều 6/4, tại họp báo Chính phủ thường kỳ, Thứ trưởng Văn hóa Thể thao và Du lịch Lê Hải Bình cho biết với sự phát triển của mạng xã hội hiện nay, nhiều ca sĩ, diễn viên, người nổi tiếng tham gia quảng cáo sản phẩm trên không gian mạng rất phổ biến. Các hoạt động này được điều chỉnh bởi quy định pháp luật, trong đó có Luật Quảng cáo.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Đại biểu Quốc hội “trăn trở” về công tác thanh tra khi hàng nhái, hàng giả tràn lan
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO