Đã thua lỗ, nợ còn khó đòi

Hồng Minh | 10:58 16/10/2023

Trong giai đoạn kinh doanh khó khăn, nhiều doanh nghiệp đang bị mắc kẹt với các khoản nợ khó đòi, dẫn đến thiếu hụt dòng tiền, chậm trả các khoản nợ, tăng chi phí dự phòng… dẫn đến thua lỗ.

Đã thua lỗ, nợ còn khó đòi
Tòa Hangar tại sân bay Tân Sơn Nhất (nơi sửa chữa, bảo dưỡng tàu bay) - một trong những công trình của Lilama 45.3

Nội dung chính:

  • Tình hình thu hồi nợ giữa các doanh nghiệp ngày càng trở nên khó khăn, việc thưa kiện hoặc đề nghị tòa án mở thủ tục phá sản có thể sẽ dần trở nên phổ biến.
  • Phán quyết của tòa án có hiệu lực pháp lý, nhưng tình hình thực thi vẫn phụ thuộc các doanh nghiệp.
  •  Không thu hồi được nợ khiến các doanh nghiệp gặp áp lực tài chính: trích lập dự phòng, bị ngân hàng siết nợ do các khoản phải thu đã được dùng làm tài sản bảo đảm cho các khoản vay. 

Báo cáo mới nhất của Ngân hàng Nhà nước cho thấy nhiều yếu tố bất lợi như vụ việc của ngân hàng SCB, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, bất động sản đóng băng... đã đẩy tỷ lệ nợ xấu toàn hệ thống ngân hàng tăng vọt lên mức 3,56% vào cuối tháng 7. Đầu năm 2023, tỷ lệ này vẫn được ghìm giữ ở mức 2%. 

Nợ xấu được tính là các khoản nợ quá hạn thanh toán mà chưa được thanh toán. 

Không chỉ ngân hàng mới phải đối diện với các khoản nợ xấu. Các doanh nghiệp trong quá trình kinh doanh vẫn phát sinh các khoản phải trả (còn gọi là tín dụng thương mại), thông thường là không lãi suất. 

Khi các doanh nghiệp này gặp khó khăn, không thể thanh toán các khoản nợ phải trả đến hạn, các “chủ nợ” buộc phải trích lập dự phòng, được tính như một khoản chi phí quản lý. Các doanh nghiệp thường trì hoãn việc trích lập dự phòng để tránh các khoản chi phí này, và chịu ý kiến ngoại trừ của kiểm toán trong các báo cáo soát xét, báo cáo kiểm toán. 

Tháng 7/2023, Lilama 45.3 (HNX: L43) đệ đơn lên tòa án, yêu cầu mở thủ tục phá sản với Đức Long Gia Lai (HoSE: DLG), doanh nghiệp có quy mô tài sản gần 6.000 tỷ đồng, khi doanh nghiệp này trễ hạn thanh toán khoản nợ gần 20 tỷ đồng. Đây có thể sẽ là sự vụ đầu tiên trong rất nhiều tranh chấp sẽ xảy ra trong thời gian tới…

Kiện ra tòa - đề nghị mở thủ tục phá sản

Đức Long Gia Lai - doanh nghiệp có quy mô tài sản gần 6.000 tỷ đồng, đang phải đối mặt với việc buộc phải phá sản khi bị đề nghị tòa án mở thủ tục phá sản khi công ty không thanh toán cho Lilama 45.3 khoản nợ 20 tỷ đồng. Tòa án đã thông qua đề nghị này khi đánh giá Đức Long Gia Lai mất khả năng thanh toán, tuy nhiên công ty đã phản đối và đề nghị tòa án thu hồi quyết định.

Báo cáo bán niên soát xét của Lilama 45.3 cho thấy Đức Long Gia Lai còn nợ công ty này 31 tỷ đồng tại cuối quý II/2023. Đây là khoản nợ không quá lớn với Đức Long Gia Lai, so với quy mô tài sản công ty này, nhưng lại rất lớn với Lilama 45.3, doanh nghiệp có tổng tài sản chỉ hơn 360 tỷ đồng. 

Các khoản nợ khó thu là vấn đề mà kiểm toán báo cáo tài chính soát xét bán niên của Lilama 45.3 đưa ý kiến ngoại trừ. Kiểm toán cho biết họ chưa thể đánh giá khả năng thu hồi các khoản nợ tồn đọng của Lilama 45.3. Tính tới cuối quý II/2023, Lilama 45.3 có các khoản phải thu khách hàng tổng cộng 164 tỷ đồng, tương đương 45% giá trị tổng tài sản của công ty. 

Khoản phải thu với Đức Long Gia Lai mặc dù được khởi kiện để thu hồi, Lilama 45.3 vẫn không trích lập dự phòng hay đưa vào nhóm nợ xấu. Dù không ghi nhận chi phí dự phòng nợ xấu, Lilama 45.3 vẫn thua lỗ gần 10 tỷ đồng trong nửa đầu năm nay. 

Không chỉ thua lỗ, Lilama 45.3 còn chậm thanh toán ngân hàng khoản nợ gốc 30 tỷ đồng và 10,5 tỷ đồng tiền lãi. Lilama cho biết nguyên nhân chưa thể thanh toán nợ, là do chưa thể thu hồi các khoản nợ đến hạn, ngoài ra, việc kinh doanh của công ty cũng gặp nhiều khó khăn.

Một doanh nghiệp xây dựng khác là Hòa Bình (HoSE: HBC) cũng đang đối mặt với các khoản nợ khó thu hồi. Trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi là nguyên nhân chính khiến công ty thua lỗ hàng nghìn tỷ đồng từ năm 2022 đến nay. 

Hòa Bình vừa tuyên bố thắng kiện trong hai vụ kiện thu hồi nợ, với phán quyết các đối tác phải trả tổng cộng gần 262 tỷ đồng. Công ty cũng vừa thu hồi hơn 300 tỷ đồng (gồm tiền mặt và tài sản) từ FLC theo phán quyết từ cuối năm 2020. 

Khó khăn từ hai phía

Trong công văn gửi tòa án mới đây, Đức Long Gia Lai cho biết công ty đang tiến hành thanh toán các khoản nợ cho Lilama 45.3 và chưa được Thẩm phán thụ lý vụ án mời làm việc để xác định khả năng thanh toán. 

Về nguyên tắc, việc cho một doanh nghiệp phá sản vì mất khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn là giải pháp cuối cùng với nhiều tổn thương, bất trắc. 

Phá sản doanh nghiệp có thể là giải pháp tốt để thu hồi nợ cho các chủ nợ. Nhưng giải chấp tài sản để thu hồi nợ là một quá trình tốn kém, và chưa chắc được thực hiện trong thời gian ngắn. Việc đánh giá thứ tự ưu tiên thu hồi cho các khoản nợ cũng mất thời gian và có thể gây nhiều tranh cãi. Chưa kể, không có gì đảm bảo việc có thể thu hồi toàn bộ nợ phải trả khi một doanh nghiệp bị phá sản. 

Ngoài ra, các doanh nghiệp lớn không chỉ vướng các khoản phải trả đối tác, mà còn đang bị nghẽn dòng thu khi các đối tác khác không trả nợ. Các khoản phải thu như vậy thường được các doanh nghiệp dùng làm tài sản bảo đảm cho các khoản vay ngân hàng. 

Một doanh nghiệp bị phá sản, ngừng hoạt động không chỉ khiến các cổ đông hầu như mất đi toàn bộ khoản đầu tư trước đó (thông qua mua cổ phiếu), còn khiến người lao động mất việc làm, gây sức ép chi trả bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp… 

Tính đến cuối quý II/2023, Đức Long Gia Lai có hơn 2.900 tỷ đồng nợ vay trên tổng số 4.568 tỷ đồng nợ phải trả. Sau khoản lỗ khủng năm 2022 (gần 1.200 tỷ đồng sau thuế), vốn chủ sở hữu của công ty còn hơn 1.100 tỷ đồng. 

Nửa đầu năm 2023, công ty báo lãi 34 tỷ đồng sau thuế, với dòng tiền từ hoạt động kinh doanh đạt 152 tỷ đồng. Tính đến cuối quý II/2023, Đức Long Gia Lai có số dư tiền 161 tỷ đồng trong khi các khoản nợ quá hạn chưa thanh toán là 195 tỷ đồng. 

Để giải quyết các khoản nợ đến hạn, Đức Long Gia Lai cho biết công ty đã có kế hoạch thanh lý tài sản bảo đảm, tài sản được bảo lãnh và dòng tiền… Tuy nhiên, kiểm toán báo cáo tài chính soát xét cho biết họ chưa thu thập đủ bằng chứng để xác định giá trị các tài sản và dòng tiền này.


(0) Bình luận
Đã thua lỗ, nợ còn khó đòi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO