Cựu sinh viên Harvard từ bỏ công việc lương năm gần 5 tỷ đồng tiết lộ mặt trái lớn nhất của thành công mà không ai muốn nhắc tới

Thiên An | 10:08 28/10/2022

Những năm đầu của tuổi trẻ, Julian đã dốc sức học tập, làm việc để hi vọng đạt tới đỉnh cao danh vọng. Để rồi khi đã chạm tới mong ước đó, anh mới nhận ra ý nghĩa và sự cân bằng thực sự của cuộc sống.

Cựu sinh viên Harvard từ bỏ công việc lương năm gần 5 tỷ đồng tiết lộ mặt trái lớn nhất của thành công mà không ai muốn nhắc tới

Julian Sarafian tốt nghiệp Đại học California, Berkeley và Trường Luật Harvard. Anh là một luật sư. Julian là một gương mặt tích cực trong cộng đồng sức khỏe tinh thần, hiện đang phát triển một cộng đồng với gần 350.000 người theo dõi trên các nền tảng truyền thông xã hội bao gồm TikTok và Instagram. 

Năm 2018, sau khi tốt nghiệp Trường Luật Harvard, anh đã có được công việc mơ ước tại một công ty luật hàng đầu ở California. Khi đó, Julian mới 24 tuổi và kiếm được tới 200.000 USD mỗi năm, tính cả các khoản tiền thưởng thêm.

Bên ngoài, có vẻ như anh đang hạnh phúc và rất phát đạt trong sự nghiệp của mình khi đó. Nhưng từ bên trong, Julian đang phải đối diện với mặt trái lớn nhất của thành công mà không mấy ai muốn nhắc đến - chứng lo âu nghiêm trọng, và cuối cùng là trầm cảm. Dưới đây là câu chuyện của anh:

Từ Luật Harvard đến chứng lo âu và trầm cảm 

Khi đang học năm cuối đại học, tôi bắt đầu thường xuyên gặp phải những cơn hoảng loạn và các vấn đề về đường tiêu hóa.

Tôi đã phải kiểm tra cơ thể kĩ lưỡng, bao gồm việc siêu âm, nội soi dưới gây mê, ... Có những thời điểm, tôi không thể ăn, tập thể dục hoặc thậm chí không thể trò chuyện bình thường vì sức khỏe quá yếu. Thế nhưng các bác sĩ chỉ nói với tôi duy nhất một điều, rằng mọi vấn đề tôi đang gặp phải đều bắt nguồn từ sự căng thẳng.

Khi đại dịch Covid xảy ra, sức khỏe tinh thần của tôi thậm chí còn suy yếu hơn, và tôi tự nhận thấy mình không thể giữ thói quen tham công tiếc việc như trước. Cuối cùng tôi đã phải đi khám ở chỗ một bác sĩ tâm lý, và được chẩn đoán mắc chứng lo âu nghiêm trọng đi kèm với trầm cảm nhẹ.

Đó dĩ nhiên không phải là những gì tôi mong đợi sau khi đã làm việc rất chăm chỉ để lên đến đỉnh cao. Nhưng cũng chính nhờ chuẩn đoán đó, tôi đã có cơ hội để nhìn nhận lại xem thành công thực sự có ý nghĩa như thế nào đối với chính mình.

Vì vậy, vào tháng 7 năm 2021, tôi từ bỏ công việc luật sư để tập trung cải thiện sức khỏe tinh thần, và điều đó thực sự đã thay đổi cuộc sống theo hướng tốt đẹp hơn. Với sự thay đổi mới mẻ trong lối sống, tôi đã có thể nghiêm túc duy trì những thói quen lành mạnh.

Đừng ràng buộc giá trị bản thân với cách người khác nhìn nhận 

Trong phần lớn cuộc đời từ trước đến nay, tôi đã làm việc không ngừng để đạt được những thành tích ấn tượng, như thủ khoa cấp ba, thực tập tại Nhà Trắng hay tốt nghiệp sớm. Tôi cũng nghĩ rằng những điều đó sẽ khiến người khác tôn trọng tôi hơn. 

Tuy nhiên, tôi đã nhận ra rằng nếu cứ tiếp tục đi theo hướng như vậy – tức chạy theo uy tín và cố gắng kiểm soát ý kiến, cách nghĩ ​​của mọi người về mình - tôi sẽ hoàn toàn mất đi ý thức về bản thân. Thực tế, điều tôi thực sự có thể kiểm soát là cách chăm sóc cho sức khỏe tinh thần và thể chất của mình.

Vì vậy, tôi đã phát triển một thói quen chăm sóc sức khỏe tinh thần hiệu quả, chẳng hạn như đọc sách và tập thể dục nhiều hơn. Tôi cũng thường xuyên thăm khám và trò chuyện cùng một nhà trị liệu hành vi nhận thức.

Trải nghiệm của tôi thực sự có ý nghĩa tích cực. Và tôi đã nghĩ nếu câu chuyện của mình có thể giúp dù chỉ là một người ngoài kia, thì cũng đáng. Chính vì thế, tôi đã viết một blog về hành trình chăm sóc sức khỏe tinh thần trên LinkedIn. Thật may mắn, câu chuyện của tôi đã lan truyền rất nhanh và lan tỏa tới gần 2,5 triệu người chỉ trong khoảng thời gian 2 tuần.

Tôi cũng đã chia sẻ câu chuyện của mình trên các nền tảng khác như Instagram và TikTok. Có lẽ chính những cộng đồng được xây dựng dựa trên sự hỗ trợ lẫn nhau như vậy cũng góp phần truyền cảm hứng cho tôi bắt đầu một chương mới trong sự nghiệp.

Năm nay, tôi đã đồng sáng lập một công ty luật dành cho những người sáng tạo nội dung, trong đó chúng tôi giúp đàm phán các giao dịch và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Mặc dù thu nhập có ít hơn so với công việc trước đây, nhưng tôi đang làm việc với năng lượng tràn đầy và quỹ thời gian cũng tốt hơn.

Thành công nghĩa là tìm thấy sự cân bằng trong cuộc sống

Tập trung vào sức khỏe tinh thần không có nghĩa là phải hy sinh tham vọng. Thực chất, đó là việc hiểu điều gì là quan trọng nhất và những gì ta có thể làm chủ.

Dưới đây là một số chiến lược đã giúp tôi duy trì trạng thái cân bằng trong tâm trí:

  • Nhận biết các dấu hiệu của sự lo lắng. Cần hiểu căng thẳng tác động đến cơ thể như thế nào và có những cách nào để trợ giúp. Tôi cũng đọc rất nhiều về sức khỏe tinh thần, đặc biệt là blog của nhà tâm lý học Nick Wignall và “Zebras Don’t Get Ulcers” của giáo sư thần kinh học Robert Sapolsky tại Stanford.
  • Tập thở sâu. Đôi khi tôi phải chững lại và nhắc nhở bản thân hít thở. Khi cảm thấy căng thẳng, tôi xem một video trên YouTube khuyến khích không làm gì cả trong 10 phút.
  • Tự kiểm tra cảm xúc hàng ngày. Thay vì tự làm bản thân kiệt quệ vì công việc, tôi viết nhật ký về những cảm giác và cảm xúc của mình.

Mục tiêu của tôi là giúp mọi người tìm thấy sự cân bằng phù hợp trong cuộc sống. Rõ ràng rằng việc phấn đấu để thành công và ưu tiên sức khỏe tinh thần không hề mâu thuẫn với nhau, và trải nghiệm của tôi là bằng chứng cho điều đó.

Theo CNBC


(0) Bình luận
Cựu sinh viên Harvard từ bỏ công việc lương năm gần 5 tỷ đồng tiết lộ mặt trái lớn nhất của thành công mà không ai muốn nhắc tới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO