Cuộc đua lãi suất đã bắt đầu

Minh Trang | 08:17 06/05/2022

Mặt bằng lãi suất năm nay rất khó có khả năng giảm so với cuối năm 2021, thậm chí có thể tăng trở lại. Thực tế vài tháng gần đây, nhiều ngân hàng đã gia nhập cuộc đua tăng lãi suất.

Cuộc đua lãi suất đã bắt đầu
Từ đầu năm 2022 nhiều ngân hàng đã tăng lãi suất huy động.

Theo số liệu thống kê của Ngân hàng Nhà nước, từ đầu năm 2022 tiền gửi của người dân "ồ ạt" quay trở lại hệ thống ngân hàng. Cuối tháng 2/2022, tiền gửi của khách hàng đạt hơn 1,1 triệu tỷ đồng, tăng 1,38% so với đầu năm.

Số tiền gửi càng lớn mức lãi suất càng cao

Việc các tổ chức tín dụng đã đẩy mạnh thu hút tiền gửi từ tháng 12/2021 bằng việc tăng lãi suất huy động dành cho các khách hàng cá nhân và tung nhiều chương trình ưu đãi dành cho người gửi tiết kiệm đã khiến cho tiền gửi trong toàn hệ thống tăng lên đáng kể so với năm 2021.

Trước thông tin nhiều ngân hàng thương mại tăng lãi suất huy động tiền gửi, chị Bạch Thu Thuỷ (Mỹ Đình, Nam Từ Liêm, Hà Nội), có khoản tiết kiệm 1 tỷ đồng, qua tìm hiểu thấy Techcombank có mức lãi suất cao nhất là 7,8%/năm, chị đã tìm đến phòng giao dịch để gửi.

Thế nhưng, khi làm thủ tục chị mới vỡ lẽ, với mức lãi suất 7,8%/năm chỉ dành cho khách hàng gửi từ 999 tỷ đồng trở lên và sử dụng thêm sản phẩm bảo hiểm của ngân hàng này.

Chị Thuỷ tiếp tục chọn gửi tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), vì thấy bảng quảng cáo ở ngoài phòng giao dịch lãi suất lên đến 7,6%/năm. Một lần nữa chị thất vọng vì mức lãi suất tiết kiệm cao nhất này chỉ áp dụng với các khoản tiền gửi kỳ hạn 13 tháng, số dư từ 500 tỷ đồng trở lên.

Cuối cùng chị đành chấp nhận gửi tại ngân hàng áp dụng loại hình tiền gửi thông thường với mức lãi suất cao nhất là 7,0%/năm, kỳ hạn từ 12 tháng và lĩnh lãi cuối kỳ. Mức lãi này cũng cao hơn khoảng 0,2% so với thời điểm cuối năm 2021.

Theo thông báo từ các ngân hàng, trong tháng 5/2022, với khoản tiền dưới 1 tỷ đồng, kỳ hạn một năm trở lên và gửi tại quầy, SCB huy động cao nhất 7,0%/năm.

LienVietPostBank trả lãi 6,99%/năm (áp dụng kỳ hạn 60 tháng), tại kỳ hạn 12 tháng là 5,5%/năm.

Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) huy động cao nhất là 6,95%/năm (trên 36 tháng), kỳ hạn 12 tháng là 6,2%/năm.

BacABank đang huy động với mức lãi suất cao nhất là 6,9%/năm với các khoản tiền gửi kỳ hạn 24 và 36 tháng, trong khi kỳ hạn 12 tháng là 6,7%/năm

Lãi suất tiết kiệm tại Viet Capital Bank hiện đứng ở mức 6,8%/năm cho kỳ hạn 24 tháng trở lên, còn kỳ hạn 12 tháng ngân hàng áp dụng mức lãi suất là 6,4%/năm;.

KienlongBank đang áp dụng mức lãi suất cao nhất cho kỳ hạn 18 tháng, 24 tháng và 36 tháng là 6,75%/năm, còn kỳ hạn 12 tháng là 6,5%/năm; Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) mức 6,1%/năm kỳ hạn 12 tháng và cao nhất là 6,35%/năm dành cho kỳ hạn 36 tháng…

Với kỳ hạn 6 tháng, GPBank tiếp tục giữ mức lãi suất là 6,5%, cao nhất so với các ngân hàng còn lại.

Thấp nhất là các ngân hàng thuộc Big4 (Agribank, BIDV, Vietcombank, VietinBank), với mức lãi suất 4%/năm.

Với những kỳ hạn dài hơn như 18, 24 tháng, ngân hàng SCB, VRB có mức lãi suất tiết kiệm ngân hàng cao nhất là 7%/năm cho kỳ hạn 24 và 36 tháng.

Nửa cuối năm 2022 lãi suất lại tăng?

Theo số liệu của Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), tính tới cuối tháng 4, lãi suất huy động 12 tháng tiếp tục tăng thêm 0,08 điểm %, lên mức 5,66%. Diễn biến này đã khiến cho lãi suất tiết kiệm tăng 0,02 điểm % so với cùng kỳ, sau hơn 2 năm liên tục giảm.

Mặt bằng lãi suất huy động nhích tăng giúp dòng tiền cá nhân gửi vào ngân hàng có xu hướng tăng. Theo số liệu thống kê mới nhất của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến cuối tháng 2, tiền gửi của khách hàng đạt hơn 1,1 triệu tỷ đồng, tăng 1,38% so với đầu năm.

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2022, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, tăng trưởng tín dụng tính đến 25/4 đạt 6,75% so với cuối năm 2021, cho thấy nhu cầu tín dụng rất lớn của nền kinh tế trong bối cảnh phục hồi mạnh mẽ.

Trước đó, đến hết 31/3, tăng trưởng tín dụng tăng 5,04%, nếu so với mức tăng 2,16% của quý I/2021 thì tốc độ tăng tín dụng cao gấp 2,3 lần năm ngoái.

Như vậy, chỉ trong 25 ngày của tháng 4, tín dụng đổ vào nền kinh tế đã tăng thêm gần 180.000 tỷ đồng, tương ứng hơn 7.100 tỷ đồng/ngày.

Báo cáo vĩ mô và dự báo thị trường năm 2022 từ Công ty TNHH Chứng khoán ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS) nhận định, mặt bằng lãi suất năm nay rất khó có khả năng giảm so với cuối năm 2021, thậm chí khả năng có thể tăng trở lại, với mức tăng khoảng 0,5% – 1%/năm, đặc biệt là trong nửa cuối năm 2022.

Thực tế trong vài tháng gần đây, nhiều ngân hàng đã gia nhập cuộc đua tăng lãi suất. Trong bối cảnh sức ép lạm phát tiếp tục tăng, lãi suất huy động có thể được đẩy lên cao hơn nữa. Đặc biệt, với những ngân hàng thương mại có quy mô nhỏ, thanh khoản yếu, có thể sẽ đẩy lãi suất huy động trên thị trường dân cư tăng và đó là dấu hiệu cho một cuộc đua lãi suất.

Song song với đó, tăng trưởng tín dụng cũng ghi nhận con số ấn tượng với 5,04% trong quý 1. Con số này phản ánh nhu cầu về vốn đang tăng mạnh trở lại để phục vụ sản xuất kinh doanh sau thời gian dài đình trệ vì dịch bệnh, đồng thời cũng lý giải phần nào cho áp lực thanh khoản thời gian qua, đẩy lãi suất liên ngân hàng và lãi suất huy động liên tiếp nhích tăng.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Cuộc đua lãi suất đã bắt đầu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO