Cuộc chuyển giao tài sản lớn nhất lịch sử đã bắt đầu: Những người thừa kế được 'trao tận tay' hàng chục nghìn tỷ đô

Chi Lan | 12:31 15/05/2023

Trong thời đại giá trị nhà và cổ phiếu tăng vọt, tài sản của các gia đình ở Mỹ đã tăng vọt. Hiện tại, hàng chục nghìn tỷ USD sẽ "đến tay" những người thừa kế thuộc thế hệ sau.

Cuộc chuyển giao tài sản lớn nhất lịch sử đã bắt đầu: Những người thừa kế được 'trao tận tay' hàng chục nghìn tỷ đô

Trong số 73 triệu người thuộc thế hệ baby boomer, nhóm người trẻ nhất đang bước sang tuổi 60 và nhóm già nhất thì gần 80 tuổi. Sinh ra vào giữa thế kỷ 20, khi tỷ lệ sinh của Mỹ tăng song song với sự giàu có sau thời kỳ suy thoái và Thế chiến II, ngày càng nhiều người thuộc thế hệ boomer của Mỹ đang bước sang “ngưỡng cửa” bên kia của cuộc đời. 

Hầu hết họ sẽ để lại hàng nghìn USD, một ngôi nhà hay không có gì nhiều. Số khác thì cho con cái số tài sản hàng trăm, hàng triệu hay hàng tỷ USD dưới những hình thức khác nhau. 

Năm 1989, tổng giá trị tài sản các hộ gia đình ở Mỹ đạt khoảng 38 nghìn tỷ USD đã điều chỉnh theo lạm phát. Đến năm 2022, con số này tăng gấp 3 lần lên 140 nghìn tỷ USD. Trong số 84 nghìn tỷ USD dự kiến sẽ được chuyển giao từ những người Mỹ lớn tuổi sang nhóm thừa kế thuộc thế hệ Y và X cho đến năm 2046, 16 nghìn tỷ USD sẽ được chuyển giao vào thập kỷ tới. 

Nhóm người thừa kế không cần phải đợi thế hệ trước qua đời mới được nhận tài sản của gia đình, do xu hướng “cho đi khi còn sống” ngày càng phổ biến ở Mỹ. Họ có thể mua bất động sản, sử dụng hình thức chuyển tiền mặt nhiều lần không bị đánh thuế. 

Douglas Boneparth, một cố vấn tài chính tại công ty cung cấp dịch vụ cho thế hệ Y giàu có, nhận định: “Đây không còn là hiện tượng sắp xảy ra mà đó là ‘ngày hôm nay’.” 

10% hộ gia đình giàu nhất sẽ thực hiện phần lớn đợt chuyển giao này. Trong số đó, 1% “tinh hoa” - nắm giữ khối tài sản tương đương 90% của nhóm nghèo nhất, sẽ quyết định hầu hết hướng đi của dòng tiền. 50% hộ gia đình nghèo nhất sẽ chỉ chiếm 8% quá trình này. 

screenshot-2023-05-15-at-12.01.28.png

Lý do chính khiến những khoản thừa kế ở đợt chuyển giao này lớn đến vậy là cách mà thế hệ boomer Mỹ kiếm tiền từ đà tăng trưởng của thị trường tài chính và bất động sản. 

Giá trung bình của 1 ngôi nhà ở Mỹ tăng khoảng 500% kể từ năm 1983, khi hầu hết nhóm boomer ở độ tuổi 20 và 30 là những năm đầu tiên để hình thành hộ gia đình. Khi các doanh nghiệp Mỹ phát triển thành những “gã khổng lồ” quy mô toàn cầu, những người đầu tư mạnh vào TTCK thậm chí còn hưởng lợi lớn hơn. S&P 500 đã tăng hơn 2.800% kể từ đầu năm 1983. 

Tuy nhiên, trong toàn bộ quá trình này, giống như bất kỳ hiện tượng tài chính phổ biến nào, nhiều khía cạnh khác cũng được bộc lộ. Nhóm người có thu nhập thấp hơn có thể sẽ chuyển đến ngôi nhà đã được thanh toán đầy đủ của cha mẹ mình hoặc cũng chỉ có thể nhận được khoản tiền nhỏ, đủ để trả nợ. 

Trong khi đó, một số thuộc thế hệ Y, X và những boomer thuộc tầng lớp trung thượng lưu dường như là nhóm được hưởng lợi nhất. Tuy nhiên, họ là “thế hệ bánh mỳ kẹp”, phải đối diện với việc phải chi trả cả chi phí chăm sóc cha mẹ già và con cái cùng một lúc. 

Những cá nhân giàu hoặc siêu giàu - sở hữu ít nhất 5 triệu USD và 20 triệu USD tiền mặt hoặc tài sản dễ chuyển đổi thành tiền mặt, chỉ chiếm 1,5% tổng số hộ gia đình ở Mỹ. Theo công ty nghiên cứu tài chính Cerulli Associates, những người này chiếm 42% khối lượng tài sản chuyển giao dự kiến cho đến năm 2045, con số này là khoảng 36 nghìn tỷ USD vào năm 2020 nhưng có thể đã tăng lên kể từ thời điểm đó. 

b3e87cdcdb1a6263bbe553003a67e54a7b345aa5.png

Quy mô lớn của quá trình chuyển đổi được diễn ra trơn tru một phần là nhờ chính sách thuế của Mỹ. Các cá nhân có thể chuyển tới 12,9 triệu USD, với các cặp vợ chồng là 26 triệu USD cho người thừa kế, khi còn sống hoặc đã qua đời, mà không phải trả thuế bất động sản liên bang. 

Do đó, các cá nhân giàu hoặc siêu giàu có thể thừa kế hơn 30 nghìn tỷ USD vào năm 2024, các khoản thế họ phải đóng với bất động sản và việc chuyển nhượng là 4,2 nghìn tỷ USD. 

screenshot-2023-05-15-at-12.20.20.png

Jennifer Doherty, một nhà báo 33 tuổi sống tại Union City, New Jersey, cho biết dù đã lên kế hoạch tự lực về tài chính cho cuộc sống, nhưng vẫn muốn có cơ hội nhận được tài sản thừa kế từ người ông quá cố là 1 nhà nghiên cứu y sinh. 

Tuy nhiên, cha của Jennifer đã phải sử dụng ngân sách của gia đình nhiều hơn dự tính để chi trả chi phí y tế và cuộc sống hàng ngày. Vì vậy, Jennifer cũng gác lại mọi kỳ vọng về một khoản thừa kế lớn. 

Tháng 9, dù lãi suất thế chấp tăng nhưng cô và chồng vẫn quyết định mua một căn hộ chung cư ở Union City. Giá nhà trung bình tại đây dao động gần 500.000 USD, tăng khoảng 50% kể từ mùa hè năm 2020. 

Thế nhưng, họ vẫn gặp khó khăn khi là “thế hệ bánh mỳ kẹp”. Jennifer phải cùng con nhỏ di chuyển giữa New Jersey và New Orleans khoảng 1 tháng 1 lần để chăm sóc người mẹ 74 tuổi đang bị ung thư. Trong khi đó, giá vé máy bay thì tăng 26,5% so với 1 năm trước hồi tháng 2, còn học phí mẫu giáo là 1.800 USD/tháng. 

screenshot-2023-05-15-at-12.26.06.png
Jennifer Doherty. 

Jennifer than thở: “Tôi không biết làm thế nào mà mọi người có thể vượt qua được. Có vẻ như bạn phải thật giàu có hoặc rất may mắn.

Khi quá trình chuyển giao tài sản diễn ra, các học giả, nhà nghiên cứu và nhà phân tích thị trường cho rằng việc định hình sự giàu có của mỗi cá nhân sẽ khiến tình trạng bất bình đẳng trở nên căng thẳng hơn nữa và được thảo luận nhiều hơn trong các cuộc thảo luận về chính sách. 

Joseph Brusuelas, nhà kinh tế trưởng tại công ty tư vấn RSM, cho rằng những thay đổi sẽ diễn ra nhưng chỉ khi những lao động được trả lương cao không còn đủ khả năng chi trả cho gia đình, nhà ở, chăm sóc người già hay các dịch vụ giải trí. 

Trong khi đó, chính quyền Tổng thống Joe Biden kỳ vọng sẽ đẩy nhanh tiến động của các chính sách công có liên quan đến tình trạng bất bình đẳng giàu nghèo. Khoản ngân sách mới công bố của ông sẽ nhằm mục đích bù đắp phần lớn chi tiêu cho các chương trình xã hội bằng doanh thu từ thuế tài sản hàng năm là tối thiểu 25% với các hộ gia đình có 100 triệu USD tài sản ròng trở lên. 

Tham khảo NYT


(0) Bình luận
Cuộc chuyển giao tài sản lớn nhất lịch sử đã bắt đầu: Những người thừa kế được 'trao tận tay' hàng chục nghìn tỷ đô
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO