Cung - Cầu và Tỷ giá: 3 biến số khó lường của ngành dệt may

Quỳnh Anh SM | 16:40 27/10/2022

Sức ép cung cầu và biến động tỷ giá làm tương lai ngành dệt may trở nên khó dự đoán.

Cung - Cầu và Tỷ giá: 3 biến số khó lường của ngành dệt may
Ảnh: Zing News

Nội dung chính: 

9 tháng năm 2022, Dệt may Thành Công, TNG và Sợi Thế Kỷ - ba doanh nghiệp xuất khẩu dệt may đều báo lãi, trong bối cảnh áp lực tỷ giá tăng cao. 

  • Giá nguyên liệu đầu vào hạ nhiệt sẽ giảm bớt gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp dệt may.
  • Nhu cầu hàng dệt may có khả năng tiếp tục suy yếu, dự báo phục hồi từ nửa cuối năm sau. 

Công ty Cổ phần Dệt May - Đầu Tư - Thương Mại Thành Công đã công bố báo cáo tài chính quý III/2022. Doanh thu 9 tháng năm 2022 đạt 3.400 tỷ đồng, tăng 25,5% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế 9 tháng xấp xỉ 276 tỷ đồng, tăng hơn 85% so với cùng kỳ. 

Xuất khẩu chiếm đến 88% tổng doanh thu của Dệt may Thành Công. Trong đó, Hoa Kỳ, Nhật Bản và Hàn Quốc là những thị trường chủ lực. 

Một doanh nghiệp dệt may khác cũng có kết quả kinh doanh khởi sắc - CTCP Đầu tư và Thương mại TNG. Theo Báo cáo tài chính vừa công bố, doanh thu 9 tháng năm 2022 của TNG đạt hơn 5.262 tỷ đồng, tăng 29% so với cùng kỳ. 

Tỷ trọng doanh thu xuất khẩu quý III/2022 của TNG chiếm đến 97%, trong đó Mỹ và Pháp là hai thị trường xuất khẩu lớn nhất. 

9 tháng năm nay, TNG ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 284 tỷ đồng, tăng 40% so với cùng kỳ. 

Công Ty Cổ Phần Sợi Thế Kỷ lại đang cho thấy sức tăng trưởng tương đối chậm chạp. Doanh thu 9 tháng năm 2022 của doanh nghiệp gần 1.700 tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế hơn 221 tỷ đồng, giảm 5% so với 9 tháng 2021. Theo Sợi Thế Kỷ, nguyên nhân chủ yếu đến từ khoản lỗ chênh lệch tỷ giá tăng cao trong kỳ. 

Hoạt động xuất khẩu đóng góp hơn một nửa trên tổng doanh thu của Sợi Thế Kỷ với thị trường chính vẫn là Mỹ và các nước lân cận như HongKong, Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản,… 

Lợi nhuận sau thuế của 3 doanh nghiệp dệt may. 

Các doanh nghiệp dệt may Việt Nam chủ yếu đều nhập khẩu nguyên vật liệu và xuất khẩu hàng may mặc. Trong bối cảnh tỷ giá các nước biến động trái chiều như hiện nay, lãi lỗ từ chênh lệch tỷ giá có thể tăng hoặc giảm, tùy vào cơ cấu xuất nhập khẩu của từng doanh nghiệp và tỷ lệ nợ vay nước ngoài. 

Tỷ giá USD/VND liên tục tăng cao trong năm nay, số liệu cập nhật ngày 27/10. (Nguồn: TradingView)

Hầu hết doanh nghiệp dệt may đều ghi nhận doanh thu bằng USD nhưng chi phí nguyên vật liệu, logistics, lãi vay... cũng được tính bằng USD. Điều này sẽ tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả kinh doanh, nhất là với những doanh nghiệp có chi phí bằng USD cao như Dệt may Thành Công, TNG và Sợi Thế Kỷ - SSI Research nhận định. 

Nguyên liệu đầu vào hạ nhiệt

Theo Chứng khoán Vietcombank (VCBS), giá bông nguyên liệu nhập vào Việt Nam dự kiến giảm dần trong 3 tháng cuối năm - là tín hiệu vui cho các doanh nghiệp xuất khẩu dệt may Việt Nam.

Giá bông thế giới tiếp tục xuống thấp, số liệu cập nhật ngày 26/10. (Nguồn: Trading Economics) 

Giá bông thế giới có xu hướng đi trước giá bông nhập vào Việt Nam khoảng 2-3 tháng. Từ tháng 6/2022, giá bông thế giới đã giảm rõ rệt và duy trì đà giảm cho đến nay. 

Dự kiến giá bông đầu vào sẽ giảm ít nhất đến hết năm nay, bất chấp diễn biến thời tiết khắc nghiệt khiến sản lượng sụt giảm. 

(Nguồn: SSI Research)

Tuy diễn biến giá đầu vào thuận lợi nhưng doanh nghiệp dệt may lại phải đối mặt với vấn đề mới về nguồn cung. 

Hoa Kỳ - thị trường xuất khẩu hàng dệt may lớn nhất của Việt Nam đã ban hành đạo luật cấm nhập khẩu hàng hóa được sản xuất ở Tân Cương (Trung Quốc), bao gồm các sản phẩm bông. Trong khi Trung Quốc là thị trường cung cấp sợi nguyên liệu lớn nhất cho Việt Nam. 

Thách thức này đòi hỏi các doanh nghiệp phải tìm kiếm nguồn cung thay thế và minh bạch chuỗi cung ứng nếu muốn xuất khẩu sang xứ cờ hoa. 

Nhu cầu có khả năng tiếp tục suy yếu

Lạm phát tăng cao, tâm lý lo ngại suy thoái kinh tế khiến người dân thắt chặt chi tiêu, cắt giảm mua sắm, từ đó nhu cầu tiêu dùng suy yếu. Bối cảnh chung của cả nền kinh tế cũng đang đè nặng lên thị trường dệt may. 

Số lượng các đơn đặt hàng của doanh nghiệp dệt may sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng do nhu cầu giảm và tồn kho tăng cao tại nhiều thị trường lớn. 

Hai thương hiệu thời trang thể thao hàng đầu thế giới - Adidas và Nike đều ghi nhận tỷ lệ tồn kho tăng cao chủ yếu do sức mua yếu tại châu Âu và Mỹ. 

Cụ thể, Nike ghi nhận tỷ lệ tồn kho cho quý kinh doanh kết thúc ngày 31/8 tăng 44% so với cùng kỳ. Trong khi đó, tỷ lệ tồn kho quý II của Adidas tăng 35,3% so với cùng kỳ năm trước.

Nhu cầu may mặc chưa có dấu hiệu phục hồi, VCBS dự báo các đơn đặt hàng sẽ cải thiện vào cuối quý II hoặc quý III/2023 nếu lạm phát hạ nhiệt. 

Ông Lê Tiến Trường - Chủ tịch Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho biết 8 tháng đầu năm, bình quân mỗi tháng ngành dệt may Việt Nam xuất khẩu khoảng 3,7 - 3,8 tỷ USD, nhưng dự kiến 3 tháng cuối năm chỉ xuất khẩu được 3,1 - 3,2 tỷ USD/tháng.

Xuất khẩu hàng dệt may chiếm tỷ trọng 12,5% trong kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam. (Nguồn: Infographics.vn/Tổng cục Thống kê)

Ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam nhận định dù đơn hàng sụt giảm, nhưng với sự năng động của các doanh nghiệp, kim ngạch xuất khẩu của ngành vẫn có khả năng cao sẽ đạt được mục tiêu 44 tỷ USD vào cuối năm 2022. 

9 tháng năm 2022, kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may Việt Nam ước đạt 35,3 tỷ USD, tăng gần 20% so với cùng kỳ năm 2021 - tốc độ tăng trưởng cao nhất 10 năm qua. 

Bài liên quan

(0) Bình luận
Cung - Cầu và Tỷ giá: 3 biến số khó lường của ngành dệt may
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO