Nội dung chính:
- Yeah1 phát hành thêm hơn 55 triệu cổ phiếu từ vốn chủ sở hữu, sử dụng gần như toàn bộ khoản thặng dư vốn còn lại.
- Công ty đã nhiều lần phát hành tăng vốn điều lệ và xóa lỗ từ nguồn này.
- Năm 2018, Yeah1 phát hành thêm 3,9 triệu cổ phiếu cho đối tác chiến lược với giá 300.000 đồng/cổ phiếu - thu về khoản thặng dư vốn khổng lồ - là “của để dành” công ty sử dụng suốt hơn 5 năm sau.
Báo cáo tài chính quý IV/2023 của Công ty cổ phần Tập đoàn Yeah1 (HoSE: YEG) sẽ có khác biệt lớn so với các báo cáo trước đó: Khoản mục Thặng dư vốn cổ phần sẽ về sát mức 0 đồng, giảm sâu từ mức trên 550 tỷ đồng trước đó chỉ 3 tháng. Thay vào đó, vốn điều lệ của của công ty sẽ tăng mức tương đương, từ 763 tỷ đồng lên 1.313 tỷ đồng.
Yeah1 vừa thông báo hoàn thành đợt trả cổ phiếu thưởng cho cổ đông với tỷ lệ 72,2%, có nghĩa là mỗi cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu YEG sẽ được nhận về 72,2 cổ phiếu mới. Số lượng cổ phiếu này được tự động cộng vào tài khoản của mỗi cổ đông. Tổng số lượng cổ phiếu được cộng thêm hơn 55 triệu đơn vị tương ứng giá trị hơn 550 tỷ đồng tính theo mệnh giá.
Với phương thức phát hành này, Yeah1 sẽ dùng toàn bộ phần thặng dư vốn cổ phần còn lại để ghi vào vốn điều lệ của công ty. Về bản chất, việc thưởng cổ phiếu theo cách này chỉ có ý nghĩa về mặt hạch toán vốn điều lệ công ty, không thay đổi nhiều lợi ích của cổ đông do không mang lại dòng tiền trực tiếp.
Thặng dư vốn cổ phần và Vốn điều lệ của Yeah1 (đơn vị: tỷ đồng) từ năm 2017 đến nay.
Phát hành một lần, “dùng” 5 năm
Yeah1 bắt đầu chào sàn chứng khoán vào năm 2018 với kỳ vọng trở thành kỳ lân công nghệ của Việt Nam (giá trị vốn hóa hơn 1 tỷ USD). Hiện YEG đang ở mức giá xung quanh 11.000 đồng/cổ phiếu, tương đương mức định giá hơn 100 triệu USD.
Khoản thặng dư vốn điều lệ 1.132 tỷ đồng từ được coi là “của để dành” của Yeah1 cũng từ năm 2018. Như vậy, sau 5 năm, khoản mục đó mới được công ty sử dụng hết. Gọi là “của để dành” của Yeah1, bời từ nguồn này, công ty đã dùng để giải quyết rốt ráo các vấn đề tài chính, từ xóa lỗ đến tăng vốn điều lệ.
Tháng 8/2018, khi đó YEG đang có mức giá xung quanh 200.000 đồng/cổ phiếu, công ty đã phát hành riêng lẻ thành công 3,9 triệu cổ phiếu với mức giá lên tới 300.000 đồng/cổ phiếu. Với mức giá phát hành này, Yeah1 đã thu về 1.147 tỷ đồng, trong đó thặng dư vốn cổ phần (chênh lệch giá phát hành và mệnh giá) là 1.132 tỷ đồng.
Số tiền đó đã được Yeah1 sử dụng một phần trong các thương vụ đầu tư, thâu tóm sau đó.
Nhưng không phải thương vụ nào cũng thành công, nếu không muốn nói hầu hết các thương vụ đầu tư lớn sau đó của Yeah1 đều mang lại kết quả tiêu cực.
Trong hai năm tiếp theo (2019 - 2020) Yeah1 lỗ tổng cộng 563 tỷ đồng sau thương vụ thâu tóm ScaleLab (Mỹ) vào năm 2019 và hợp tác với Tập đoàn Tân Hiệp Phát, chuyển sang hệ sinh thái tiêu dùng vào năm 2020. Các năm sau đó, Yeah1 có lãi trở lại nhưng đều ở mức rất khiêm tốn, thậm chí thấp hơn giai đoạn công ty chưa niêm yết.
Lợi nhuận của Yeah1 chưa hồi phục lại mức trước niêm yết
Nhờ khoản thặng dư vốn có được vào năm 2018, Yeah1 không chỉ xóa hoàn toàn lỗ lũy kế, mà còn tăng vốn điều lệ.
Từ năm 2018 đến nay, vốn điều lệ của Yeah1 đã tăng gấp bốn lần, từ mức 313 tỷ đồng lên 1.313 tỷ đồng. Hầu hết các đợt tăng vốn điều lệ của Yeah1 đều từ nguồn thặng dư vốn này.
Cổ đông lớn buông tay
YEG từng là một cổ phiếu niêm yết thành công nhất sàn chứng khoán Việt Nam với phiên giao dịch đầu tiên đạt mức giá kỷ lục 300.000 đồng/cổ phiếu vào tháng 6/2018. Trong một thời gian dài, YEG trở thành một trong những cổ phiếu đắt giá nhất thị trường.
Từ một công ty niêm yết với cơ cấu sở hữu cô đặc, Yeah1 dần trở thành công ty gần như “vô chủ” khi hầu như không có cổ đông lớn. Cuối năm 2018, năm đầu tiên Yeah1 niêm yết, cổ đông lớn của công ty nắm giữ trên 70% cổ phần. Sau 4 năm, đến cuối năm 2022, cổ đông lớn của Yeah1 chỉ còn duy nhất một tổ chức (Ancla Asset), nắm giữ chưa đến 11% cổ phần. Đến thời điểm hiện tại, Ancla Asset đã thoái bớt vốn và bị pha loãng sau đợt phát hành riêng lẻ của công ty vào tháng 9/2023, chỉ còn nắm giữ gần 2% cổ phần Yeah1.
Rất nhiều tổ chức, cá nhân đã đến và rời đi trong giai đoạn biến động đó của Yeah1.
Ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống, Chủ tịch Yeah1 là người sáng lập, đồng thời là người nắm giữ 36% cổ phần công ty vào cuối năm 2018, sau khi công ty niêm yết. Đến giữa năm 2022, ông Tống chính thức thoái vốn và rút khỏi mọi chức vụ tại công ty.
Trước đó, vào tháng 4/2022, VinaCapital cũng chính thức thoái toàn bộ vốn khỏi Yeah1.
VinaCapital đã đầu tư vào Yeah1 từ tháng 6/2008 - tức 10 năm trước khi công ty niêm yết. Quỹ này đã mua vào 213.333 cổ phiếu Yeah1 với giá 128.333 đồng/cp - tương đương mức chi 27 tỷ đồng cách đây 15 năm. VinaCapital được xem là tổ chức có công đầu để đưa Yeah1 niêm yết, trở thành startup công nghệ hàng đầu Việt Nam vào năm 2018.
Tân Hiệp Phát, công ty hợp tác với Yeah1 với kỳ vọng phát triển hệ sinh thái tiêu dùng, cũng đã rút khỏi công ty sau gần 2 năm đầu tư. Từ mức sở hữu hơn 21% cổ phần vào đầu năm 2020, khi bắt đầu hợp tác, đến cuối năm 2021, bà Trần Uyên Phương, Phó Tổng Giám đốc Tân Hiệp Phát đã thoái vốn gần hết và chỉ nắm giữ chưa tới 3% cổ phần.
Ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống (thứ hai từ phải sang) - người sáng lập Yeah1 trong buổi lễ ký kết hợp tác với Tân Hiệp Phát vào tháng 3/2021.
Yeah1 hiện đang tập trung vào sản xuất nội dung trên các nền tảng của mình, thay vì “sống nhờ” vào các ông lớn như YouTube trước kia. Không còn thặng dư vốn hay những nhà đầu tư với tiềm lực tài chính vững vàng đứng sau, Yeah1 sẽ phải tự lực và trả giá sòng phẳng cho những thất bại (nếu có) trong tương lai.