Theo BCTC hợp nhất quý 2 niên độ tài chính 2023-2024 của Coteccons (mã chứng khoán: CTD), công ty này ghi nhận khoản phải thu ngắn hạn và dài hạn ở mức 12.448 tỷ đồng, chiếm đến 57% tổng tài sản. Doanh nghiệp này đã phải trích dự phòng 1.257 tỷ đồng cho khoản mục trên.
Trong đó, Coteccons còn ghi nhận 1.659 tỷ đồng là nợ xấu, và trích lập dự phòng gần 1.200 tỷ đồng cho khoản nợ xấu nói trên. Một số cái tên nổi tiếng xuất hiện trong danh sách nợ xấu như công ty TNHH Saigon Glory hay công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Ngôi Sao Việt - công ty con của Tân Hoàng Minh.
Cụ thể, Coteccons đang ghi nhận Ngôi Sao Việt thuộc nhóm Tân Hoàng Minh nợ xấu gần 484 tỷ đồng. Doanh nghiệp này là cái tên đã gắn liền với ồn ào bỏ cọc đất Thủ Thiêm hồi cuối năm 2021 - đầu năm 2022. Thời điểm ấy, Ngôi Sao Việt gây sốc khi chấp nhận trả giá đấu tới 24.500 tỷ đồng (gần 1,1 tỷ USD) cho lô đất diện tích 10.060 m2, tức 2,44 tỷ đồng cho mỗi mét vuông.
Ngoài ra công ty này cũng là một trong 3 doanh nghiệp thuộc Tân Hoàng Minh bị hủy bỏ 9 đợt chào bán trái phiếu từ tháng 7/2021 đến tháng 3/2022 với tổng trị giá 10.030 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Coteccons còn ghi nhận Saigon Glory nợ xấu 143 tỷ đồng. Saigon Glory được giới thiệu là chủ đầu Khu văn phòng - thương mại - căn hộ ở - khách sạn 6 sao tại Khu tứ giác Bến Thành (The Spirit of Saigon), gồm hai tòa tháp 46 tầng và 55 tầng, 214 căn hộ ở đã được cấp phép mở bán và 250 phòng khách sạn 6 sao. Tổng chi phí phát triển dự án khoảng 14.400 tỷ đồng.
Doanh nghiệp này đang loay hoay với khoản nợ trái phiếu 10.000 tỷ đồng trong năm qua khi nhiều lần khất nợ. Mới đây nhất, ông Vũ Quang Hội, Chủ tịch Tập đoàn Bitexco đã có tâm thư gửi đến người sở hữu trái phiếu tại. Trong thư, Chủ tịch Tập đoàn Bitexco cũng cho biết, trong bối cảnh thực tế hiện hữu tại Saigon Glory và Dự án Tứ giác Bến Thành đang tồn tại đồng thời những nghĩa vụ pháp lý, nghĩa vụ tài chính khác của các bên liên quan dẫn đến việc xử lý tài sản bảo đảm sẽ càng khó khăn và phức tạp.
“Giải pháp tốt nhất là được quý vị đồng thuận việc gia hạn thời gian thanh toán gốc và lãi trái phiếu để có thêm thời gian cơ cấu lại được các nguồn tài chính và thúc đẩy công tác đầu tư, xây dựng và kinh doanh Dự án để sớm có nguồn thu tập trung cho việc thanh toán nghĩa vụ trái phiếu”, ông Vũ Quang Hội viết.
Cũng theo ông Vũ Quang Hội, Chủ tịch Tập đoàn Bitexco, hiện đơn vị này đã xây dựng phương án tài chính để thanh toán gốc và lãi trái phiếu cụ thể được thể hiện trong nội dung phiếu lấy ý kiến. Ông mong muốn nhận được sự đồng thuận, đồng lòng của quý vị trái chủ và biết ơn vì điều đó.
Lợi nhuận của Coteccons tiếp tục tăng
Về tình hình kinh doanh của Coteccons trong quý 2 NĐTC 2023-2024, công ty ghi nhận doanh thu thuần 5.660 tỷ đồng, giảm 9% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, nhờ việc các chi phí đều giảm, doanh nghiệp này báo lãi sau thuế cổ đông công ty mẹ hơn 69 tỷ đồng, gấp 3,6 lần cùng ỳ năm trước.
Luỹ kế 6 tháng đầu niên độ, Coteccons ghi nhận 9.784 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng gần 5% và lãi ròng 136 tỷ đồng, gấp gần 8,9 lần cùng kỳ niên độ trước.
Coteccons đặt kế hoạch niên độ 2023 - 2024 (từ 1/7/2023 đến 30/6/2024) với 17.793 tỷ đồng doanh thu và lợi nhuận sau thuế đạt 274 tỷ đồng. Như vậy, sau 6 tháng, doanh nghiệp đã thực hiện được 82% chỉ tiêu doanh thu và 50% mục tiêu lợi nhuận niên độ.
Cũng theo BCTC của Coteccons, doanh nghiệp này còn ghi nhận khoản mục chứng khoán kinh doanh với tổng giá trị 222,5 tỷ đồng. Trong đó, khoản đầu tư vào cổ phiếu FPT là đáng chú ý nhất khi ghi nhận con số hợp lý là 39,6 tỷ đồng tỷ đồng tại ngày 31/12/2023. Chiếu theo mức giá của cổ phiếu trong phiên cuối năm là 96.100 đồng/cp, doanh nghiệp này đang sở hữu khoảng 412.595 cổ phiếu này.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 1/2/2024, cổ phiếu FPT đã thiết lập đỉnh mới 99.900 đồng/cp. Như vậy, Coteccons hiện đang tạm lãi 46% khi đầu tư mua cổ phiếu FPT
Tuy nhiên, tại thời điểm cuối năm 2023 doanh nghiệp này phải trích lập dự phòng 4,5 tỷ đồng khi đầu tư vào chứng chỉ quỹ ETF KIM GROWTH VN và gần 6 tỷ đồng cho các khoản đầu tư vào công ty khác.