Arm, nhà thiết kế chip được SoftBank hậu thuẫn, đang tham gia đàm phán với một số các nhà đầu tư chiến lược tiềm năng để hiện thực hóa giấc mơ IPO, trong đó có đối thủ Intel. Đại diện công ty cho biết các cuộc thảo luận mới chỉ đang ở giai đoạn đầu nên vẫn có thể thất bại trước khi Arm chính thức niêm yết.
Theo Bloomberg, Arm đang tìm cách huy động tới 10 tỷ USD khi niêm yết tại New York vào cuối năm nay. Trước đó, công ty này đã nhiều lần từ chối lời kêu gọi quay trở lại London do định giá công nghệ và cơ sở các nhà đầu tư hấp dẫn hơn tại Mỹ. Thu hút được một lượng lớn các nhà đầu tư cố định đồng nghĩa với việc kế hoạch IPO của Arm sẽ được hưởng lợi.
Một trong những chiến lược quan trọng nhất trong kế hoạch khôi phục vị thế của Intel trong lĩnh vực chất bán dẫn là mở rộng nhà máy sản xuất và hợp tác với nhiều công ty, kể cả đối thủ. CEO Pat Gelsinger cho biết Intel sẽ mở thêm các cơ sở sản xuất theo hợp đồng và để thành công trong việc cạnh tranh với TSMC, hãng sẽ phải sản xuất những con chip chứa công nghệ được sử dụng rộng rãi của Arm.
Được biết, những sản phẩm sử dụng công nghệ của Arm nhiều vô kể, từ Tây sang Đông, từ phần cứng tới phần mềm. Ông Rene Haas, CEO của Arm nói đùa: “Trong ngành công nghiệp điện tử, sẽ dễ dàng hơn để nói ai không phải là khách hàng của chúng tôi”.
Người sáng lập SoftBank Masayoshi Son kỳ vọng đợt IPO của Arm có thể là đợt IPO lớn nhất từ trước đến nay của một công ty sản xuất chip. Định giá chính xác của Arm vẫn chưa được thiết lập song có thể dao động trong khoảng từ 30 tỷ USD đến 70 tỷ USD, theo Bloomberg.
Với giới chuyên gia, Arm là viên ngọc quý của ngành công nghệ và hiện hữu trong hầu hết các dòng điện thoại thông minh. Hiện tại, công ty đang giữ trụ sở chính tại Cambridge, Anh và không loại trừ khả năng có thể niêm yết ở London trong tương lai.
Trước đó, thương vụ Arm - Nvidia chính thức thất bại trong sự ngỡ ngàng của toàn ngành chip nhớ. Trong thông báo được đưa ra, Nvidia cho biết họ không thể hoàn tất vụ thâu tóm do các rào cản pháp lý trên toàn cầu.
Theo Geoff Blaber, CEO hãng phân tích thị trường CCS Insight, thỏa thuận trên đã gặp áp lực lớn ngay từ đầu. “Thương vụ thất bại là điều không quá bất ngờ. Việc tìm cách xoa dịu các nhà lập pháp, đồng thời duy trì mức giá hơn 40 tỷ USD là thách thức quá lớn”.
Sau màn thất bại, Arm ‘bắt tay’ Intel và công bố một thỏa thuận ‘đa thế hệ’ nhằm vừa tối ưu hóa quy trình chế tạo của Intel, vừa tận dụng tối đa các thiết kế và tài sản trí tuệ của Arm. “Sự hợp tác này sẽ giúp chuỗi cung ứng toàn cầu cân bằng hơn”, công ty cho biết.
Trong tương lai, Intel và Arm cho biết mối quan hệ hợp tác của họ có thể mở rộng sang silicon được thiết kế để sử dụng trong ô tô, thiết bị Internet vạn vật và trung tâm dữ liệu.
Theo: Bloomberg