Kết luận thanh tra chỉ rõ việc mở, ghi chép, hạch toán trên sổ sách kế toán, Công ty cổ phần máy tính Vĩnh Xuân đã thực hiện chế độ số kể toán, tài khoản kể toán, báo cáo tài chính theo quy định, nhưng xác định doanh thu tính thuế GTGT hàng hoá dịch vụ mua vào được khấu trừ, hạch toán chi phí thuế TNDN, thu nhập chịu thuế TNDN còn chưa chính xác.
Về việc sử dụng hóa đơn của các đơn vị đã có thông báo không hoạt động tại địa chỉ đăng ký với cơ quan thuế, trong kỳ thanh tra, Cục thuế TP. Hà Nội xác định Công ty cổ phần máy tính Vĩnh Xuân có kê khai khấu trừ thuế GTGT và hạch toán vào chi phí đối với 16 số hóa đơn mua hàng hóa, dịch vụ của 14 doanh nghiệp đã có thông báo về việc doanh nghiệp không hoạt động tại địa chỉ kinh doanh với tổng số giá trị tiền hàng trước thuế là 101.729.309 đồng; thuế GTGT là 8.510.045 đồng.
Về thuế GTGT, Công ty cổ phần máy tính Vĩnh Xuân kê khai khấu trừ thuế GTGT hàng hoá dịch vụ mua vào đối với các hóa đơn của đơn vị đã có thông báo không hoạt động tại địa chỉ kinh doanh.
Về thuế TNDN, Công ty cổ phần máy tính Vĩnh Xuân hạch toán chi phí đối với các hóa đơn của đơn vị đã có thông báo không hoạt động tại địa chỉ kinh doanh, hạch toán vào chi phí các khoản thuế GTGT hàng quà tặng, các khoản thuế, phí.
Trước những vi phạm nêu trên, Cục Thuế TP. Hà Nội yêu cầu Công ty cổ phần máy tính Vĩnh Xuân nộp ngay số tiền thuế truy thu, tiền phạt vi phạm hành chính và tiền chậm nộp với tổng số tiền là hơn 330 triệu đồng.
Theo tìm hiểu của MarketTimes, Công ty cổ phần máy tính Vĩnh Xuân được thành lập vào tháng 2/1997, trụ sở chính đặt tại số 39 Trần Quốc Toản, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Chủ tịch HĐQT là ông Nguyễn Khắc Trung (sinh năm 1977); tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật là bà Ngô Thị Kim Ngân (sinh năm 1980).
Sau 26 năm hoạt động và phát triển, Công ty máy tính Vĩnh Xuân đã đạt doanh số trên 3.000 tỷ đồng. Đơn vị này cũng nhiều năm liên tiếp nằm trong top 500 DN lớn nhất Việt Nam.
Về nhân sự, công ty cũng có một số biến động trong những thời kỳ nhất định. Cụ thể, năm 2015, Công ty cổ phần máy tính Vĩnh Xuân nâng vốn điều lệ từ 20 tỷ đồng lên thành 100 tỷ đồng. Thời điểm đó, danh sách cổ đông của doanh nghiệp có 3 thành viên, gồm: Nguyễn Khắc Trung góp 19,6 tỷ đồng, sở hữu 19,6% cổ phần; Nguyễn Khắc Sơn góp 78,4 tỷ đồng, sở hữu 78,4% cổ phần; Trần Xuân Hạnh góp 2 tỷ đồng, sở hữu 2% cổ phần còn lại.
Cuối năm 2015, Nguyễn Khắc Sơn bất ngờ chuyển nhượng toàn bộ cổ phần. Danh sách cổ đông còn lại có 4 thành viên gồm: Nguyễn Khắc Trung vẫn sở hữu 19,6% cổ phần; Trần Xuân Hạnh cũng gây bất ngờ lớn khi nâng tỷ lệ sở hữu lên thành 74,4% cổ phần; Lê Thị Lan Khanh và Ngô Thị Kim Ngân mỗi người sở hữu 3% cổ phần.
kết thúc năm 2019, quy mô tổng tài sản của Công ty cổ phần máy tính Vĩnh Xuân đạt 537 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu ở mức 152,3 tỷ đồng. Trong năm 2019, doanh thu thuần của Công ty cổ phần máy tính Vĩnh Xuân đạt 2.930 tỷ đồng, lãi thuần ở mức 52,3 tỷ đồng, tương ứng với biên lợi nhuận 1,7%.
Theo giới thiệu trên website, Công ty cổ phần máy tính Vĩnh Xuân là nhà nhập khẩu và phân phối của nhiều hãng nổi tiếng như: AMD, AOC, APACER, ASUS, ASROCK, CORSAIR, ELGATO, INNO3D, KINGSTON, LOGITECH, SAMSUNG, SANDISK, SANTAK, WESTERN DIGITAL, PNY...
Năm 2020, hãng sản xuất máy tính hàng đầu MSI chính thức công bố Công ty cổ phần Máy tính Vĩnh Xuân trở thành nhà phân phối ủy quyền các sản phẩm MSI Desktop tại Việt Nam.
Công ty cổ phần máy tính Vĩnh Xuân từng lọt vào TOP500 PROFIT (Top 500 doanh nghiệp lợi nhuận nhất Việt Nam), TOP VNR500 (Top 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam); TOP FAST500 (Top 500 doanh nghiệp có tốc độ tăng trưởng lớn nhất Việt Nam); TOP V1000 (Top 1.000 Doanh nghiệp nộp thuế lớn nhất Việt Nam).