Trong báo cáo kiểm toán, một số thông tin được trình bày chi tiết so với báo cáo tự lập, trong đó có khoản lỗ tính thuế của Công ty cổ phần Zion, công ty con do VNG sở hữu 69,98%.
Zion bắt đầu hoạt động vào năm 2005, là đơn vị vận hành ví điện tử ZaloPay. Đây là ứng dụng thanh toán di động được xây dựng để thỏa mãn nhu cầu thanh toán trong cuộc sống và nhu cầu kinh doanh. Cùng với Momo, AppotaPay, VNPay…. ZaloPay là một trong số những ví điện tử được người dùng yêu thích và sử dụng thường xuyên.
Theo VNG giới thiệu, Zalo Pay đã liên kết với 39 ngân hàng và 5.000+ đối tác, tăng trưởng người dùng hoạt động hàng tháng lên tới 51% trong năm 2021.
Theo thông tin trên website của Zalopay, ví điện tử này đã có liên kết với các đối tác như Vietcombank, VietinBank, Sacombank, BIDV, Eximbank, SCB, Ngân hàng Bản Việt,... và ba tổ chức thẻ quốc tế Visa, Master và JCB.
Mặc dù mức độ phủ sóng rộng rãi nhưng Zalopay cùng những mảng kinh doanh khác chưa thể đem lợi nhuận về cho Zion. Công ty này đã có tới 5 năm thua lỗ liên tiếp từ 2017 - 2021 trước khi tiếp tục lỗ vào năm 2022. Quy mô của khoản lỗ (tính thuế) đạt 1.310 tỷ đồng vào năm 2022.
Tỷ lệ sở hữu của VNG trong Zion đã tăng từ 60% từ hồi đầu năm lên 69,98% vào cuối năm 2022, do các nguyên nhân:
- Hoàn tất nghiệp vụ góp thêm vốn vào Zion, tổng cộng 3 lần vào các ngày 17/01, 05/5, 24/11/2022;
- Hoán đổi 14.325 cổ phiếu của công ty lấy 505.375 cổ phiếu Zion tương ứng 0,31% tỷ lệ sở hữu từ các cổ đông hiện hữu;
- Bên cạnh đó, ngày 26/7/2022, các nhân viên của Zion cũng đăng ký mua 459.925 cổ phiếu mới do Zion phát hành, tương đương 0,19% tỷ lệ sở hữu, qua đó làm tỷ lệ sở hữu của VNZ trong Zion giảm.
Một hoạt động đầu tư đáng chú ý khác trong năm vừa qua là VNG đã hoàn tất mua lại 100% tỷ lệ sở hữu của Verichains - công ty Việt Nam có trụ sở tại TP Hồ Chí Minh, từ các cổ đông hiện hữu với tổng giá trị chuyển nhượng là 159 tỷ đồng.
Theo đó, Verichains trở thành công ty con của VNG kể từ ngày này. Hoạt động chính của Verichains hoạt động chính là sản xuất phần mềm.
Sau kiểm toán, tổng số lỗ hợp nhất năm 2022 của VNG là 1.534 tỷ, thay vì 1.315 tỷ đồng như số liệu trước đó đã công bố, chênh lệch 218,5 tỷ đồng. Nguyên nhân được công ty giải thích do ghi nhận thêm các khoản chi phí liên quan đến thuế, tài sản cố định vô hình và dự phòng cho các hoạt động đầu tư tài chính.
Lỗ sau thuế của công ty mẹ là 1.077 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2021 lãi 414 tỷ đồng.
Tại ngày 31/12/2022, tổng tài sản hợp nhất của tập đoàn sau kiểm toán đạt 8.900 tỷ đồng, thay vì 9.092 tỷ đồng như trước đó công bố.
Vốn chủ sở hữu đạt 5.115 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận chưa phân phối là 5.093 tỷ đồng.