Công tác giải phóng mặt bằng đang làm chậm các dự án cao tốc

Lê Sáng | 15:58 04/05/2022

Khó khăn liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng là nguyên nhân kéo chậm tiến độ triển khai các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm.

Công tác giải phóng mặt bằng đang làm chậm các dự án cao tốc
Công tác gải phóng mặt bằng tại các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm thời gian qua còn gặp phải nhiều khó khăn.

“Điểm đen” với tiến độ dự án

Tại Tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Kết nối giao thông vành đai liên vùng – động lực cho phát triển bứt phá diễn ra sáng 5/4 do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức, lãnh đạo một số bộ ngành, cơ quan chuyên môn cũng như các địa phương chia sẻ quan điểm về việc cần sớm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc liên quan đến giải phóng mặt bằng (GPMB), vốn là công tác đang làm chậm tiến độ triển khai các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm.

Đơn cử như đối với Dự án trọng điểm quốc gia Vành đai 4 Vùng Thủ đô, theo Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn đánh giá thì khó khăn lớn nhất là công tác giải phóng mặt bằng.

Cụ thể, theo ông Dương Đức Tuấn, hiện nay theo quy hoạch, tuyến Vành đai 4 Vùng Thủ đô là giải phóng mặt bằng dự trữ cho hành lang phát triển đường sắt 30 m trong tổng lộ giới giao động từ 90-135 m, trung bình là 125 m. Do đó, quy mô giải phóng mặt bằng đối với Vành đai 4 tương đối lớn, 1.341 ha cho cả 3 tỉnh, thành phố; chiếm 19.000 tỷ trên tổng mức đầu tư 85.813 tỷ, dưới 25%.

Từ việc quy mô GPMB lớn, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cho rằng công tác này càng để chậm càng nguy cơ, không được phép chia nhiều lần vì các thời kỳ bồi thường, hỗ trợ tái định cư khác nhau sẽ tạo ra hiệu ứng bất khả thi.

Hay như tại dự án đường Vành đai 3 thành phố Hồ Chí Minh hiện nay, theo ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải thì về vấn đề tổ chức bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Chia sẻ quan điểm trên, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương cho rằng trong nhiều năm trở lại đây, trong tất cả các báo cáo đánh giá về những khó khăn, vướng mắc về đầu tư công, thì nguyên nhân liên quan đến GPMB luôn ở vị trí số một do đây là công tác rất phức tạp, có nhiều khó khăn vướng mắc khi triển khai các dự án đầu tư công. Hệ lụy dẫn tới là chậm tiến độ, giải ngân thấp…

Đối với 02 dự án giao thông trọng điểm tại TP.HCM và Hà Nội, ông Trần Quốc Phương nhận định công tác GPMB còn khó hơn rất nhiều lần, quy mô lớn, giá trị tiền nhiều.

Lý giải nguyên nhân dẫn đến hiện tượng công tác GPMB tại các dự án thường chậm PGS.TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng GPMB nhiều khi bị chốt chặt bởi cái nguyên tắc giá cả, thế là chỉ cần một vài hộ gia đình không đồng ý là toàn bộ dự án bị hỏng hết.

Linh hoạt giải pháp

Để tháo gỡ những khó khăn trong công tác GPMB tại các dự án hạ tầng trọng điểm, nhất là đối với 02 dự án giao thông quan trọng tại TP. Hà Nội và Hồ Chí Minh, các chuyên gia, nhà quản lý cho rằng cần sự linh hoạt trong việc áp dụng các giải pháp.

PGS.TS Trần Đình Thiên cho rằng việc vừa qua các địa phương có kiến nghị Chính phủ trình Quốc hội cho phép sử dụng linh hoạt vốn ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương cho công tác GPMB và xây dựng theo tiến độ triển khai dự án, trong đó ưu tiên hoàn thành công tác GPMB trong giai đoạn 2021-2025 là ý tưởng rất hay.

“Cách tiếp cận này giống như một sáng kiến trao cho địa phương quyền chủ động để chúng ta giải quyết cho phù hợp. Tất nhiên, địa phương muốn làm tốt thì phải có giải pháp để giám sát việc này", PGS.TS Trần Đình Thiên nhận định.

Nhận định về việc áp dụng cơ chế này đối với dự án đường Vành đai 4 Vùng Thủ đô, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Dương Đức Tuấn cho rằng việc linh hoạt ngân sách Trung ương và địa phương, thậm chí linh hoạt các địa phương sẽ tạo điều kiện để Hà Nội là hạt nhân, nhận trách nhiệm GPMB trên địa bàn mình, thậm chí có thể ưu tiên ngân sách Trung ương GPMB cho các tỉnh khác như Hưng Yên.

Cũng theo ông Dương Đức Tuấn, để triển khai dự án quan trọng quốc gia của khu vực Vùng Thủ đô với tổng mức đầu tư lên đến 85.813 tỷ đồng dự án sẽ được chia thành 3 nhóm dự án thành phần.

“Nhóm dự án 1 là giải phóng mặt bằng ứng với 3 địa phương 3 dự án. Nhóm 2 là dự án đường đô thị song hành dưới thấp cho 3 địa phương 3 dự án. Nhóm 3 là dự án xã hội hóa (chỉ 1 dự án) theo mô hình đối tác công tư (PPP) và hợp đồng BOT do nhà đầu tư đảm nhận. Vốn đầu tư nhóm 1, 2 thì ngân sách Trung ương và địa phương đảm nhận; nhóm dự án 3 thì nhà đầu tư BOT đảm nhận với tổng mức đầu tư là 29.410 tỷ đồng”, ông Dương Đức Tuấn cho biết.

Bên cạnh việc sử dụng linh hoạt vốn Trung ương và Ngân sách địa phương và chia nhỏ dự án, theo Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương thì tại các dự án quan trọng quốc gia, trong đó có 2 dự án Vành đai 3 TPHCM và Vành đai 4 TP. Hà Nội, Bộ KH&ĐT đã và đang nghiên cứu, đề xuất các cơ chế đặc thù với công tác giải phóng mặt bằng.

“Ngoài việc tách ra là dự án độc lập, thực hiện trước và sớm thì có thêm cơ chế cho phép chỉ định thầu một số nội dung công tác giải phóng mặt bằng. Việc kiến nghị cho phép chỉ định thầu trong giải phóng mặt bằng cũng được kỳ vọng là rút ngắn thời gian cho công tác giải phóng mặt bằng”, ông Trần Quốc Phương cho biết.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Công tác giải phóng mặt bằng đang làm chậm các dự án cao tốc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO