Tại sự kiện “Thường trực Chính phủ gặp mặt đại diện doanh nhân ngày Doanh nhân Việt Nam” vào 11/10, các doanh nhân, đại diện lãnh đạo doanh nghiệp bày tỏ cảm xúc vinh dự trước sự quan tâm của Đảng, Chính phủ.
Phát biểu tại sự kiện gặp gỡ lãnh đạo Chính phủ với doanh nhân, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao vai trò của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân trong hoạt động sản xuất kinh doanh lẫn trách nhiệm xã hội.
Đặc biệt, khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các doanh nghiệp nêu cao tinh thần chia sẻ, đồng hành cùng đất nước vượt qua khó khăn; hỗ trợ lẫn nhau; nỗ lực thích ứng để duy trì sản xuất, tạo việc làm cho người lao động. Đồng thời, phát huy truyền thống tương thân tương ái, cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp có nhiều hoạt động hỗ trợ người dân, đóng góp vào quỹ vaccine phòng chống Covid-19 và ủng hộ vật tư, trang thiết bị y tế cho địa phương. Tất cả thể hiện tinh thần trách nhiệm, nghĩa cử cao đẹp của doanh nghiệp, doanh nhân với đất nước và nhân dân.
Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Đảng, Nhà nước và nhân dân là điểm tựa, cam kết sát cánh, động viên, tiếp thu ý kiến của các tổ chức hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp.
Tại sự kiện, bà Nguyễn Thị Phương Thảo - Chủ tịch HĐQT hãng hàng không Vietjet - thay mặt cộng đồng doanh nhân bày tỏ quyết tâm nỗ lực, đóng góp vì một Việt Nam hùng cường.
Bà Phương Thảo cũng chia sẻ niềm phấn khởi, vinh dự khi Nghị quyết 41 hướng đến phát huy vai trò của doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới. Nữ doanh nhân cũng mong muốn doanh nghiệp Việt tiếp tục nhận được sự định hướng, cơ chế chính sách mở để thêm động lực và niềm tin, vững bước tiến lên phía trước với tinh thần đổi mới, sáng tạo.
“Thay mặt cộng đồng doanh nhân, tôi gửi đến hội nghị, gửi tới Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ lời cam kết tiếp tục mang đến sản phẩm sáng tạo mang thương hiệu Việt Nam để phục vụ cho người dân và đi ra thế giới. Đồng thời, chúng tôi sẽ tiếp tục mang thế giới tới Việt Nam và mang Việt Nam đến toàn cầu”, tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo phát biểu.
Đội ngũ doanh nhân có vai trò quan trọng, là một trong những lực lượng nòng cốt góp phần đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế; phát triển nền kinh tế tự chủ; bảo đảm an ninh quốc phòng. Doanh nhân Việt Nam phát triển mạnh về số lượng và chất lượng, kế thừa truyền thống yêu nước, nêu cao ý chí tự lực, tự cường, cống hiến cho dân tộc. Đặc biệt, một số doanh nghiệp phát triển tầm khu vực và thế giới, góp phần nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.
Việt Nam có gần 900.000 doanh nghiệp đang hoạt động, khoảng 14.400 hợp tác xã và hơn 5 triệu hộ kinh doanh. Khu vực doanh nghiệp đóng góp hơn 60% GDP, khoảng 30% số lao động đang làm việc.
Các công trình hạ tầng quy mô, khu đô thị văn minh, tòa nhà biểu tượng, sản phẩm công nghệ cao góp phần thay đổi diện mạo đất nước, chất lượng cuộc sống người dân và đưa Việt Nam vững vàng phát triển. Tất cả từng bước hiện thực hóa chủ trương, mục tiêu của Đảng về xây dựng Việt Nam phồn vinh - văn minh - hạnh phúc, đúng như Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: "Đất nước chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay".
Lãnh đạo Đảng, Chính phủ cũng xác định rõ cần phát huy sức mạnh của đội ngũ doanh nhân Việt Nam; tạo môi trường đầu tư và kinh doanh thuận lợi, an toàn, bình đẳng. Đây là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị và đội ngũ doanh nhân gắn với quá trình hoàn thiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
Mục tiêu tổng quát được đề ra gồm: Phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh về số lượng và chất lượng; có tầm nhìn, trí tuệ và đạo đức, năng động và sáng tạo, năng lực quản trị tiên tiến, tuân thủ pháp luật; văn hóa kinh doanh mang bản sắc dân tộc; có trách nhiệm xã hội, ý thức bảo vệ môi trường, đóng góp cho mục tiêu phát triển đất nước.