Công bố chiến lược quốc gia, Việt Nam muốn vào nhóm dẫn đầu khu vực trong ngành công nghiệp 250 tỷ USD

Dy Khoa | 13:10 23/10/2024

Việt Nam sẽ trở thành quốc gia thuộc nhóm dẫn đầu trong khu vực và có vị thế quốc tế trong ngành này.

Công bố chiến lược quốc gia, Việt Nam muốn vào nhóm dẫn đầu khu vực trong ngành công nghiệp 250 tỷ USD

Ngày 22/10, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc ký ban hành quyết định số 1236/QĐ- TTg công bố Chiến lược quốc gia về ứng dụng và phát triển công nghệ Blockchain đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. 

Trong Chiến lược quốc gia về Ứng dụng và phát triển công nghệ chuỗi khối (blockchain) đến năm 2025, blockchain được định nghĩa là một trong những xu hướng công nghệ hàng đầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Việc ứng dụng và phát triển công nghệ Blockchain góp phần quan trọng xây dựng hạ tầng số tiên tiến, bảo đảm độ tin cậy và an toàn dữ liệu, góp phần tạo lập nền tảng phát triển công nghiệp công nghệ số.

Theo chiến lược, tầm nhìn đến 2030, Việt Nam trở thành quốc gia thuộc nhóm dẫn đầu trong khu vực và có vị thế quốc tế trong nghiên cứu, triển khai, ứng dụng và khai thác công nghệ Blockchain.

nhieu-du-an-dau-nganh-trong-linh-vuc-blockchain-quy-tu-tai-tuan-le-gm-vietnam-2023-1688905214.jpeg
Đến 2030, Việt Nam trở thành quốc gia thuộc nhóm dẫn đầu trong khu vực và có vị thế quốc tế trong nghiên cứu, triển khai, ứng dụng và khai thác công nghệ blockchain.

Cụ thể, Chính phủ đặt mục tiêu xây dựng 20 thương hiệu blockchain uy tín về nền tảng, sản phẩm, dịch vụ trên nền tảng công nghệ chuỗi khối trong khu vực; duy trì vận hành tối thiểu 3 trung tâm hoặc đặc khu thử nghiệm về blockchain tại các thành phố lớn để hình thành mạng lưới quốc gia; Có đại diện nằm trong Bảng xếp hạng nhóm 10 cơ sở đào tạo và nghiên cứu về chuỗi khối dẫn đầu trong khu vực châu Á.

Để thực hiện mục tiêu này, trong Chương trình Hành động giai đoạn 2024-2030, ban hành kèm theo Quyết định 1236/QĐ-TTg, Chính phủ đưa ra 5 hành động cụ thể, bao gồm: (1) Hoàn thiện môi trường pháp lý; (2) Phát triển hạ tầng, hình thành hệ sinh thái công nghiệp blockchain; (3) Phát triển nguồn nhân lực cho lĩnh vực Blockchain; (4) Thúc đẩy phát triển và ứng dụng Blockchain; (5) Thúc đẩy nghiên cứu, đổi mới sáng tạo và hợp tác quốc tế.

Trong đó, mỗi hoạt động được giao cụ thể cho các Bộ, ngành như Bộ Thông tin và Truyền thông, Ban Cơ yếu Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Khoa học và Công nghệ... chủ trì và chịu trách nhiệm.

Thị trường blockchain toàn cầu ước đạt 248,9 tỷ USD vào năm 2029

Đáng chú ý, bên cạnh các bộ, ngành, Hiệp hội Blockchain Việt Nam, cùng các hội, hiệp hội nghề nghiệp, được giao chủ trì: (1) Phát triển các nền tảng Blockchain Make in Việt Nam. Xây dựng các cơ chế vận hành, khai thác và tương tác, liên thông giữa các loại hình mạng blockchain hoạt động trên Hạ tầng blockchain Việt Nam. (2) Tập hợp các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam xây dựng các nền tảng blockchain, thúc đẩy chia sẻ thông tin, nâng cao nội lực cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài. 

Chia sẻ quan điểm về văn bản pháp lý mang tính chất định hướng cho sự phát triển của thị trường blockchain Việt Nam, ông Phan Đức Trung, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Blockchain Việt Nam cho biết, “Chiến lược Blockchain Quốc gia vừa được được Thủ tướng chính ban hành là một sự dấu mốc quan trọng trong lĩnh vực blockchain, thể hiện sự cam kết và hành động cụ thể của Chính phủ, sự quyết liệt của đơn vị soạn thảo là Bộ thông tin và Truyền thông cũng như nỗ lực của cộng đồng trong việc thúc đẩy nền kinh tế số minh bạch, an toàn và phát triển bền vững”.

vn_blockchain_expoverse_1_toea.jpeg.jpg
Tăng trưởng CAGR của thị trường blockchain khoảng 65,5% trong giai đoạn 2024-2029.

Chiến lược Blockchain Quốc gia là văn bản có tính pháp lý cao nhất, thể hiện mục tiêu và quyết tâm của Chính phủ trong việc thúc đẩy ứng dụng công nghệ blockchain, tận dụng ưu thế của công nghệ tiên tiến này nhằm tạo điều kiện hiện thực hóa các mục tiêu đề ra của nền kinh tế số, xã hội số. 

Theo báo cáo nghiên cứu thị trường của Markets And Markets, thị trường blockchain toàn cầu ước tăng từ 20,1 tỷ USD năm 2024 lên 248,9 tỷ USD vào năm 2029, tăng trưởng CAGR khoảng 65,5% trong giai đoạn này. Thị trường blockchain toàn cầu sẽ chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ về nguồn vốn đầu tư từ các quỹ mạo hiểm.

Nhiều báo cáo chỉ ra rằng đến năm 2030, GDP toàn cầu có thể tăng lên tới 2,8 nghìn tỷ USD chỉ bằng cách sử dụng công nghệ blockchain, khiến nó trở thành yếu tố đóng góp thiết yếu cho nền kinh tế thế giới, trang Blockchain Council nêu.

Theo trang trên, 10 quốc gia dẫn đầu công nghệ blockchain hiện nay gồm Mỹ, Trung Quốc, Thuỵ Sĩ, Singapore, Anh, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, El Salvador và Canada.

Blockchain (công nghệ chuỗi khối) được hiểu đơn giản là công nghệ giúp mã hóa tất cả các dữ liệu thành các khối khác nhau, đồng thời kết nối chúng lại để tạo thành một chuỗi dài. Trong trường hợp có thêm thông tin mới, chúng sẽ được lưu vào khối mới và được nối vào khối cũ, để tạo thành một chuỗi mới. Nhờ vào đó, thông tin cũ trong công nghệ blockchain không bị mất đi.

Ưu điểm của blockchain đó là các thông tin này không chỉ nằm trên một máy chủ duy nhất, mà chúng có thể được sao lưu và phân phối một cách hoàn toàn tự động thông qua nhiều máy chủ khác nhau đã kết nối với hệ thống blockchain, giúp cho mọi người có thể xem và kiểm tra thông tin giao dịch của mình một cách dễ dàng và an toàn nhất.

Điều này giúp doanh nghiệp có thể giảm thiểu các tình trạng như gian lận, giúp đảm bảo được tính minh bạch, rõ ràng và có mức độ an toàn thông tin cao.


(0) Bình luận
Công bố chiến lược quốc gia, Việt Nam muốn vào nhóm dẫn đầu khu vực trong ngành công nghiệp 250 tỷ USD
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO