Cụ thể, ngày 23/08/2022, BAF đã hoàn thành đợt chào bán trái phiếu ra công chúng đợt 1 năm 2022. Tổng số tiền thu về từ đợt chào bán là 300 tỷ đồng. Tổng số tiền đã sử dụng theo phương án sử dụng vốn ban đầu là 270,7 tỷ đồng.
Số tiền còn lại chưa sử dụng là 29,3 tỷ đồng. HĐQT BAF dự định sử dụng toàn bộ số tiền này để mua sắm thức ăn chăn nuôi phục vụ cho hệ thống trại heo của công ty, thời gian dự kiến trong quý I/2023. Bên đối tác là CTCP Thức ăn chăn nuôi BAF Tây Ninh - công ty con do BAF sở hữu 99% vốn điều lệ.
BAF cho biết do đến ngày 23/8/2022, Công ty mới hoàn thành đợt chào bán nên một số khoản mục thanh toán theo kế hoạch sử dụng vốn ban đầu đã quá thời gian thực hiện. Do đó, Công ty đã linh động sử dụng nguồn vốn khác để thanh toán nhằm đảm bảo dòng tiền phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh được diễn ra liên tục.
Ngoài ra, việc thu xếp các nguồn vốn khác để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh ở thời điểm hiện tại là khá khó khăn do mặt bằng lãi suất hiện đang ở mức cao. Do đó, việc linh động trong quá trình điều chuyển dòng tiền hoạt động kinh doanh và sử dụng phù hợp, kịp thời các nguồn vốn sẵn có là điều cần thiết giúp quá trình sản xuất kinh doanh diễn ra xuyên suốt và hiệu quả.
Xét về hoạt động kinh doanh, trong quý 4/2022, BaF Việt Nam ghi nhận doanh thu tăng gấp đôi lên 2.159 tỷ đồng. Tuy nhiên giá vốn tăng cao khiến lợi nhuận gộp chỉ còn 62,5 tỷ đồng.
Trong kỳ, chi phí bán hàng tăng đột biến, chi phí quản lý cũng tăng "ăn mòn" lợi nhuận thu về. Công ty theo đó lỗ thuần gần 6 tỷ từ hoạt động kinh doanh.
Ngược lại, nhờ phát sinh khoản lợi nhuận khác cao với 18 tỷ đồng, BAF “thoát lỗ” với hơn 6,7 tỷ LNST trong quý 4 - giảm đến 91% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là khoản lãi thanh lý, nhượng bán tài sản cố định với giá trị thu về hơn 42 tỷ đồng.
Luỹ kế cả năm 2022, BAF ghi nhận doanh thu 7.049 tỷ đồng - giảm 32% và LNST 293 tỷ đồng - giảm 9% so với năm 2021.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 10/2, cổ phiếu BAF đang giao dịch ở mức 19.300 đồng/cổ phiếu.