Tờ Nikkei Asian Review cho hay truyền thông Nhật Bản hiện đang đưa tin về việc bình quân học sinh 14-16 tuổi của nước này chỉ trả lời đúng 12,4% số câu hỏi đánh giá năng lực tiếng Anh toàn quốc đầu năm nay.
Thậm chí phần lớn học sinh không trả lời đúng một câu hỏi nào.
Theo Nikkei, đây là một thông tin đáng buồn cho nền kinh tế đang cố vươn mình để cạnh tranh với các thị trường khác trong bối cảnh dân số lão hóa nhanh và tăng trưởng toàn cầu giảm tốc.
Tờ báo này nhận định Nhật Bản sẽ cần phổ biến tiếng Anh hơn nữa nếu không muốn bị tụt hậu so với các nền kinh tế như Trung Quốc khi mức độ phổ cập ngôn ngữ quốc tế này rộng rãi hơn rất nhiều.
Trung Quốc hiện đang được đánh giá là vượt khá xa Nhật Bản về quy mô cũng như mức độ ứng dụng tiếng Anh vào giáo dục lẫn nền kinh tế, gắn thứ ngôn ngữ này vào lợi ích của cả đất nước.
Các sinh viên tốt nghiệp ở những trường đại học Trung Quốc như Peking University hay Tsinghua University đều phải viết nghiên cứu, tiểu luận hoặc bảo vệ luận án bằng tiếng Anh.
Ngoài ra, tỷ lệ du học sinh Trung Quốc ra nước ngoài cũng cao hơn Nhật Bản và lượng lớn nhân tài này đã trở về quê hương để đóng góp cho nền công nghệ, khoa học, kinh tế đất nước.
Mức lương dần một cao và sự phát triển của thị trường 1,4 tỷ dân khiến xu thế du học sinh trở về nước thay vì ở lại đang ngày một tăng tại Trung Quốc.
Trái lại, Nhật Bản không chỉ thua kém về tỷ lệ du học sinh ra nước ngoài so với Trung Quốc mà phần lớn những nhân tài này cũng không chịu về quê hương để tìm kiếm cơ hội sự nghiệp tốt hơn.
“Rất nhiều báo cáo nghiên cứu hàn lâm của Nhật Bản chủ yếu, hoặc thậm chí là chỉ viết bằng tiếng Nhật”, giáo sư Sae Shinauchi của trường đại học Tokyo Metropolitan University ngậm ngùi nói.
Ngôn ngữ quốc tế
Tờ Nikkei cho hay tiếng Anh đang được xếp hạng là ngôn ngữ phổ biến nhất thế giới về số lượng người sử dụng. Loại ngôn ngữ này được dùng cho cả các hoạt động kinh tế, xã hội trên quốc tế.
Tính đến thời điểm hiện tại, khoảng 1,5 tỷ người trên toàn cầu đang dùng tiếng Anh và 1/3 trong số đó có ngôn ngữ mẹ đẻ là thứ tiếng khác.
Thậm chí tại một số nền kinh tế ở Châu Á như Singapore, Ấn Độ, Philippines, tiếng Anh được coi là ngôn ngữ chính thức. Bởi vậy tiếng Anh đã trở thành yếu tố bắt buộc cho bất kỳ nền kinh tế nào muốn vươn mình phát triển cạnh tranh trong khu vực lẫn quốc tế.
Việc phổ cập tiếng Anh không chỉ có ích lợi trong giao tiếp mà còn giúp người lao động tiếp cận được với kho tri thức khổng lồ trên Internet, đồng thời tạo điều kiện phát triển thêm kỹ năng.
Do đó nhiều bộ giáo dục của các nền kinh tế đã coi thứ ngoại ngữ này là một trong những động lực chủ chốt để phát triển đất nước.
Bảng chỉ số đổi mới toàn cầu của Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) đã đánh giá Nhật Bản đứng đầu về mật độ các nhà phát minh và khoa học, thế nhưng nền kinh tế này chỉ có 4 yếu tố nữa được xếp hạng trong top 100 các tiêu chí đánh giá khác của WIPO.
Trái lại, Mỹ và Trung Quốc đều có đến 21 yếu tố được xếp hạng trong top 100 của WIPO và độ phổ cập tiếng Anh được cho là đóng góp công lao rất lớn cho nền khoa học công nghệ của 2 quốc gia này.
Bất kỳ nhà nghiên cứu nào cũng hiểu được rằng việc sử dụng được tiếng Anh trong các phòng thí nghiệm hay nơi làm việc sẽ giúp đem lại hiệu quả cũng như khả năng cộng tác lớn hơn rất nhiều.
Tờ Nikkei nhận định hiện Nhật Bản giáo dục tiếng Anh vẫn chỉ hướng đến đối phó cho các bài kiểm tra mà không thực sự coi đây là yếu tố góp phần phát triển kinh tế.
Sự hạn chế trong ứng dụng giao tiếp ngoại ngữ cũng như nhận thức sai lầm về vai trò của tiếng Anh đã khiến ngôn ngữ này trở thành thứ không thiết yếu trong cả nền kinh tế.
Thậm chí, việc lồng ghép tiếng Anh bằng tiếng lóng địa phương của Nhật Bản (Japanglish) đã tạo nên loại hình ngôn ngữ mới thay vì tiếng chuẩn.
Nguồn: Nikkei Asian Review