Chuyện làm ăn của Tân Á Đại Thành: Tiên phong sản xuất bồn inox từ cách đây 3 thập kỷ và thương vụ M&A nghìn tỷ ở Kiên Giang

Trọng Nghĩa | 10:19 29/08/2023

Gần 3 thập kỷ trước, Công ty TNHH TM và sản xuất Tân Á được thành lập, trở thành doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên cung cấp bồn inox. Giờ đây, không chỉ gắn tên tuổi với các sản phẩm liên quan đến nguồn nước, Tân Á Đại Thành còn đang tham vọng khẳng định thương hiệu ở lĩnh vực bất động sản.

Chuyện làm ăn của Tân Á Đại Thành: Tiên phong sản xuất bồn inox từ cách đây 3 thập kỷ và thương vụ M&A nghìn tỷ ở Kiên Giang

Doanh nghiệp tiên phong sản xuất bồn chứa nước inox

Đầu thập niên 90, người dân tại các đô thị lớn ở Việt Nam vẫn sử dụng chum, vại hoặc các bể xi măng để chứa nước. Trong khi đó, bồn nước inox đã là sản phẩm trữ nước quen thuộc ở một số nước châu Á như Đài Loan, Nhật Bản,… Mặt hàng bồn nước inox bắt đầu nhen nhóm du nhập vào Việt Nam bởi một số thương nhân nước ngoài, tuy nhiên chưa tạo nên nhu cầu trên thị trường bởi mức giá chưa phù hợp với đại đa số dân chúng.

Bà Nguyễn Mai Phương, Chủ tịch Tân Á Đại Thành với tâm huyết mang đến cho người Việt sản phẩm chất lượng quốc tế, đã có bước đi được xem là mạo hiểm khi nhập khẩu máy móc, dây chuyền nguyên bản từ Đài Loan để sản xuất thành công chiếc bồn inox "Made in Vietnam" đầu tiên với mức giá phải chăng. 

Việc sản xuất bồn nước inox khi này không có rào cản lớn về công nghệ cũng chưa chịu sự cạnh tranh gay gắt nhưng phải mất một khoảng thời gian để thị trường tiếp nhận và quen thuộc với sản phẩm mới, cũng như thay đổi thói quen và nhận thức của người dân về phương thức chứa, trữ nước.

Bồn nước inox Tân Á Đại Thành nhanh chóng có chỗ đứng trên thị trường, đến năm 2002, doanh nghiệp tiếp tục chứng tỏ tầm nhìn khi tiếp tục là đơn vị tiên phong sản xuất máy nước nóng năng lượng mặt trời. Ba năm sau, tập đoàn này lại cho ra mắt bình nước nóng và chậu rửa. 

Những sản phẩm này của Tân Á Đại Thành đều nhanh chóng chiếm lĩnh được thị trường với sự đầu tư bài bản cho hoạt động quảng bá thương hiệu.

Thời điểm này có một vấn đề là thương hiệu Tân Á Đại Thành thực chất được đồng sở hữu hai pháp nhân khác nhau, do bà Mai Phương và anh em của bà Phương quản lý.

Trong khi Công ty Tân Á được bán hàng thị trường phía Bắc tính từ Phú Yên trở ra thì Công ty Đại Thành bán hàng thị trường phía Nam từ Phú Yên trở vào và các tỉnh Tây Nguyên…

Năm 2007, để có được nguồn lực mạnh nhất, 3 công ty Tân Á, Nam Đại Thành, Tân Á Đông đã được sáp nhập thành lập nên Tập đoàn Tân Á Đại Thành như hiện nay.

Một năm sau, nhà máy Tân Á Đại Thành tại Lào chính thức đi vào hoạt động. 

Ông Nguyễn Duy Chính, CEO Tân Á Đại Thành

Năm 2010, ông Nguyễn Duy Chính, con trai cả bà Phương, thuộc thế hệ thứ ba, tiếp quản sản nghiệp gia đình. Sinh năm 1985, sau khi hoàn thành chuyên ngành quản trị kinh doanh tại đại học Queen Mary (Anh), ông Chính tiếp tục học thạc sĩ chuyên ngành tài chính đầu tư tại đại học Westminster trước khi hồi hương và tham gia vào hoạt động kinh doanh của TAĐT.

Năm 2016, tập đoàn khánh thành nhà máy sản xuất ống nhựa Stroman Hưng Yên với tổng vốn đầu tư 70 triệu USD. Đây là mảnh ghép hoàn thiện cho hệ sinh thái toàn diện về nguồn nước.

Thị phần 5 nhóm sản phẩm: bồn nước inox, bồn nhựa, bình nước nóng năng lượng mặt trời và bình nước nóng của Tân Á Đại Thành chiếm thị phần số 1 Việt Nam theo thông tin tự công bố.

Hiện nay, Tập đoàn Tân Á Đại Thành hiện đang sở hữu hệ thống 19 Công ty thành viên; 17 Nhà máy công nghệ cao tại Việt Nam và Lào; 307 Chi nhánh và trung tâm; hơn 30.000 Điểm bán hàng trên toàn quốc cùng hệ sinh thái 9 dòng sản phẩm.

Bước chuyển mình sang lĩnh vực bất động sản và thương vụ nghìn tỷ ở Kiên Giang

Khi thị trường các sản phẩm liên quan đến nguồn nước ngày một bão hoà, Tân Á Đại Thành tìm cơ hội ở lĩnh vực mới, cụ thể là bất động sản.

Năm 2019, tập đoàn chính thức tham gia vào lĩnh vực bất động sản với thương hiệu Meyland và ra mắt dự án đầu tay đại đô thị Meyhomes Capital Phú Quốc. 

Đây là dự án đầu tay của CTCP Tập đoàn Bất động sản Tân Á Đại Thành, được đầu tư xây dựng tại Bãi Trường thuộc huyện Phú Quốc với quy mô 56ha, bao gồm là tổ hợp shophouse, biệt thự, khách sạn mini.

"Tầm nhìn của Tân Á Đại Thành là đưa Meyland phát triển trở thành Top 5 thương hiệu hàng đầu trong lĩnh vực Bất động sản tại Việt Nam", doanh nghiệp cho biết.

Dự án Meyland Phú Quốc

Bước sang năm 2020, tên tuổi Tân Á Đại Thành được nhắc đến nhiều trên các phương tiện truyền thông khi thực hiện thương vụ mua bán và sáp nhập Công ty cổ phần đầu tư xây dựng HUD Kiên Giang với giá trị hơn 1.000 tỷ đồng.

HUD Kiên Giang tiền thân là doanh nghiệp nhà nước – Công ty Xây dựng Kiên Giang được UBND tỉnh Kiên Giang thành lập vào tháng 7/1993. Năm 1996, công ty này hợp nhất với Công ty Kinh doanh nhà Kiên Giang.

Theo phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất sau khi bán đi hơn 34,8 triệu cổ phần, HUD Kiên Giang được tiếp tục sử dụng 4 cơ sở nhà đất với tổng diện tích 65.710 m2 gồm trụ sở làm việc, nhà máy bê tông và 2 dự án khu du lịch sinh thái là Khu du lịch sinh thái Bãi Chén – huyện Kiên Hải và Khu dân cư, đô thị mới Suối Lớn – huyện Phú Quốc.

Trong đó, dự án Khu du lịch sinh thái Bãi Chén có diện tích gần 42.000 m2, còn dự án Khu dân cư, đô thị mới Suối Lớn có diện tích 90,17 ha. Sau khi sở hữu cổ phần HUD Kiên Giang, nhà đầu tư trúng thầu có thể sở hữu quyền sử dụng đất và phát triển các dự án này.

Mua lại HUD Kiên Giang được cho không chỉ giúp Tân Á Đại Thành mở rộng quỹ đất, đặc biệt ở đảo ngọc Phú Quốc, mà còn có thể lấn sân sang lĩnh vực khai thác, sản xuất vật liệu xây dựng, gồm đá và xi măng.

Năm 2022, tập đoàn tái cấu trúc lĩnh vực hoạt động với 3 trụ cột chiến lược là sản xuất công nghiệp, công nghệ cao và bất động sản với 4 tổng công ty thành viên TDK, TDU, TDT và TDR.


(0) Bình luận
Có thể bạn quan tâm
Chuyện làm ăn của Tân Á Đại Thành: Tiên phong sản xuất bồn inox từ cách đây 3 thập kỷ và thương vụ M&A nghìn tỷ ở Kiên Giang
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO