Tommy York lớn lên tại San Francisco là một lao động ngành công nghệ thông tin. Giấc mơ mua nhà của anh khá xa vời cho đến khi được nhận vào Google.
Vào tháng 12/2021, giá cổ phiếu Alphabet (Google) tăng lên mức cao nhất mọi thời đại và anh York chấp nhận gói lương thưởng bao gồm 175.000 USD cổ phiếu thanh toán trong hơn 4 năm. Điều này đồng nghĩa giấc mơ mua nhà của anh York gắn chặt với giá cổ phiếu của Google.
Thế rồi khi Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) nâng lãi suất và cổ phiếu Google giảm 39% trong năm 2022, giấc mơ của anh York bất ngờ tan tành.
Vào tháng 1/2023, chỉ vài ngày sau khi làm lễ tang cho người mẹ mới mất của mình, anh York bị Google sa thải trong đợt cắt giảm nhân sự của hãng. Cuối cùng vị kỹ sư công nghệ này chẳng còn gì ngoài đống cổ phiếu chỉ còn 1/3 giá trị so với trước đây.
Thị trường lao động toàn ngành ảm đạm nghĩa là khi xin việc mới, anh York sẽ phải hạ mức lương của mình xuống nếu muốn giành được cơ hội.
“Thật khó khăn, tôi chỉ muốn giành dụm tiền mua nhà thôi mà”, anh York nức nở.
Trên thực tế trường hợp của anh York không phải cá biệt khi việc trả lương thưởng bằng cổ phiếu cho kỹ sư công nghệ vốn khá phổ biến và từng là tấm vé để trở thành đại gia cho nhiều người. Cổ phiếu công nghệ bùng nổ đã khiến vô số lao động trong ngành phất lên qua 1 đêm.
Tuy nhiên khi thị trường chứng khoán ảm đạm và các hãng công nghệ không còn là con cưng của nhà đầu tư nữa thì mọi chuyện bắt đầu tệ dần.
Cú sốc
Những kỹ sư công nghệ trước đây thường ưa thích kiểu trả lương thưởng bằng cổ phiếu giới hạn (RSU), được định giá tại thời điểm ký hợp đồng và được thanh toán qua vài năm. Mức giá tại thời điểm ký nếu thấp hơn so với đà tăng giá cổ phiếu của công ty thì nhân viên sẽ được hưởng lợi lớn thông qua ăn chênh lệch và ngược lại.
Ví dụ như cổ phiếu của Meta (Facebook) khi ký hợp đồng thưởng nhân viên vào cuối năm 2021 có giá khoảng 50.000 USD/cổ. Hiện nay số cổ phiếu này chỉ còn 2/3 giá trị.
Tương tự, cổ phiếu của Amazon cũng mất giá khoảng 15-50% so với đợt ký hợp đồng lương thưởng với nhân viên gần nhất.
Trong khi công ty hả hê vì tiết kiệm chi phí nhân công, đồng thời kích thích lao động làm việc hăng say hơn để doanh nghiệp phát triển, kích thích giá cổ phiếu đi lên thì nhân viên sẽ phải chịu mọi rủi ro trên thị trường chứng khoán.
Tờ WSJ cho biết phần lớn những kỹ sư công nghệ nhận lương thưởng bằng cổ phiếu không muốn bán vì vẫn kỳ vọng số tài sản trên giấy này sẽ hồi phục. Thêm nữa trong trường hợp bị sa thải thì số cổ phiếu thanh toán dần qua mỗi năm này có thể được xem như một phần lương hưu.
“Trong một khoảng thời gian dài, việc thanh toán bằng cổ phiếu là tấm vé làm giàu cho nhiều kỹ sư công nghệ. Thế nhưng năm 2022 đã làm đảo lộn mọi thứ”, chuyên gia tài chính Brandon Welch tại San Diego nhận định.
Trong 5 năm tính đến năm 2021, cổ phiếu của hàng loạt tập đoàn công nghệ lớn như Meta, Apple, Amazon, Netflix hay Google đã tăng hơn 4 lần, khiến cho những kỹ sư công nghệ vốn là khách hàng của Welch thỏa sức mua nhà, đi du lịch và sống cuộc sống giàu sang.
Thế nhưng sự quay đầu của thị trường đã biến cuộc sống của nhiều người theo chiều hướng khác.
Lên voi xuống hố
Cô Samantha Voigt trở thành kỹ sư công nghệ của Square, nay là Block, vào năm 2017 ngay sau khi tốt nghiệp đại học. Giá cổ phiếu của hãng tăng 9 lần trong thời gian cô làm việc đã biến vị sinh viên đại học mới ra trường này bước vào hàng thượng lưu ở tuổi ngoài 20.
Vị nữ kỹ sư công nghệ này thanh toán hết tiền nợ địa học, mua xe sang bằng tiền mặt mà không cần trả góp, kiếm được 500.000 USD lợi nhuận từ việc bán cổ phiếu thưởng.
Cuộc đời của cô Voigt lúc này đúng là giấc mơ của nhiều vị nữ sinh viên khi mới ra trường: đi spa 2 lần mỗi tuần và chi trả những khoản tiền đắt đỏ cho dịch vụ làm tóc, những chuyến du lịch xa xỉ đến Nhật Bản hay mua thêm bất động sản gần hồ Tahoe. Khi đại dịch diễn ra, cô Voigt nghỉ ở nhà 1 năm để hưởng thụ.
Quay trở lại làm việc cho một startup, dù cô Voigt nhận được mức lương cao hơn trước nhưng cổ phiếu của hãng này thì chẳng chịu tăng, thế là cuộc sống giàu sang của vị kỹ sư trẻ tuổi này cũng chấm dứt.
“Tôi từng sống theo kiểu vung tiền mua sắm mà chẳng phải nghĩ nhiều. Giờ đây tôi sẽ phải đắn đo lên xuống trước khi rút ví”, cô Voigt thừa nhận.
Vị nữ kỹ sư trẻ này đã phải dùng ứng dụng theo dõi thu chi để quản lý tiền, ngừng thuê nhân viên dọn dẹp hay các dịch vụ chăm chó, thay vào đó tự làm để tiết kiệm.
Câu chuyện của cô với nhóm bạn đồng nghiệp đã đổi từ đi du lịch xa xỉ nơi nào thành công ty nào sẽ bắt đầu sa thải nhân viên tiếp theo.
“Đây thực sự là một cú sốc”, anh Ryan Stevens, một kỹ sư công nghệ từng làm cho Verizon và Meta nói.
Bản thân anh Stevens từng đặt mục tiêu kiếm được 300.000 USD để đặt cọc mua nhà trả góp. Vì vậy khi được nhận vào làm ở Meta tháng 8/2021 với hợp đồng cổ phiếu thưởng 80.000 USD trong 4 năm, anh Stevens đã đồng ý.
Thế nhưng vào tháng 11/2022, vị kỹ sư công nghệ này bị sa thải và sau khi trừ đi các chi phí, số cổ phiếu còn lại của anh chỉ có giá trị 10.000 USD.
*Nguồn: WSJ