Cuộc xung đột Hamas và Israel đã và đang đẩy chi phí vận tải đường biển cao hơn, thách thức các nhà xuất khẩu. Dưới góc nhìn người trong cuộc, ông Phan Minh Thông - Tổng Giám đốc CTCP Phúc Sinh – vừa có bài viết phản ánh giá cước tàu chở hàng nông sản đi châu Âu, châu Mỹ đã tăng chóng mặt, còn 'kinh khủng' hơn cả đợt dịch Covid-19 bùng phát.
Nhớ lại hồi đầu năm 2019, kinh tế Việt Nam đang phát triển khá tốt, công việc kinh doanh đầy khí thế. Lúc bấy giờ, ông Thông cho biết giá cước tàu từ cảng Tp.HCM đi cảng chính châu Âu lúc đó cũng khá hấp dẫn, khoảng 600 USD/container 20’ fcl.
Đầu tháng 2/2019, giá cước tàu từ Tp.HCM đi Hamburg từ 600 USD/container 20’ fcl tăng lên 800 USD/Container 20’ fcl, lúc này các nhà xuất khẩu hầu như không có phản ứng vì mức giá tăng song vẫn hợp lý.
Cho đến khi giá cước tàu tăng lên 1.000 USD rồi 1.500 USD/cont 20’ fcl, các nhà xuất khẩu bắt đầu cảm thấy kinh khủng. Cước tàu tăng và hãng tàu chơi trò tâm lý "thiếu chỗ". Nghĩa là chỗ trên tàu không có sẵn và hãng cắt bớt tàu, đẩy người mua vào thế không có lựa chọn.
“Hãng tàu một mặt nói là không có chỗ, cắt bớt tàu, một mặt còn đưa ra dự báo là cước tàu còn tăng tiếp. Lúc này nhà xuất khẩu lưỡng lự đi hay không? Hay chờ cước tàu giảm xuống, vì tăng tới 900 USD/cont 20’ fcl tức là tăng 150% giá trị, trong khi giá nhà xuất bán có lời nhiều đâu? Thế giới phẳng mà hàng nông nghiệp luôn bán rẻ nữa, margin lời rất thấp. Chấp nhận đi hàng với giá 1.500 USD/cont là sẽ lỗ 900 USD/cont 20’ fcl so với tính toán ban đầu, trong khi số lượng xuất là hàng trăm hàng ngàn container”, ông cho biết.
Sau năm 2020, tình hình Covid leo thang khắp các nước châu Âu qua Mỹ, kéo theo hàng ngàn người chết đẩy tình trạng phong tỏa ở các thành phố trên thế giới. Hãng tàu với lý do này đã tăng giá cước bất chấp, từ 1.500 USD lên 4.950 USD/cont 20’ fcl.
Năm 2022 là đỉnh điểm, giá cước lên tới 8.000 USD cho cont 20’ fcl hay thậm chí có khách phải mua cước tàu lên đến 9.000 USD/cont 20’ fcl với lý do khó khăn điều hành vì đại dịch Covid. Nhìn chung, cước tàu đi Mỹ năm 2019 là 2.250 – 2.350 USD/cont 40’ fcl thì tới năm 2022, các nhà xuất khẩu phải trả mức giá "trên trời": 21.000 USD/cont 40’ fcl và có người phải mua đến 25.000 USD-29.000 USD/cont 40’ fcl.
Riêng Phúc Sinh, bình thường năm 2019 Công ty trả khoảng 3,2 tỷ đồng/tháng tiền cước tàu, thì năm 2022 phải trả 32 tỷ đồng/tháng - tăng gấp 10 lần. Nếu nhìn rộng ra cả nền kinh tế, Việt Nam là nước xuất khẩu lớn nhất trên thế giới với vô vàn mặt hàng, từ thủy sản, lúa gạo, cà phê, giày da, đồ gỗ, hạt tiêu, rau quả, hạt điều… thì thiệt hại lớn hơn rất nhiều.
Ông Phan Minh Thông nói, trong khi hàng trăm ngàn công ty xuất khẩu do trả tiền cước tàu đắt đỏ mà thua lỗ, rồi phá sản… thì từ năm 2021-2022, tất cả các hãng tàu đều lãi lớn, như MSC, CMA, Maersk, etc…
CFR/CNF: Giao hàng gồm tiền hàng và cước phí, có nghĩa là người bán giao hàng đã thông quan xuất khẩu, bốc hàng lên tàu của người chuyển chở do người bán thuê tại cảng bốc hàng. Người bán phải trả tiền cước tàu để chở hàng đến cảng đích quy định.
Năm 2023, CEO Phúc Sinh cho biết một lần nữa các nhà xuất khẩu lâm vào tình cảnh đó. Tháng 10/2023, khi Phúc Sinh ở Kohn (Đức) tham dự hội chợ thì nghe tin xung đột Hamas và Israel. Điều đầu tiên, ông Thông được báo là giá cước tàu từ 700 USD/Cont 20’ fcl đi từ cảng Tp.HCM đến Hamburg tăng lên 1.500 USD rồi lên 4.100 USD/Cont 20’ fcl (tức tăng 6 lần), và ông nghĩ tới những cảm giác kinh hoàng về cước tàu của những năm 2020-2022.
Theo ông, có nhiều hãng tàu hàng đã lên boong mà còn thu thêm "phụ phí chiến tranh". Cước đi New York, Mỹ từ 2.200 USD/cont 40’ fcl lên 5.000 USD và 7.100 USD/cont 40’ fcl.
"Thực ra thay vì đi qua kênh đào Suez thì giờ các hãng tàu phải đi qua mũi Hảo Vọng, chặng đường dài hơn song không thể tăng giá quá nhiều như vậy!" - Ông Phan Minh Thông chia sẻ quan điểm.