Người Nhật đã định hình Trà đạo thành đạo lý của dân tộc, một nghệ thuật sống được truyền tải qua việc thưởng lãm một tách trà. Trong khi đó, Việt Nam - một cường quốc cà phê hàng đầu thế giới, có hạt cà phê Robusta ngon bậc nhất thế giới, có một bề dày lịch sử văn hóa thưởng lãm cà phê hàng trăm năm, nhưng đến nay, giá trị cà phê Việt Nam vẫn thuộc phân khúc thấp, chủ yếu xuất thô và chưa được định hình đúng vị thế vốn có của ngành, của quốc gia.
Với mong muốn đưa ngành cà phê Việt Nam lên một tầm cao mới, nâng cao giá trị cà phê không chỉ là một thức uống thông thường mà còn ở tầm mức cà phê văn hóa, cà phê nghệ thuật, cà phê tinh thần… đến cà phê triết đạo, xứng đáng với vị thế của cường quốc cà phê của thế giới - Tập đoàn Trung Nguyên Legend đã dành thời gian và tâm huyết trong nhiều năm để nghiên cứu lịch sử, văn hóa, nghệ thuật… cà phê trong mọi lĩnh vực đời sống của nhân loại để cà phê trở thành "Cà Phê Triết Đạo".
Trong suốt hành trình sáng tạo và phát triển của Trung Nguyên Legend thì tinh thần dấn thân phụng sự cộng đồng luôn là hạt nhân xuyên suốt bằng nhiều chương trình hành động để Kiến tạo khát vọng lớn, Chí hướng lớn; để xây dựng vị thế mới cho ngành cà phê Việt Nam trên bản đồ cà phê thế giới.
Người Nhật đã làm được!
Người Việt mình cũng làm được và làm tốt hơn!
Tiên phong định hình phong cách thời trang “thanh lịch, tự do và tối giản” cho nữ giới
Đầu thế kỷ 20, trong bối cảnh chiến tranh thế giới thứ nhất và sự bùng nổ của làn sóng công nghiệp hóa, vai trò của phụ nữ trong xã hội châu Âu đã thay đổi. Phụ nữ bắt đầu thay thế nam giới giờ đây phải ra trận, để tham gia vào lực lượng lao động, làm việc trong nhà máy, văn phòng, bệnh viện, các hoạt động xã hội như bầu cử, cứu trợ,… Vị thế xã hội của phụ nữ dần thay đổi với hình ảnh mới hiện đại, tự do và chủ động trong cuộc sống. Theo đó, các phong cách thời trang gò bó khiến người phụ nữ “không thể tự đi nhanh, luôn cần người hỗ trợ” không còn phù hợp, không thể hiện được vai trò mới của phụ nữ.
Được sinh ra và trưởng thành trong giai đoạn lịch sử này, Coco Chanel (1883–1971), tên thật là Gabrielle Bonheur Chanel, đã tiên phong sáng tạo, định hình phong cách thời trang “thanh lịch, tự do, tối giản” cho nữ giới, tạo nên tầm ảnh hưởng lớn trong lịch sử phát triển thời trang nhân loại thế kỷ 20.
Bằng chính trải nghiệm sống, khát vọng vươn lên và tư duy sáng tạo khác biệt mạnh mẽ, Coco Chanel đã khởi xướng và dẫn dắt “cách mạng thời trang” giải phóng hình thể phụ nữ Pháp thế kỷ 20. Bà đã định hình chuẩn mực mới cho phong cách thời trang nữ “tự do, hiện đại” và trở thành biểu tượng của sự thanh lịch kiểu Pháp cho đến ngày nay.

Xuất thân với tuổi thơ cơ cực, mẹ mất và bị cha bỏ rơi vào năm 11 tuổi, Chanel lớn lên trong một tu viện cũng là trại trẻ mồ côi và bắt đầu học nghề may. Môi trường hà khắc, trang phục đen trắng của những nữ tu nơi đây góp phần hình thành tính cách kiên cường và phong cách thời trang tối giản trong bảng màu Đen – Trắng – Be sau này của Chanel.
Năm 18 tuổi, khi rời tu viện đến Moulins, Chanel làm công việc thợ may vào ban ngày tại cửa hàng Maison Grampayre và làm ca sĩ vào ban đêm tại các quán cà phê địa phương như Le Grand Café và La Rotonde. Chính từ những không gian cà phê này, biệt danh “Coco” đã ra đời khi những ca khúc biểu diễn của bà được khán giả yêu mến. Đặc biệt, cũng chính nơi đây đã hình thành những kết nối đầu tiên giữa Chanel với giới thượng lưu, sĩ quan, tầng lớp quý tộc – tạo tiền đề mở rộng thế giới quan, tầm nhìn xã hội và tư duy thẩm mỹ đột phá trong bà.

Khi bước vào thế giới thời trang, Coco Chanel nhận thấy những thiết kế siết chặt cơ thể trong corset và váy phồng “quá rườm rà nhưng không hề quyến rũ”, cũng như không phù hợp với lối sống hiện đại bận rộn của phụ nữ trong thời chiến. Bà đã mạnh dạn thay thế chúng bằng phong cách thời trang mang hơi hướng nam “menswear” cho nữ: gọn gàng, phom dáng thoải mái, đề cao tính ứng dụng.
Trong đó rõ nét nhất là thiết kế quần cho nữ được Coco Chanel ra đời khoảng năm 1914 trong Thế chiến thứ nhất. Đây được xem là “thiết kế mang tính cách mạng”, giúp nữ giới giải phóng cơ thể, dễ dàng di chuyển, làm việc. Thiết kế này đã tạo nên một diện mạo năng động, tự do chưa từng có cho người phụ nữ thời bấy giờ, góp phần chuyển dịch vai trò xã hội của phụ nữ trong thế kỷ 20.
Triết lý thời trang xuất phát từ lối sống
Từ những quán cà phê nhỏ ở Moulins đến các brasserie sang trọng tại Paris như Les Deux Magots, Café de Flore, La Closerie des Lilas hay La Rotonde, điểm hẹn của giới nghệ sĩ, trí thức và tầng lớp trung - thượng lưu thường xuyên gặp mặt trao đổi tư tưởng, đã trở thành môi trường văn hóa đặc biệt tác động đến việc định hình tư duy thẩm mỹ và sáng tạo thời trang của Coco Chanel.

Trong không gian ngập tràn đối thoại và cảm hứng sáng tạo của quán cà phê, những cuộc trò chuyện với giới nghệ thuật như nhà thơ Jean Cocteau, họa sĩ Pablo Picasso, nhà soạn nhạc Igor Stravinsky,… đã góp phần mở rộng góc nhìn nghệ thuật của Coco Chanel. Sự hòa quyện giữa thời trang, nghệ thuật và tinh thần khai phóng của xã hội lúc bấy giờ được Coco Chanel sáng tạo và ứng dụng tinh tế vào từng thiết kế. Bà đã tiên phong sử dụng chất liệu “jersey”, “tweed” vốn dùng cho quần áo thể thao và nội y nam để tạo nên thiết kế quần áo, đồ thể thao, bộ suit cho nữ với phom dáng đề cao đường nét cơ thể một cách tự nhiên, thanh lịch và tự do vận động.
Café Angelina trên phố Rue de Rivoli là nơi Coco Chanel và diễn viên Audrey Hepburn thường lui tới. Tại đây, giữa không gian sang trọng với gương lớn và tiếng chuyện trò nhộn nhịp, Chanel từng nói rằng bà yêu cảm giác “ngồi ngắm nhìn sự chuyển động không ngừng của cuộc sống” và chính sự “hối hả” đó là nguồn cảm hứng cho những sáng tạo thời trang đột phá.

Hàng quán cà phê cũng là nơi Chanel quan sát lối sống "flâneur" đặc trưng của Pháp – nghệ thuật dạo phố, ăn vận đẹp, thưởng thức cuộc sống bên tách cà phê để tạo nên những thiết kế thời trang với triết lý“sự thời thượng xuất phát từ lối sống”. Trong đó, thiết kế “Little Black Dress” là minh chứng rõ nét cho sự sáng tạo từ nguồn cảm hứng này.
Trước những năm 60 thế kỷ 20, màu đen vốn chỉ gắn với trang phục của tầng lớp lao động, và chưa bao giờ được được dùng cho phục trang giới thượng lưu. Thế nhưng trong thiết kế “Little Black Dress” ra mắt vào năm 1926 của Coco Chanel, màu đen đã trở thành gam màu biểu tượng. Phong cách thiết kế phóng khoáng của chiếc đầm đen “Little Black Dress” được tạp chí Vogue Mỹ khen ngợi là “The Chanel Ford” – “kiểu mẫu dành cho mọi phụ nữ có gu”. Thiết kế trở thành tiêu chuẩn mới cho vẻ đẹp thanh lịch của nữ giới Pháp và vẫn trường tồn đến ngày nay.
Tiếp nối tinh thần của người sáng lập Coco Chanel, mối giao thoa giữa thời trang và văn hóa cà phê Paris vẫn tiếp tục là nguồn cảm hứng trong các bộ sưu tập của thương hiệu thời trang Chanel. Năm 2014, tại sự kiện Biennale des Antiquaires ở Paris, The House of Chanel đã giới thiệu bộ sưu tập trang sức mang tên “Café Society” lấy cảm hứng từ thời kỳ hoàng kim các quán cà phê Paris trong những năm 1920. Tại Tuần lễ Thời trang Paris năm 2015, nhà mốt Chanel tiếp tục gây ấn tượng với bộ sưu tập “Brasserie Gabrielle” phong cách thời thượng tái hiện quán cà phê kiểu Paris sống động ngay trên sàn diễn Grand Palais.

Trong suốt hành trình sáng tạo của mình, cà phê và hàng quán cà phê đã trở thành chất xúc tác quan trọng thúc đẩy cảm hứng sáng tạo và góp phần định hình phong cách thời trang, tư duy thẩm mỹ của Coco Chanel với triết lý “Thời trang không chỉ là những gì hiện diện trên trang phục, mà còn là cách chúng ta sống”. Trong một thế giới không ngừng biến đổi, ngày nay, Chanel vẫn là thương hiệu thời trang cao cấp thành công bậc nhất thế giới, biểu tượng của sự thanh lịch vượt thời gian – nơi thời trang, nghệ thuật và lối sống giao thoa, tạo nên những giá trị bền vững và truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ.
https://www.youtube.com/watch?v=wfV-vH9sLZ4
Thân mời bạn đọc đón xem loạt video Cà Phê Triết Đạo đã được đăng tải trên kênh https://bit.ly/caphetrietdao

Đón đọc kỳ sau: Cà phê và sự phát triển bền vững