Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2022 đang diễn ra tại Hà Nội, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng việc tiếp cận đất đai của doanh nghiệp nhỏ và vừa rất khó khăn và có tình trạng địa phương lấy đất của doanh nghiệp nhỏ để giao cho doanh nghiệp lớn.
Cụ thể, theo ông Tuấn, thực tế việc tiếp cận đất đai của doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện rất khó khăn. Các tỉnh, thành phố hầu như không có chính sách riêng cho đối tượng này, chủ yếu dành nguồn lực cho các dự án lớn, các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Ngoài ra, các doanh nghiệp tư nhân nhỏ và vừa hầu như không có cơ hội tiếp cận đất đai. Doanh nghiệp tư nhân nhỏ và vừa cũng không cạnh tranh được với doanh nghiệp vì thực tế thực trạng phân bổ đất đai chưa tự nguyện, có tình trạng địa phương lấy đất của doanh nghiệp nhỏ để giao cho doanh nghiệp lớn.
Bên cạnh đó, việc thực hiện Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên thực tế rất hạn chế. Hệ quả tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận đất đai ít, ít có cơ hội mở rộng kinh doanh nên nhiều doanh nghiệp loay hoay với câu chuyện về môi trường, làng nghề, tiếp cận vốn khó do không có đất đai để thế chấp.
Vì vậy, theo ông Tuấn, chính việc khó tiếp cận đất đai đã dẫn đến việc bức tranh khu vực kinh tế tư nhân hiện nay tại Việt Nam còn khá khiêm tốn.
Nhận định về câu chuyện tiếp cận đất đai tại Việt Nam hiện nay, theo ông Andrew Jeffries, Giám đốc quốc gia Ngân hàng châu Á (ADB) tại Việt Nam cho rằng, Chính phủ cần xem xét bỏ những hạn chế liên quan đến đất nông nghiệp, đất trồng lúa; tính toán thuế đối với đất; thất thoát nguồn thu từ đất; hệ thống thông tin về đất đai, tiếp cận thông tin minh bạch.
Đối với việc tạo cơ chế tiếp cận đất đai cho các doanh nghiệp, theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM kiến nghị doanh nghiệp tự thỏa thuận với người sử dụng đất khi thực hiện dự án đô thị, nhà ở thương mại.
Ông Lê Hoàng Châu kiến nghị thời gian tới đề nghị bổ sung quy định trong Luật đất đai (sửa đổi) cho phép doanh nghiệp thực hiện cơ chế tự thỏa thuận với người sử dụng đất khi thực hiện dự án đô thị, nhà ở thương mại.
Từ những bất cập liên quan đến câu chuyện tiếp cận đất đai của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, ông Đậu Anh Tuấn cho rằng, việc sửa đổi Luật đất đai bên cạnh tăng cường đấu giá, đấu thầu sử dụng đất cũng cần có chế định khác để doanh nghiệp nhỏ và vừa có có hội tiếp cận đất đai.
Bên cạnh đó, cần khuyến khích có đất để sản xuất công nghiệp, nếu giá đất để sản xuất công nghiệp quá cao thì hàng hóa Việt Nam sẽ khó cạnh tranh.
Ngoài ra, thủ tục hành chính phức tạp, nhiều chồng chéo xung đột, nên chi phí cao, chỉ doanh nghiệp lớn mới tiếp cận, vì vậy, cần có cải cách mang tính đột phá về thủ tục hành chính và tránh chồng chéo trong hệ thống pháp luật hiện hành.
Theo ông Đậu Anh Tuấn, cũng đề nghị cần giảm tình trạng văn bản hướng dẫn thi hành luật, bởi theo thống kê hiện nay có quá nhiều văn bản hướng dẫn thi hành dẫn tới việc khó nắm bắt và thực hiện.
Sau khi tiếp nhận những ý kiến của các chuyên gia, chia sẻ tại Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2022, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết hiện nay, đối với Dự thảo Luật đất đai sửa đổi đang có hai luồng ý kiến.
Luồng ý kiến thứ nhất, thống nhất giao đất theo hình thức đấu giá, đấu thầu, làm rõ việc chỉ định giao đất, không đấu giá đấu thầu.
Luồng ý kiến thứ hai, tiếp tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất, góp vốn quyền sử dụng đất, chuyển mục đích không đấu thầu đấu giá.
Theo Bộ trường Trần Hồng Hà, trong dự thảo Luật đất đai lần này, có quy định trường hợp tự chuyển nhận, tự sắp xếp sử dụng đất của một nhóm người dân thì không cần đấu thầu, đấu giá, nhưng việc một doanh nghiệp làm dự án đất thương mại, đất nhà ở thì có phát sinh địa tô, quyền định đoạt thu hồi, phân bổ lại là ở nhà nước.
Đối với các ý kiến đóng góp, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết sẽ tiếp thu đầy đủ ý kiến của các chuyên gia, nhà nghiên cứu, cử tri và nhân dân để tiếp tục hoàn thiện dự thảo luật, những vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau sẽ được Quốc hội quyết định, đảm bảo công bằng, công khai, minh bạch.