Có khả năng cung cấp tới 54 tỷ mét khối/năm, vì sao châu Âu muốn nhưng không thể khai thác mỏ khí đốt siêu khổng lồ này để thay thế cho nguồn cung từ Nga?

Như Quỳnh | 11:38 08/10/2022

Cánh đồng Groningen tại Hà Lan vào năm 2013 đã đặt sản lượng khai thác khí đốt lên tới 54 tỷ mét khối, vượt xa khối lượng mà Đức nhập khẩu từ Nga. Vậy vì sao châu Âu lại không tiếp tục khai thác nguồn này trong khi mùa đông đang cận kể và nguồn cung từ Nga đang dần trở nên không chắc chắn?

Có khả năng cung cấp tới 54 tỷ mét khối/năm, vì sao châu Âu muốn nhưng không thể khai thác mỏ khí đốt siêu khổng lồ này để thay thế cho nguồn cung từ Nga?
Ảnh minh họa

Trữ lượng khủng đi kèm với rủi ro

Bên dưới vùng đầm lầy rải rác những chiếc cối xay gió tại Hà Lan là khu dự trữ khí đốt tự nhiên lớn nhất châu Âu. Cánh đồng Groningen rộng lớn có đủ khả năng thay thế cho phần lớn nhiên liệu từ Nga mà Đức nhập khẩu. Tuy nhiên, cánh đồng này đang ngừng hoạt động và Chính phủ Hà Lan từ chối lời kêu gọi khai thác trở lại, ngay cả khi châu Âu đang bước vào một mùa đông khắc nghiệt.

Lý do của việc tạm ngừng khai thác là do việc khoan dẫn đến các trận động đất lặp đi lặp lại và các quan chức tại đây không thể đồng ý trước sự phản ứng dữ dội của người dân. Groningen đã trở thành trụ cột trong nguồn cung khí đốt của châu Âu kể từ năm 1963.

Ngay cả sau khi khai thác nửa thế kỉ, nó vẫn còn trữ lượng lên tới 450 tỷ mét khối khí đốt có thể chiết xuất dự trữ trị giá lên tới 1.000 tỷ USD. Theo Shell Plc, một trong hai đối tác lớn tham gia vận hành cho biết, còn nhiều khả năng để khai thác khoảng 50 tỷ mét khối khí đốt mỗi năm, nhiều hơn so với dòng chảy khí đốt hiện tại.

c1.png
Sản lượng khí đốt qua từng năm tại khu vực Groningen. Đồ họa: Blomberg

Tuy nhiên người dân địa phương đã nói rằng châu lục này cần tìm nguồn cung ở nơi khác.Ông Wilnur Hollaar, 50 tuổi, sống ở Groningen gần hai thập kỷ nay cho biết: “Khi tôi mua ngôi nhà này vào năm 2004, nó giống như một cung điện. Tuy nhiên những ngôi nhà tại khu vực này đã bị hư hại nặng do động đất, đầy những vết nứt xung quanh còn mặt tiền thì đang bị sụt xuống. Ngôi nhà của tôi giờ như một đống đổ nát.”

Bộ trưởng khai thác mỏ Hà Lan, ông Hans Vijlbrief nói rằng việc tiếp tục sản xuất là rất nguy hiểm nhưng họ cũng không thể phớt lờ những mối nguy hại trong nguồn cung khí đốt. Việc thiếu khí đốt có thể sẽ buộc ông đưa ra những quyết định đó, đồng thời nói thêm rằng sẽ rất nguy hiểm nếu bệnh viện, trường học hay từng ngôi nhà không được sưởi ấm đúng cách. Nga chiếm khoảng 1/3 nguồn cung khí đốt cho châu Âu trước khi xảy ra xung đột với Ukraine. Những sự cố gần đây với đường ống Nord Stream đã khiến dòng chảy đến Đức bị đe dọa trầm trọng. Trữ lượng mà Shell ước tính gần như ngay lập tức đủ để thay thế cho 46 tỷ mét khối mà Đức nhập khẩu từ Nga vào năm ngoái.

Các quan chức Hà Lan nói rằng nếu Đức cần thêm năng lượng, thì một lựa chọn an toàn hơn sẽ là kéo dài hơn nữa tuổi thọ của các nhà máy hạt nhân của nước này. Tháng trước, Chính phủ Đức cho biết hai cơ sở dự kiến đóng cửa sẽ hoạt động trở lại trong năm nay nếu cần thiết. Trong một bài phát biểu gần đây, Ủy viên Thị trường Nội bộ Liên minh châu Âu, ông Thierry Breton cho biết Hà Lan nên xem xét lại quyết định đóng cửa Groningen. Ông Vijlbrief cũng đã bị các đối tác từ các quốc gia EU khác thúc ép, nhưng hiện tại nước này vẫn giữ nguyên quan điểm. Thủ tướng Mark Rutte sẽ không loại trừ hoàn toàn việc sử dụng Groningen để tăng cường nguồn cung cấp, nhưng “chỉ trong trường hợp cực kỳ nghiêm trọng.”

Groningen đã ghi nhận những chấn động nhỏ đầu tiên của mình vào năm 1986. Kể từ đó, có thêm hàng trăm những trận động đất xảy ra, mặc dù hầu hết chỉ được phát hiện bằng cách thiết bị đo lường. Tuy nhiên một trận động đất 3,6 độ richter đã xảy ra vào năm 2012, kéo theo hàng nghìn đơn yêu cầu bồi thường về thiệt hại tài sản. Chính phủ Hà Lan đã đặt ra yêu cầu ngày càng khắt khe hơn với sản lượng khai thác mỏ kể từ năm 2014, sản lượng đã giảm từ 54 tỷ mét khối năm 2013 xuống mức 4,5 tỷ mét khối trong năm nay.

Giải pháp thay thế

Theo Viện Thiệt hại Khai thác mỏ Groningen, trong số khoảng 327.000 hộ dân trong khu vực, ít nhất 127.000 hộ đã báo cáo thiệt hại. Đài truyền hình Hà Lan NOS đưa tin hơn 3.300 tòa nhà đã bị phá bỏ kể từ năm 2012 vì động đất khiến chúng trở nên không an toàn. Theo báo Het Financieele Dagblad, lĩnh vực này đã mang lại tổng lợi nhuận là 428 tỷ euro (422 tỷ USD), trong đó nhà nước Hà Lan nhận được 363,7 tỷ euro trong 60 năm qua. Ông Hollaar đã được đề nghị bồi thường vỏn vẹn 12.000 euro vì thiệt hại cho ngôi nhà của mình, trong khi ông ước tính giá trị căn nhà của mình đã giảm đến 550.000 euro.

Ông Albert Heidema, 69 tuổi, đã nghỉ hưu sau khi làm đặc vụ chống buôn bán ma túy và hiện là chủ tịch một nhóm hành động địa phương có tên là Ons Laand. Trở lại năm 2015, một thanh tra đã kết luận ngôi nhà của anh ở Appingedam đã bị tàn phá nặng nề, nhưng đến nay ông vẫn đang phải chờ quyết định phá dỡ kể. “Những trận động đất ảnh hưởng thực sự đến chúng tôi. Vào ban đêm, mọi âm thanh đó khiến tôi mất ngủ và cảm thấy không an toàn trong chính ngôi nhà của mình.”

mh.png
Những ngôi nhà tại khu vực lân cận bị ảnh hưởng nặng nề do động đất. Ảnh: Bloomberg

Tình trạng khó khăn của Groningers đã giành được sự đồng cảm của ngày càng nhiều cử tri Hà Lan. Ông Vijlbrief thừa nhận rằng trong nhiều năm qua, Chính phủ Hà Lan đã khiến những người như Hollaar thất vọng. Cùng với Nederlandse Aardolie Maatschappij - liên doanh giữa Shell và Exxon Mobil Corp, Chính phủ đã trả 1,65 tỷ euro tiền bồi thường. Nhưng đó là một phần nhỏ so với những gì cư dân mong muốn.

Thay vì thúc đẩy sản lượng khí đốt, Hà Lan đã loại bỏ các giới hạn đối với các nhà máy nhiệt điện than để giúp đảm bảo an ninh năng lượng, chuyển sang sử dụng các nhiên liệu gây ô nhiễm nặng nề. Họ cũng đã tăng gấp đôi công suất nhập khẩu khí hóa lỏng LNG và các kho chứa khí đốt để đảm bảo chúng sẽ được lấp đầy 80% trước mùa đông. Tình hình mùa đông năm nay có vẻ như khá an toàn, tuy nhiên tình trạng sau đó là điều mà nhiều người lo lắng. Khi sử dụng hết nguồn dự trữ này cho mùa đông lạnh giá sắp tới, sẽ làm thế nào để có thể lấp đầy lại?

Nhiều cư dân Groningen đang chuẩn bị tinh thần để Chính phủ thay đổi quyết định của mình và cho biết họ sẽ phản đối đến cùng.

Theo Bloomberg

Bài liên quan

(0) Bình luận
Có khả năng cung cấp tới 54 tỷ mét khối/năm, vì sao châu Âu muốn nhưng không thể khai thác mỏ khí đốt siêu khổng lồ này để thay thế cho nguồn cung từ Nga?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO